Thành phố Nam Định xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị
Triển khai Nghị quyết số 07/NQ-TU của BCH Đảng bộ tỉnh về
Triển khai Nghị quyết số 07/NQ-TU của BCH Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định”, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến nội dung Nghị quyết tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao nhận thức để mọi người hiểu đúng, đầy đủ về tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, Thành ủy Nam Định xác định rõ những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 07/NQ-TU là phát huy truyền thống văn hiến của mảnh đất - con người thành phố Nam Định, hình thành nếp sống văn minh đô thị, xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn, có bản sắc riêng của một đô thị có bề dày lịch sử - văn hóa.
Đồng chí Vũ Ngọc Phi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết: Một trong những nội dung thực hiện nghị quyết là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tại thành phố được cụ thể hóa bằng các công trình, phần việc, các mô hình phù hợp như: phong trào thi đua “Ngày chủ nhật sáng, xanh, sạch đẹp”; mô hình “Thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức việc tang” của MTTQ; cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không 3 sạch” của Hội LHPN; phong trào “Cựu chiến binh hiến kế, hiến công, xây dựng quê hương, đất nước”; cuộc vận động “Tuổi trẻ Thành Nam chung tay xây dựng nông thôn mới” của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; phong trào “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới” của Hội Nông dân; phong trào “Liên kết phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn” của LĐLĐ thành phố. Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phường, xã đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt nội quy đơn vị, hương ước, quy ước của làng, xã, khu phố và quy định nơi công cộng. UBND thành phố Nam Định đã phê duyệt hương ước, quy ước nếp sống văn hóa của 116 tổ dân phố, thôn, xóm; trong đó có 72 đơn vị xây dựng quy ước, hương ước mới; 44 đơn vị sửa đổi, bổ sung. Đến nay, thành phố Nam Định có 137 tuyến phố văn minh đô thị; hơn 90% tổ dân phố, thôn, xóm được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Thôn văn hóa”. Các đơn vị đã được công nhận danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Thôn văn hóa” luôn duy trì giữ vững các tiêu chí về xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, môi trường cảnh quan sạch đẹp, thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang.
Thời gian qua, thành phố tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa và không gian vui chơi giải trí phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các khu đô thị mới và hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa. Thành phố có lợi thế nhiều công trình, địa điểm vui chơi, giải trí do thành phố và các cơ quan tổ chức quản lý, đầu tư như: Trung tâm Văn hóa Thể thao, Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố, Trung tâm Điện ảnh sinh viên; Công viên Văn hóa Tức Mặc; Công viên hồ Vị Xuyên, 137 nhà văn hóa khu dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm và 70 điểm vui chơi công cộng thường xuyên phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của thanh, thiếu niên và nhân dân. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, thành phố và các xã ngoại thành đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân. Hội trường phường Lộc Hòa có 300 chỗ ngồi, có Trung tâm thể thao với diện tích 5.000m2; Hội trường xã Nam Vân có 300 chỗ ngồi được nâng cấp và sửa chữa, có Trung tâm thể thao với diện tích 9.551m2; Hội trường xã Nam Phong có 400 chỗ ngồi được đầu tư xây mới, có sân bóng đá diện tích 1.000m2; Hội trường nhà văn hóa phường Mỹ Xá có 250 chỗ ngồi được nâng cấp và sửa chữa, đã quy hoạch Trung tâm thể thao 5.700m2; Hội trường xã Lộc An có 200 chỗ ngồi được xây mới, đã quy hoạch Trung tâm thể thao 3.600m2. Ngoài ra, các xã đã xây dựng và quy hoạch các điểm vui chơi và giải trí cho trẻ em và người cao tuổi theo quy định. Đến tháng 10-2021, thành phố Nam Định có trên 80% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; trên 80% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về tầm quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các chương trình, đề án của Trung ương và nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Tỉnh ủy về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội. Ưu tiên đầu tư các thiết chế văn hóa, xã hội các khu đô thị, khu dân cư, khu, cụm công nghiệp nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội và tham mưu của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, xây dựng cơ chế bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo các chương trình phát triển văn hóa, con người đúng định hướng và có hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng mở rộng dân chủ, minh bạch. Tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn hóa, rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp thực tiễn của địa phương. Củng cố mạng lưới thông tin truyền thông, tuyên truyền viên, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở. Đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý, tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa, các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật; tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân đầu tư vào các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế; tăng cường công tác quản lý thông tin, báo chí. Làm tốt công tác quản lý các di sản, hoạt động văn hóa. Tiếp tục khuyến khích, nâng cao chất lượng sáng tác và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật; bảo tồn, phát huy các giá trị tốt đẹp; phê phán và từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Tiếp tục rà soát chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quy ước thôn, xóm, khu dân cư văn hóa phù hợp với điều kiện thực tế để nhân dân thực hiện hiệu quả. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân với việc bảo vệ bản sắc văn hóa Thành Nam./.
Bài và ảnh: Việt Thắng