Thành phố Hồ Chí Minh tận dụng thời cơ vượt qua thử thách
Sáng 15/7, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Đến dự hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Trong nửa nhiệm kỳ qua, dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với Nghị quyết XI của Đảng bộ Thành phố và các Nghị quyết, quy chế, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Một trong những điểm nổi bật của thành phố trong nửa nhiệm kỳ qua đó là, chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội cũng có nhiều nỗ lực sau đại dịch.
Năm 2022 sau khi kinh tế bắt đầu phục hồi, tăng trưởng 9,03 %; 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng của thành phố đạt 3,55 %. Tăng trưởng kinh tế số trong GRDP của thành phố cũng đã đạt mức 19 %. Năng suất lao động thành phố giai đoạn 2021-2022 tăng khoảng 4%, cao hơn cả nước khoảng 1,8 lần…
Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tập trung đầu tư để đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm, nhất là những công trình giao thông như cầu Ba Son, các cầu vượt, hầm chui, nút giao thông, đường nối; tiếp tục đẩy mạnh công tác chuẩn bị để có thể triển khai các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Mộc Bài, các dự án đầu tư theo hình thức của đối tác công tư….
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ tiếp tục có bước phát triển, có nhiều tiến bộ. Thành phố tiếp tục giữ vững ổn gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng hội nhập đối ngoại, tăng cường sức mạnh quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang thành phố vững mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh và quan tâm đến thế trận an ninh, thế trận quốc phòng toàn dân.
Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý tình hình thế giới và khu vực tiếp tục còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Sự lựa chọn của thành phố lúc này là tận dụng thời cơ vượt qua thử thách, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường phát huy nội lực, huy động ngoại lực, giữ vững mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 11 đề ra trên cơ sở có điều chỉnh linh hoạt theo thứ tự ưu tiên phù hợp với tình hình.
Thành phố tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp để tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao tiềm lực và khả năng cạnh tranh ở khu vực; thúc đẩy phát triển hạ tầng logistics, đẩy nhanh các hoạt động hình thành Trung tâm Tài chính quốc gia, Trung tâm Tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố tập trung triển khai quyết liệt, có hiệu quả chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 31, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 98 của Quốc hội, bốn chương trình trọng điểm đột phá phát triển thành phố; tập trung rà soát, đẩy mạnh thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2025, phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực để cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng quan tâm chất lượng tăng trưởng không chạy theo số lượng.
“Chúng ta tập trung xây dựng thành phố thành trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục và đào tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận với trình độ khu vực và quốc tế, thích ứng với quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hội nhập ưu tiên hàng đầu”- đồng chí Nguyễn Văn Nên đề nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị, Thành phố tiếp tục tập trung tìm kiếm giải pháp giải quyết các điểm nghẽn, những gì thuộc về phạm vị của thành phố, Thành phố khẩn trương quyết tâm làm những gì liên quan tới Trung ương thì cũng khẩn trương kiến nghị phối hợp để giải quyết.
Về nhiệm vụ, giải pháp sắp tới, Thành phố đã xác định 2 nhóm giải pháp rất rõ ràng. Đồng chí Trương Thị Mai đề nghị trong quá trình triển khai 2 nhóm nhiệm vụ này, thành phố tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện mục mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nửa nhiệm kỳ với Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả của hôm nay cũng là nền tảng cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển tiếp theo của Thành phố Hồ Chí Minh.
Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị thành phố tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực tha hóa trong đội ngũ cán bộ, tiếp tục xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Thành phố cần chú trọng đến công tác cán bộ với vai trò then chốt của then chốt và đến thời điểm này phải tiếp tục khẩn trương để chuẩn bị nguồn cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cho nhiệm kỳ tiếp theo; trong đó, hết sức chú trọng đến những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực nổi trội, dám dấn thân, dám hy sinh.
“Sự phát triển của Thành phố không chỉ cho nhân dân thành phố mà quan trọng còn góp phần rất to lớn cho phát triển của đất nước, là sự động viên, thúc đẩy cho cả khu vực Đông Nam Bộ, khu vực trọng điểm kinh tế phía nam”- đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh.