Thành phố Hồ Chí Minh: Tâm thế mới cho những khát vọng mới

Hơn 3 thế kỷ qua, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định xưa, TP.HCM hôm nay đã luôn là mảnh đất của những nỗ lực và khát vọng, không ngừng vươn lên, không ngừng hướng về phía trước.

Và giờ đây, khát vọng ấy, tâm thế ấy vẫn đang hiển hiện trên mảnh đất “Thành đồng” này, với quyết tâm mãnh liệt: giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế, đô thị thông minh, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, xứng đáng với “tên vàng”: Hồ Chí Minh.

Thành phố khát vọng

Đó là cụm từ được nhà thơ Lê Tú Lệ dùng để đặt cho trường ca cũng là cách nhìn của nhà thơ khi nhìn lại một cách khái quát lịch sử vùng đất Sài Gòn - TP.HCM từ thuở đầu khẩn hoang, qua nhiều cơn binh lửa cho đến nhịp sống đương đại ngày hôm nay. Nhà thơ Lê Tú Lệ hẳn có rất nhiều căn cứ để viết rằng, Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố “Luôn nhận về mình gian khổ đớn đau” nhưng “Vẫn ngẩng cao đầu lĩnh xướng/trong dàn đồng ca hình đất nước rồng bay”

“Không ngừng khát vọng” hoàn toàn có thể được coi là một trong những “đặc điểm nhận diện” rõ nét nhất về mảnh đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định xưa, TP.HCM hôm nay.

“Thành phố này, nói cho cùng, là một ký ức nhắc nhở ta về bao thế hệ con người khác nhau đã tạo dựng nên nó, bao biến cố thăng trầm lịch sử, nhưng đồng thời cũng nói lên bao niềm ước vọng” - nhìn nhận của ngài Henry Chabert (lúc đó là phó thị trưởng thành phố Lyon (Pháp) trong dịp kỷ niệm 300 năm thành lập vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn, TP.HCM có lẽ cũng là nhìn nhận chung của nhiều người.

Chính khát vọng ấy đã đưa Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trở thành mảnh đất luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió, giữa sào huyệt của bè lũ thực dân, đế quốc, vẫn một dạ kiên trung bất khuất, cùng với miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”, “đi trước về sau” qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ mà vô cùng oanh liệt.

Cũng chính từ khát vọng ấy, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục đứng lên, không ngừng nỗ lực, sáng tạo, nỗ lực khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, giữ vững thành quả cách mạng, ổn định chính trị, khôi phục và vươn lên phát triển kinh tế.

Và cũng chính từ những khát vọng ấy, 47 năm qua, kể từ ngày thành phố vinh dự trở thành thành phố mang tên Bác, TP.HCM đã là nơi tiên phong với những sáng kiến, ý tưởng đổi mới táo bạo. Những năm đầu sau giải phóng, đó là những cách làm mang tính “xé rào”, “bung ra”, khôi phục sản xuất, tháo gỡ những rào cản của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, nỗ lực đưa kinh tế thành phố từng bước vượt qua cơn khủng khoảng.

Những năm tháng sau này, là những nỗ lực đã tạo ra những bước đột phá quan trọng trong cơ chế, chính sách để bắt đầu có sự tăng trưởng. TP.HCM đã là địa phương tiên phong cả nước tìm tòi nhiều sáng kiến như là nơi khơi nguồn cho việc xây dựng thí điểm mô hình chính quyền đô thị, triển khai phương thức quản lý đô thị thông minh, xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông – TP. Thủ Đức. Lãnh đạo thành phố luôn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngừng tìm tòi để thiết lập cơ chế quản lý mới.

TP.HCM cũng được biết đến là địa phương đi đầu cả nước trong các phong trào từ thiện xã hội. Tháng 2/1992, TP.HCM là địa phương đầu tiên khởi xướng chương trình “Xóa đói giảm nghèo”. Từ những năm 1988 - 1989, phong trào “Xây nhà tình nghĩa” được thành phố phát động… những phong trào, việc làm đó đã và đang lan tỏa rộng khắp, góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về một thành phố “nghĩa tình”.

