Thành phố Huế: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%

Từ nay đến hết năm, TP. Huế tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; xây dựng kịch bản tăng trưởng sát thực tế với mục tiêu tốc độ tăng GRDP 6 tháng cuối năm đạt trên 10,5%.

Kinh tế tăng trưởng khá nhưng còn nhiều khó khăn

Đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm tại Kỳ họp lần thứ 10, Hội đồng nhân dân (HĐND) khóa VIII vào sáng 16/7, ông Lê Trường Lưu - Chủ tịch HĐND TP. Huế cho biết, Thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt các công việc lớn với kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,39% (cao hơn mức tăng 6,35% của cùng kỳ năm trước), xếp thứ 9/34 tỉnh/thành cả nước và xếp thứ 3 trong vùng (sau thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi).

Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, tăng 9,43% (cao hơn mức tăng cùng kỳ 7,14%), chiếm 51,4% trong cơ cấu kinh tế; trong đó, ngành du lịch trở thành động lực tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng 17,5% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 16%; ngành sản xuất và phân phối điện, nước đá ước tăng 42,9%. Sản xuất công nghiệp phát triển, tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế địa phương. Một số sản phẩm chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ như: Ô tô các loại ước đạt 2.191 chiếc, gấp 12,9 lần; găng tay các loại 6,7 nghìn tấn, gấp 3,4 lần; điện sản xuất 1.005,6 triệu kWh, tăng 62,6%; dăm gỗ 403 ngàn tấn, tăng 13,3%;...

Quy trình kiểm định xe tại Nhà máy sản xuất Kim Long motor.

Quy trình kiểm định xe tại Nhà máy sản xuất Kim Long motor.

Cùng với đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 6 tháng đầu năm ước đạt 7.430 tỷ đồng, bằng 60,1% dự toán, bằng 47,1% so với chỉ tiêu phấn đấu và tăng 26% so với cùng kỳ. Cụ thể, thu nội địa ước đạt 6.645 tỷ đồng, bằng 58,8% dự toán, bằng 47,1% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 23,8% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 681 tỷ đồng, bằng 64,9% dự toán, bằng 52,4% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 33,5% so với cùng kỳ; thu viện trợ, huy động đóng góp 103,6 tỷ đồng, gấp 15 lần dự toán, bằng 31,4% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ.

Cũng theo ông Lê Trường Lưu, từ đầu năm đến nay, Thành phố đã cấp mới 19 dự án và điều chỉnh tăng/giảm vốn cho 7 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 27.724 tỷ đồng. Trong 6 tháng, đã có thêm 461 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 4.408,6 tỷ đồng, tăng 29,4% về số lượng và tăng 144% về vốn so với cùng kỳ. Đặc biệt, 6 tháng qua đã giải ngân vốn đầu tư công được 2.229 tỷ đồng, đạt 50,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng trên 10%

Tuy nhiên, ông Lê Trường Lưu thẳng thắn nhìn nhận: Nền kinh tế vẫn còn quy mô nhỏ, một số ngành công nghiệp chủ lực giảm mạnh (bia, dệt may, xi măng, men frit…). Các dự án, đề án lớn và công tác giải phóng mặt bằng vẫn chậm. Doanh nghiệp mới thành lập chưa nhiều, trong khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng cao. Sản phẩm du lịch chưa phong phú, nông nghiệp gặp khó khăn, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư. Mô hình chính quyền hai cấp còn một số vướng mắc ban đầu, trong khi các vấn đề về an toàn thực phẩm, hàng giả - hàng nhái, gian lận thương mại… tiếp tục đặt ra thách thức lớn.

Chính vì vậy, 6 tháng cuối năm, TP. Huế sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết của Thành ủy, HĐND Thành phố về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tập trung rà soát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong nước và quốc tế tác động đến thực hiện nhiệm vụ của địa phương để chủ động các phương án, kịch bản tăng trưởng, bổ sung kịp thời các giải pháp phù hợp.

Đảm bảo vệ sinh môi trường tại Cảng Chân Mây.

Đảm bảo vệ sinh môi trường tại Cảng Chân Mây.

Trong đó, xác định những thời cơ mới, động lực mới cho tăng trưởng, làm cơ sở xây dựng kịch bản tăng trưởng các quý còn lại của năm 2025 đảm bảo phù hợp, sát đúng với tình hình thực tiễn, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng cuối năm đạt từ 10,5% trở lên, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 10% trở lên.

Cùng với đó, Thành phố tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động của các cơ sở công nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động sản xuất công nghiệp. Tập trung đôn đốc, giám sát và hỗ trợ triển khai các dự án trọng điểm, tạo năng lực mới, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là các dự án tạo động lực phát triển đột phá cho ngành công nghiệp như: Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motor Huế (giai đoạn 2, 3), Dự án nhà máy Kanglongda Huế (giai đoạn 2, 3), Dự án mở rộng nhà máy Bia CARLSBERG Việt Nam; Nhà máy chế biến cát thạch anh công nghệ cao Creanza; Nhà máy sản xuất kính hoa tiêu trắng Đạt Phương; Trung tâm Logistics Chân Mây; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Gilimex; KCN và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây.

Ngoài ra, Thành phố cũng triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 theo Chỉ thị số 32/CT-UBND ngày 27/12/2024 của Chủ tịch UBND thành phố, đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch. Trong đó, tập trung theo dõi, đôn đốc các cơ quan xây dựng kế hoạch triển khai, cam kết tiến độ giải ngân cho từng nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch đầu tư công năm 2025; tập trung đôn đốc, kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh các thủ tục, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nguyệt Hà

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thanh-pho-hue-phan-dau-tang-truong-kinh-te-dat-tren-10.html