Thành phố Hồ Chí Minh: Tập trung khơi thông dòng tiền thúc đẩy tăng trưởng

Dòng vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD) của nhiều doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua bị đứt gãy, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, thu hẹp quy mô, điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch. Nhằm khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo.

Dòng tiền "đứt gãy" cản trở tăng trưởng kinh tế

Từ đầu năm 2023 đến nay và cao điểm tháng 5 và tháng 6, TP Hồ Chí Minh diễn ra tình trạng nhiều doanh nghiệp rút khỏi thị trường, SXKD bị ngưng trệ. Trên các tuyến đường trung tâm ở quận 1, quận 7, Phú Nhuận, TP Thủ Đức... hàng loạt cửa hàng, văn phòng công ty đóng cửa, treo biển cho thuê mặt bằng. Ở các trung tâm thương mại, tòa nhà cho thuê văn phòng cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Tại khu đô thị Sala, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, nơi trước đây tập trung nhiều văn phòng, cửa hàng của các thương hiệu, tập đoàn lớn thì nay có nhiều cơ sở ngưng hoạt động. Một chủ doanh nghiệp kinh doanh đa ngành ở khu đô thị này cho hay, công ty phải trả lại một nửa diện tích thuê vì bị thiếu hụt dòng tiền, kinh doanh khó khăn. Giảm diện tích thuê giúp công ty tiết kiệm 200 triệu đồng mỗi tháng. Cùng với cắt giảm nhân sự, thu hẹp các cơ sở sản xuất, công ty giảm gần 3 tỷ đồng mỗi tháng chi phí hoạt động.

Công nhân Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè sản xuất đơn hàng phục vụ xuất khẩu. Ảnh: PHAN LỢI

Công nhân Tổng công ty Cổ phần May Nhà Bè sản xuất đơn hàng phục vụ xuất khẩu. Ảnh: PHAN LỢI

Tình cảnh này như cơn “sóng ngầm” khiến nhiều doanh nghiệp khốn đốn. Câu chuyện về nguồn vốn, cạn kiệt dòng tiền được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn.

Nghiên cứu của Thạc sĩ Đinh Tiên Hoàng (Trường Đại học Văn Lang) cho thấy, cơn khát tiền mặt xuất hiện từ đầu năm 2023, khi lãi suất ngân hàng tăng vọt và các kênh tín dụng bị siết chặt, doanh nghiệp ảnh hưởng bởi tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp lớn bị khủng hoảng trái phiếu dẫn tới sự "đứt gãy" có tính dây chuyền đến các ngành nghề liên quan.

Chẳng hạn như lĩnh vực bất động sản bị "đóng băng" khiến hơn 50 ngành nghề liên quan bị ảnh hưởng về thanh toán công nợ, cung cấp hàng hóa, dịch vụ chuỗi cung ứng. Hoặc như lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu, thị trường quốc tế bị "đứt gãy" đã tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp dẫn đến nhiều nhà máy phải đóng cửa, cắt giảm nhân lực...

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA), có đến 50% doanh nghiệp qua kết quả khảo sát của Hiệp hội đều có khó khăn về nguồn vốn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Lý Minh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Bình Chánh cho biết: Bình Chánh có hơn 27.500 doanh nghiệp, 66% trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hiện đang gặp khó khăn về nguồn vốn. 6 tháng đầu năm 2023, huyện Bình Chánh có khoảng 1.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động...

Người lao động Công ty Trứng gia cầm Vĩnh Thành Đạt (quận 12, TP Hồ Chí Minh) đóng gói sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: THANH MINH

Người lao động Công ty Trứng gia cầm Vĩnh Thành Đạt (quận 12, TP Hồ Chí Minh) đóng gói sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Ảnh: THANH MINH

Cầu nối các kênh tín dụng, thúc đẩy gỡ khó từ cơ sở

Dòng vốn như mạch máu, động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Gỡ khó, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp được TP Hồ Chí Minh xác định là vấn đề trọng tâm, tập trung giải quyết. Các giải pháp được triển khai gồm: Đối thoại giữa doanh nghiệp và ngân hàng; đốc thúc giải ngân gói kích cầu; hỗ trợ giãn, cơ cấu nguồn nợ, giảm thuế, phí, hỗ trợ vốn vay cho các ngành trọng yếu; chỉ đạo các đơn vị, địa phương cơ sở trực tiếp tìm hiểu, khảo sát, hỗ trợ doanh nghiệp...

