Thành phố Lạng Sơn: Vững bước trên đường phát triểnTin khácThành phố Lạng Sơn: Vững bước trên đường phát triểnDoanh nghiệp Lạng Sơn: Xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp
Trong những năm qua, thực hiện hiệu quả việc xây dựng và phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, thành phố Lạng Sơn đã khoác lên mình 'diện mạo mới', văn minh, hiện đại và năng động.
Ông Nguyễn Xuân Khoát (sinh năm 1929, ở phố Ngô Gia Tự, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) – lão thành cách mạng chia sẻ: Những năm qua, chúng tôi đã chứng kiến sự đổi thay, phát triển của mảnh đất Xứ Lạng, nhất là những đổi thay của thành phố Lạng Sơn. Rõ nét nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Lãnh đạo của thành phố Lạng Sơn đã năng động trong thực hiện cơ chế, chính sách của tỉnh để thu hút đầu tư các dự án phát triển đô thị, dự án phát triển các khu du lịch, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đô thị,… qua đó, thành phố Lạng Sơn đã khoác lên một diện mạo mới, từng bước trở thành thành phố văn minh, hiện đại.
Cũng như ông Khoát, nhiều cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí và Nhân dân trên địa bàn thành phố cũng có những cảm nhận về sự đổi thay của thành phố Lạng Sơn – trung tâm kinh tế, hành chính, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh. Theo nhìn nhận của người dân, trong những năm gần đây, thành phố Lạng Sơn có sự chuyển biến tích cực. Đảng bộ thành phố Lạng Sơn đã đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nhiều lĩnh vực.
Điểm nhấn là việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 62-NQ/TU ngày 29/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn đến năm 2020. Theo đó, 8 năm qua, Đảng bộ thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và đạt kết quả tích cực, bộ mặt đô thị của thành phố ngày càng khởi sắc.
Đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 62, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy đã xây dựng các chương trình, kế hoạch và ban hành một số nghị quyết nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai, bồi thường và giải phóng mặt bằng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội… với mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ mà Nghị quyết số 62 đã đề ra.
Các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể chính trị và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn thành phố Lạng Sơn luôn chung sức, đồng lòng thực hiện nhiều giải pháp với tinh thần quyết tâm cao nhất. Trước hết, thành phố đã lập quy hoạch chung để xây dựng thành phố Lạng Sơn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, trong 8 năm qua, UBND thành phố và các cơ quan liên quan đã thực hiện lập 88 đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch chuyên ngành, làm căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đô thị.
Cùng với đó, thành phố đã ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm, tạo ra diện mạo đô thị mới khang trang, xanh, sạch, đẹp. Trong giai đoạn 2013 – 2020, từ nguồn vốn của Nhà nước (5.476 tỷ đồng), thành phố đã thực hiện 154 dự án. Trong đó, một số dự án có quy mô lớn, tạo điểm nhấn như: Khu tái định cư và dân cư Nam thành phố Lạng Sơn; khu tái định cư A Mai Pha; tiếp tục phát triển khu đô thị Phú Lộc I, II, III, VI, Khu đô thị Nam Hoàng Đồng; đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Kỳ Cùng mới… Đặc biệt, từ nguồn ngân sách của địa phương, UBND thành phố đã chủ động phân bổ 760 tỷ đồng thực hiện xây dựng 3 dự án về hạ tầng đô thị. Qua đó, hạ tầng đô thị được đầu tư chỉnh trang, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của Nhân dân trên địa bàn.
Ngoài thực hiện các dự án hạ tầng đô thị, những năm qua, thành phố cũng tập trung phát triển các trục không gian chính trong đô thị như: trục cảnh quan dọc hai bên bờ sông Kỳ Cùng; xây dựng các khu vui chơi giải trí và các công trình công cộng gắn với các công trình thương mại, dịch vụ. Qua đó, tạo dựng các chuỗi đường phố đô thị và các công trình gắn kết với nhau một cách hài hòa, phục vụ nhu cầu của Nhân dân.
Việc tập trung các nguồn lực cho xây dựng và phát triển hạ tầng trong những năm qua đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội của thành phố Lạng Sơn. Giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất một số ngành kinh tế chủ yếu bình quân hằng năm trên địa bàn đều tăng. Cụ thể như: công nghiệp tăng 9,9%; xây dựng tăng 12,52%; nông nghiệp giảm 1,01% và dịch vụ tăng 6,7%; tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn của cả giai đoạn đạt 1.985,251 tỷ đồng, tốc độ tăng thu bình quân là 15,27%. Trong 9 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách Nhà nước đạt 350 tỷ đồng, đạt 95% so với dự toán tỉnh giao, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2020; hiện số hộ nghèo trên địa bàn thành phố chỉ còn 53 hộ.
Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động phát triển đô thị của thành phố Lạng Sơn vẫn còn một số hạn chế, trong đó, nhiều tiêu chí đô thị loại II còn ở mức thấp, chưa đạt điểm tối đa. Việc thu hút nguồn lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, hạ tầng cụm công nghiệp, du lịch và dịch vụ còn thiếu, chưa đồng bộ, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới; đặc biệt là còn thiếu những khu vui chơi, giải trí công cộng.
Để tiếp tục phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố Lạng Sơn trở thành đô thị xanh, sạch, có hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU ngày 5/8/2021 về xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.
Đồng chí Bí thư Thành ủy cho biết: Trong thời gian tới, để xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa các nhiệm vụ. Trong đó, sẽ ban hành 2 hoặc 3 nghị quyết chuyên đề về quản lý trật tự đô thị, chỉnh trang đô thị và giải phóng mặt bằng; xây dựng kế hoạch thực hiện về nâng cấp, xây dựng hạ tầng đô thị; rà soát, quản lý chặt chẽ các quy hoạch xây dựng, xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị, tổ chức lập nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch gắn với đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố.
Để đạt được những mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 40 đề ra, trong giai đoạn 2021 – 2025, thành phố sẽ tập trung thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn quản lý. Đồng thời, tập trung thực hiện giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng đô thị. Đặc biệt, trong giai đoạn này, thành phố ưu tiên kêu gọi, thu hút vốn đầu tư theo hình thức đối tác công – tư, đầu tư ngoài ngân sách trên địa bàn thành phố. Trọng tâm là kêu gọi thực hiện dự án trục trung tâm Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn; đầu tư khu đô thị sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng…
Có thể thấy rằng, thành phố Lạng Sơn đang tiếp tục có sự kết nối chặt chẽ với các huyện trong tỉnh. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, xã hội hóa mọi nguồn lực, xác định rõ cơ chế, chính sách có tính đặc thù để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo sự phát triển đột phá, nhanh, toàn diện và bền vững cho thành phố Lạng Sơn
Mục tiêu cụ thể theo Nghị quyết số 40-NQ/TU ngày 5/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050 nêu rõ: giai đoạn 2021- 2025, hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt điểm tối đa, đẩy mạnh đầu tư xây dựng để đạt điểm tối đa các tiêu chí của đô thị loại II; có 7 công trình văn hóa cấp đô thị; 6 công trình thể thao cấp đô thị; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đạt 15%; 5 khu không gian công cộng của đô thị; có công trình kiến trúc tiêu biểu cấp tỉnh mang tính chất tiêu biểu về văn hóa của Lạng Sơn; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…
Đồng chí Nguyễn Văn Hạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lạng Sơn
“Thành phố sẽ tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, chỉnh trang và phát triển đô thị; tập trung phát triển không gian đô thị và các khu chức năng đô thị; thu hút các nhà đầu tư quan tâm tới các dự án phát triển du lịch trên địa bàn thành phố. Thành phố sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện về giải phóng mặt bằng; tiếp tục thực hiện cải cách quy trình giải quyết thủ tục hành chính và tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, hướng đến thu hút các dự án đầu tư có chất lượng cao…”.
Trung tướng Dương Công Sửu, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu I
“Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền thành phố Lạng Sơn đã tập trung thực hiện các giải pháp để xây dựng và phát triển thành phố Lạng Sơn văn minh, hiện đại. Tuy vậy, trong thời gian tới, tôi mong muốn lãnh đạo thành phố tiếp tục xây dựng được kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội mang tầm chiến lược, dài hơi và bền vững. Trong đó đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thật thông thoáng nhằm thu hút các nguồn lực trong và ngoài tỉnh…”.