Thành phố Huế đã bảo đảm đủ tiêu chuẩn là thành phố trực thuộc Trung ương
Chiều 30-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội nghe tờ trình việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có diện tích 4.947,11km2 và 1.236.393 người; có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (2 quận, 3 thị xã, 4 huyện), 133 đơn vị hành chính cấp xã (78 xã, 48 phường, 7 thị trấn); tỷ lệ đô thị hóa 63,02% (779.207 người/1.236.393 người).
Đề án đã có đánh giá tác động kỹ lưỡng; xây dựng phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố Huế trực thuộc Trung ương; phương án sử dụng trụ sở, tài sản công và thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn theo đúng quy định.
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã bảo đảm đạt đủ 5 điều kiện quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
Thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã bảo đảm đạt đủ các tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15). Trong đó đã áp dụng tiêu chuẩn đặc thù của “đô thị di sản” khi đánh giá 2 chỉ tiêu thuộc 2 tiêu chuẩn, gồm: Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc (thuộc tiêu chuẩn “đơn vị hành chính trực thuộc”); Thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước (thuộc tiêu chuẩn “cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội”).
Hiện nay, thành phố Huế trực thuộc Trung ương dự kiến thành lập đã vượt tiêu chuẩn theo quy định đặc thù. Trong thời gian tới, thực hiện các quy hoạch, chương trình phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thành phố Huế sẽ đạt 2 chỉ tiêu này theo quy định mà không cần áp dụng tiêu chuẩn đặc thù.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên - Huế theo phương án Chính phủ trình.
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Huế trực thuộc Trung ương sau khi được thành lập trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện thể chế và tổ chức thực thi pháp luật để phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá mới dựa trên nền tảng, thế mạnh và đặc thù của địa phương, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng trong địa phương, giữa vùng trung tâm và vùng ngoại vi; đẩy mạnh hỗ trợ, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố để tạo động lực cho thành phố Huế trực thuộc Trung ương phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng là trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu lớn, đặc sắc của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan và địa phương khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội gắn với thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng, sớm ổn định hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị ở địa phương, hạn chế gây xáo trộn lớn đến đời sống của nhân dân.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức khi thay đổi giấy tờ có liên quan và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của các đơn vị hành chính vừa được thành lập mới; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những khó khăn của cán bộ, nhân dân trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền trong xã hội để mọi cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp nhận thức rõ trách nhiệm của mình, lan tỏa niềm tự hào và cùng chung sức phấn đấu đưa thành phố Huế trực thuộc Trung ương tiếp tục phát triển nhanh và bền vững.
* Cùng ngày, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.