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh, UBND huyện Bình Chánh đã tổ chức 4 hội nghị xúc tiến đầu tư, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp. Những nỗ lực hỗ trợ mang tính trực tiếp đã tạo chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư, cải thiện nguồn vốn cho doanh nghiệp, từng bước khôi phục đà tăng trưởng. 6 tháng đầu năm 2023, thu ngân sách của huyện Bình Chánh đạt kế hoạch đề ra, với kết quả gần 1.100 tỷ đồng, đạt 52,11% so với dự toán.

Đồng chí Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh trong chương trình gặp gỡ doanh nghiệp vừa qua đã chia sẻ rằng hằng tháng đều gặp gỡ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh và các tổ chức tín dụng để tìm cách gỡ khó, khơi thông nguồn vốn, cải cách thủ tục vay vốn, giãn nợ, không chuyển nhóm nợ xấu đối với doanh nghiệp thực sự khó khăn... Đặc biệt, cả hệ thống chính trị tập trung vào mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công nhằm kích thích phát triển, đưa dòng tiền ra thị trường, tạo động lực lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt quyết định cho các doanh nghiệp khó khăn được hưởng lãi suất vay trung, dài hạn theo chương trình kích cầu của thành phố.

Các ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng tung ra nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, lãi suất thấp hơn 2% so với thị trường vốn. Hưởng ứng Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, 20 ngân hàng đã đăng ký gói tín dụng trị giá 453.070 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay trong năm 2023. Gói tín dụng ưu đãi này tương đương với 14% tổng huy động vốn trên địa bàn đã tạo cú hích mạnh mẽ, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.

 Người lao động Công ty Cổ phần Sado Germany Window (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) sản xuất kính đưa ra thị trường nội địa và xuất khẩu. Ảnh: HỮU THỐNG

Người lao động Công ty Cổ phần Sado Germany Window (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) sản xuất kính đưa ra thị trường nội địa và xuất khẩu. Ảnh: HỮU THỐNG

Tính đến đầu tháng 7-2023, nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao đã được “bơm” nguồn vốn vay với lãi suất cho vay bằng VND chỉ 4%/năm, dư nợ đạt khoảng 200.000 tỷ đồng. Nếu tính kết quả của Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp năm 2023 thì đến nay đã giải ngân 283.000 tỷ đồng cho 47.846 khách, bằng 60% gói tín dụng các ngân hàng đã đăng ký.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, kênh đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp và ngân hàng do UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì, triển khai đã phát huy hiệu quả rất tốt. Tại các cuộc đối thoại này, ngân hàng nắm rõ được doanh nghiệp cần gì, khó khăn gì để hỗ trợ, tháo gỡ thủ tục, giải ngân trực tiếp đáp ứng nhu cầu vốn SXKD.

Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, triển khai gói hỗ trợ tín dụng đã giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn kịp thời phục vụ SXKD. Đặc biệt là các nguồn vốn được giải ngân hướng đến các ngành, lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm, đang gặp khó khăn, tạo giá trị, thúc đẩy tăng trưởng.

“Cùng với các biện pháp quyết liệt tầm vĩ mô của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương để hỗ trợ doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh đang tích cực chuẩn bị để triển khai thật tốt Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Các cơ chế, chính sách đặc thù giúp thành phố chủ động hơn trong khơi thông các nguồn lực, đặc biệt là bố trí các nguồn vốn cho phát triển, có những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp SXKD hiệu quả, khơi thông dòng tiền, qua đó cũng góp phần tăng nguồn thu ngân sách, giúp thành phố thể hiện rõ vai trò đầu tàu kinh tế, tạo động lực phát triển cả vùng Đông Nam Bộ và khu vực lân cận”, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.

ĐẶNG BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thanh-pho-ho-chi-minh-tap-trung-khoi-thong-dong-tien-thuc-day-tang-truong-733733