Vượt qua 20 năm đầu (1976 – 1995) với những bước thăng trầm chất chồng khó khăn, giai đoạn (1996 – 2005) phát triển một số lĩnh vực và phát triển nhanh, hiện đại hóa (từ 2006 đến nay), có thể nói, trong bất cứ hoàn cảnh nào, thành phố vẫn luôn hướng về phía trước, tràn đầy khát vọng vươn lên tầm cao mới, luôn “đi trước, về sau”, xứng đáng là thành phố mang tên Bác, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Tâm thế mới, sức sống mới cho những khát vọng mới

Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ngày 20/3/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, trong năm 2021, TP.HCM chịu tác động, chịu thiệt hại rất nặng nề về người và của, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội bởi đại dịch COVID-19, tuy nhiên thành phố đã vượt qua được giai đoạn hiểm nghèo để từng bước phục hồi, phát triển kinh tế tốt, nhanh hơn kỳ vọng.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tự hào về những thành tựu của thành phố đã đạt được và tự tin, trí tuệ, toàn tâm, toàn ý; từ đó, tạo ra tâm thế, quyết tâm cho thành phố thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X.

Và điều đáng mừng là với những gì đã hiển hiện trong quý 1/2022 vừa qua, có thể thấy, có thể dễ dàng bắt gặp tâm thế, sức sống và khát vọng kiến thiết phục hồi, phát triển thành phố đang bừng lên với từng người dân, từng DN, từng địa phương, đơn vị trên địa bàn TP.HCM.

Như chia sẻ của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Niềm tin, sức sáng tạo và khao khát vươn lên trong mỗi cán bộ, mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp không mất đi mà càng được trui rèn mạnh mẽ hơn qua cơn biến động COVID-19. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng kinh tế số, phát triển thương mại điện tử. Nhiều người dân đã tạo lập tâm thế mới, thói quen mới thích ứng với COVID-19, biết ứng dụng công nghệ nhanh nhạy hơn để phục vụ cuộc sống, công việc, làm giấy tờ, thủ tục trực tuyến...

Đặc biệt là cốt cách của con người TP.HCM càng tỏa sáng, tình thương yêu trong mỗi con người được rộng mở hơn khi chúng ta đã trải qua và thấu hiểu với niềm đau của đồng bào. Qua bão táp COVID-19, khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng được thắt chặt, mối tương tác giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân càng được củng cố. Đó là những giá trị hữu hình và vô hình rất lớn lao, là cơ sở nền tảng cho TP.HCM phục hồi và phát triển.

Cùng với tâm thế, khát vọng là hành động thực tiễn. Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP.HCM đã, đang đặc biệt chú trọng tới khâu quản trị thành phố trong tình hình mới; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị thành phố; đổi mới công tác quản trị, tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng; 3 chân kiềng: kiểm soát tình hình dịch, phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội được tiến hành đồng thời và hài hòa; Các nhiệm vụ trong năm 2022 cũng nằm trong tổng thể Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025, được thiết kế với các giải pháp cấp bách và trọng tâm để khôi phục những đứt gãy, vực dậy kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố; hoàn thành Đề án phân cấp, ủy quyền cho TP. Thủ Đức và Đề án cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Thủ Đức; thúc đẩy đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, tạo ra sự lan tỏa, thu hút đầu tư xã hội; Cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ vướng mắc ở các dự án đầu tư tư nhân, huy động nguồn lực xã hội vào công cuộc phục hồi kinh tế; Quyết tâm xóa các điểm nghẽn về thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cản trở sự phục hồi tự nhiên của thị trường…

Tâm thế ấy, nền tảng ấy, cùng với những bước chuẩn bị kỹ lưỡng ấy sẽ là điểm tựa vững chắc để có thể tin rằng việc phục hồi kinh tế TP.HCM bật lên theo chữ V là điều hoàn toàn có thể. Từ đó, hiện thực hóa quyết tâm chính trị đưa TP.HCM giữ vững vị trí, vai trò đầu tàu tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.

Hồng Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-tam-the-moi-cho-nhung-khat-vong-moi-post190758.html