Thành phố Hồ Chí Minh triển khai '3 kết hợp' để phòng, chống Covid-19

Thành phố Hồ Chí Minh xác định giải pháp '3 kết hợp' để sống chung an toàn với Covid-19 gồm: Kết hợp y tế công cộng và y tế tư nhân; kết hợp quân y và dân y; kết hợp Đông y và Tây y. Những giải pháp này đã được triển khai hiệu quả tại cơ sở.

Số ca nhiễm Covid-19 và số ca tăng nặng tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn có chiều hướng tăng trong tuần qua.

Huy động y tế tư nhân

Tính đến thời điểm hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị cho hơn 83.000 bệnh nhân Covid-19 (F0), gồm hơn 15.000 ca trong các cơ sở y tế và khoảng 67.000 ca điều trị tại nhà. Ngành Y tế đã thành lập 344 trạm y tế lưu động để cùng với 319 trạm y tế xã, phường chăm sóc F0 điều trị tại nhà và kịp thời chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, nếu bệnh tình trở nặng.

Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin, tại các bệnh viện tầng 2 và 3 của tháp điều trị, ngành Y tế thành phố đã chuẩn bị 7 kịch bản ứng phó với các cấp độ dịch, chuẩn bị số giường có thể đáp ứng được trên 120.000 F0 nhập viện tại cùng một thời điểm. “Thành phố có nguồn nhân lực hơn 9.000 bác sĩ và trên 19.600 điều dưỡng để ứng phó với các cấp độ dịch. Ngoài ra, Sở Y tế đang tham mưu đề án về sự tham gia của y tế tư nhân để tăng cường nhân lực chăm sóc F0 tại nhà”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

Quận 7 là một trong những địa phương thí điểm triển khai kế hoạch này. Phó Chủ tịch UBND quận 7 Nguyễn Thị Bé Ngoan cho hay, quận đã thành lập 21 trạm y tế lưu động, trong đó có 12 phòng khám đa khoa, 2 trạm y tế từ bệnh viện tư nhân, 1 phòng khám đa khoa phụ trách khu chế xuất Tân Thuận. Quận đang bố trí 2 trạm y tế lưu động tại mỗi phường, bảo đảm phân bố ít nhất 1 trạm y tế trên 10.000 dân.

Thành phố Hồ Chí Minh đã chuẩn bị cơ số giường có thể tiếp nhận cùng lúc 120.000 F0, gấp hơn 8 lần so với số bệnh nhân hiện tại đang trong cơ sở điều trị.

“Tổng số nhân sự vận động từ y tế tư nhân là 25 bác sĩ, 33 điều dưỡng, 42 tình nguyện viên các phường. Ngoài ra, 50 bác sĩ tại các phòng khám chuyên khoa cũng được vận động tham gia vào hệ thống trạm y tế lưu động. Quận còn kiện toàn 828 tổ y tế tự quản để hình thành tổ chăm sóc F0. Lực lượng này kết hợp với 10 tổ phản ứng nhanh của phường để tiếp ứng, xử lý thông tin kịp thời, nên việc quản lý, chăm sóc F0 thời gian qua diễn ra suôn sẻ”, bà Nguyễn Thị Bé Ngoan nói.

Cùng với đó, quận 7 còn vận hành Bệnh viện Dã chiến trực thuộc UBND quận với 150 giường hồi sức tích cực (ICU), đồng thời luôn chuẩn bị sẵn sàng 500 giường để tiếp nhận cách ly tập trung, thu dung bệnh nhân vào bệnh viện này. Ngoài ra, quận 7 còn có 1 khu cách ly 300 giường.

Kết hợp Đông y và Tây y

Quận 7 thành lập nhiều Trạm Y tế lưu động với nhân sự là nhân viên khối y tế tư nhân.

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai 3 gói thuốc điều trị cho F0 thể nhẹ gồm gói thuốc A (thuốc bổ, tăng cường sức khỏe), gói thuốc B (kháng đông, kháng viêm) và gói thuốc C (kháng vi rút). Cùng với đó, thời gian qua, thành phố còn triển khai nhiều phương án ứng dụng y học cổ truyền vào điều trị bệnh nhân Covid-19.

Điển hình trong số đó là việc Viện Y dược học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng phương pháp phối hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3 và Bệnh viện điều trị Covid-19 quận Phú Nhuận. Các bài thuốc hỗ trợ theo 2 hướng, một là bồi bổ sức khỏe, hai là hỗ trợ diệt vi rút cho F0...

Các bác sĩ Viện Y dược học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến Phú Nhuận số 1.

Tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hội Đông y thành phố Hồ Chí Minh, Phó Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc thành phố thông tin: “Viện đã tiến hành nghiên cứu trên 1.000 bệnh nhân Covid-19, trong đó có 700 bệnh nhân dùng thuốc y học dân tộc, 300 bệnh nhân không dùng. Kết quả, các bệnh nhân sử dụng thuốc y học dân tộc khỏi bệnh sau 5 ngày uống thuốc, thời gian ra viện sớm hơn nhóm không dùng thuốc 3 ngày, giảm đáng kể các thuốc điều trị nền như chống đông, kháng viêm, kháng sinh”.

Nói về hiệu quả của việc áp dụng y học cổ truyền trong điều trị bệnh nhân Covid-19 tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua, Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Nguyễn Lộc cho biết: “Với nhóm bệnh nhân không phải thở oxy, điều trị sử dụng y học cổ truyền (hay kết hợp y học cổ truyền) bằng phương pháp 4T (Tâm lý, Thức ăn, Tập luyện và Thuốc y học cổ truyền) cho thấy có kết quả rất tốt, bệnh nhân rất hợp tác, cải thiện rõ rệt các triệu chứng cảm, ho…”.

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Thu Hoài

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1018746/thanh-pho-ho-chi-minh-trien-khai-3-ket-hop-de-phong-chong-covid-19