Thành phố hội nhập và phát triển: Hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thực phẩm là xu thế tất yếu của phát triển bền vững, trở thành điều kiện để sản phẩm thực phẩm lưu hành trên thị trường, bảo đảm tiêu chuẩn sức khỏe người tiêu dùng, điều kiện xuất khẩu.

Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã chú trọng tập trung cho các giải pháp, biện pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm. Nhiều chuỗi sản phẩm liên kết được xây dựng từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ, xuất khẩu. TP Hồ Chí Minh đã liên kết với 19 tỉnh, thành phố thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thực phẩm, góp phần tạo dựng niềm tin ở người dân, thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

 Hàng loạt thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được phát hiện và thu hồi. Ảnh: TTXVN

Hàng loạt thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ được phát hiện và thu hồi. Ảnh: TTXVN

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa như: Đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc (thịt heo, trứng gia cầm, thịt gia cầm) thuộc Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị, viện nghiên cứu công nghệ xây dựng hệ thống quản lý thông tin, truy xuất hàng hóa theo các nền tảng công nghệ mới...

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã phối hợp với các đơn vị sản xuất, chế biến, chợ, siêu thị... triển khai Đề án quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm và Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm. Ban quản lý đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian cấp mã code cho cơ sở; phối hợp với các ngành chức năng, cơ sở sản xuất ở các địa phương liên kết cùng triển khai đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc; dùng điện thoại thông minh sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc... Đến nay đã có hơn 7.000 cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, phân phối thịt lợn, gia cầm tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc thịt lợn, gia cầm.

Thực hiện tốt truy xuất nguồn gốc là đòi hỏi không thể thiếu trong các chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm, qua đó nâng cao tính minh bạch, an toàn của sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp, niềm tin của người tiêu dùng... TP Hồ Chí Minh là địa bàn đầu tàu kinh tế, tập trung nhiều đơn vị đầu mối sản xuất cung ứng sản phẩm thực phẩm tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, số lượng mặt hàng đa dạng, nhiều chủng loại... nên việc xây dựng công nghệ, phương tiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm còn nhiều khó khăn. Việc thu thập, lưu giữ, kết nối và chia sẻ dữ liệu chưa đáp ứng yêu cầu, dữ liệu chưa liên kết với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia... Để thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thực phẩm, nhiều chuyên gia cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho cơ sở, doanh nghiệp thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm về ứng dụng công nghệ, tập huấn kỹ năng quản lý, vận hành, kết nối hệ thống đồng bộ..., đồng thời ban hành các biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý những cơ sở, đơn vị vi phạm, ngăn chặn sản phẩm thực phẩm chưa truy xuất được nguồn gốc ra thị trường. Bên cạnh đó, vấn đề truy xuất nguồn gốc cần áp dụng công nghệ mới, phù hợp xu thế trong nước và thế giới như: Mã vạch, Blockchain, Al, IoT..., bảo đảm tích hợp thông tin theo thời gian thực, an toàn dữ liệu, kết nối thông tin nhanh hệ thống dữ liệu doanh nghiệp, bảo đảm lưu trữ thông tin trên hệ thống quản lý chung của TP Hồ Chí Minh.

NGUYỄN THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thanh-pho-hoi-nhap-va-phat-trien-hoan-thien-quy-trinh-truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-754940