Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường hợp tác quốc tế trong xử lý rác thải
Tổ chức Phát triển Hà Lan đã chủ động để xuất dự án thí điểm 'Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh' tại Thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ tài chính từ Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW).
Ngày 2/3, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường đã tiếp ông Nicholas Fredrick Kolesch, Phó Chủ tịch Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW) và ông Peter Loach, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam (SNV) đang trong chuyến thăm và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Bùi Xuân Cường trân trọng cảm ơn và đánh giá cao việc Tổ chức Phát triển Hà Lan chủ động để xuất dự án “Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh" với sự hỗ trợ tài chính từ Liên minh chấm dứt rác thải nhựa; bày tỏ mong muốn hai bên sẽ có những hoạt động hợp tác chặt chẽ nhằm giải quyết vấn đề chất thải nhựa và ô nhiễm nhựa tại thành phố; hỗ trợ thành phố chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn bền vững đối với ngành nhựa.
Ghi nhận, thống nhất với các đề xuất của Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam về chương trình, tiến độ dự án thí điểm “Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh” trên địa bàn thành phố, ông Bùi Xuân Cường đề nghị Liên minh chấm dứt rác thải nhựa và Tổ chức Phát triển Hà Lan triển khai dự án theo hướng các hoạt động hợp tác có thể tích hợp với các chương trình, dự án thành phố đang và sẽ thực hiện; hỗ trợ thành phố thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải đại dương đến năm 2030 và đưa nội dung thu gom, xử lý rác thải nhựa trên biển Cần Giờ vào chương trình “Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh."
Đánh giá cao kinh nghiệm, hiệu quả hoạt động của Liên minh chấm dứt rác thải nhựa và Tổ chức Phát triển Hà Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị hai tổ chức này tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với Thành phố trong hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp tái chế rác thải; nâng cấp cơ sở hạ tầng quản lý chất thải như hệ thống thu gom, phân loại, xử lý và tái chế rác theo những mô hình có hiệu quả; xây dựng các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về thực hành phân loại rác thải tại nguồn, ý thức về hạn chế rác thải nhựa…
Cảm ơn lãnh đạo thành phố đã dành thời gian tiếp, ông Nicholas Fredrick Kolesch, Phó Chủ tịch Liên minh chấm dứt rác thải nhựa (AEPW) chia sẻ kết quả làm việc hiệu quả cùng Bộ Tài nguyên Môi trường và bày tỏ mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hợp tác, hỗ trợ quá trình triển khai dự án “Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh" thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu với 77 tổ chức thành viên, AEPW rất mong muốn hỗ trợ các quốc gia, địa phương trong giải quyết thách thức liên quan rác thải nhựa trên nền tảng kỹ thuật và cơ sở kinh nghiệm đã có được từ nhiều dự án khác để tạo ra sự khác biệt trong hệ thống quản lý, xử lý rác thải; xử lý rác thải thành nguồn lợi kinh tế quốc gia.
Đánh giá cao ý kiến của lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố, ông Nicholas Fredrick Kolesch cho rằng từ những dự án thành công trên thế giới cho thấy sự hỗ trợ của chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng. Vì thế, rất mong Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ dự án thí điểm được triển khai thành công để thúc đẩy và nâng cao năng lực thu gom, xử lý rác thải, kết nối thị trường rác thải nhựa trong nền công nghiệp xử lý rác thải, đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn như một nguồn tài nguyên lớn…
Tại buổi làm việc, ông Peter Loach, Giám đốc Quốc gia Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam (SNV), cho biết tổ chức này hợp tác cùng Liên minh chấm dứt rác thải nhựa thực hiện dự án “Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh" nhằm hướng tới việc giải quyết vấn đề thách thức của các đô thị về rác thải, đảm bảo môi trường sống nơi đô thị.
Dự án “Thành phố sạch vì một Việt Nam xanh” được xây dựng nhằm mục tiêu giảm 15-20% ô nhiễm rác thải nhựa tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2023-2026.
Dự án sẽ được thực hiện theo nhiều giai đoạn, bao gồm các chương trình thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, xây dựng các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về thực hành phân loại rác thải tại nguồn, hỗ trợ trang thiết bị cho việc thu gom, xây dựng các cơ sở phân loại và thu hồi vật liệu để tách lọc các dòng vật liệu, liên kết với thị trường tái chế cho từng loại vật liệu./.