Thành phố Phủ Lý chú trọng xây dựng trường mầm non an toàn
Cùng với thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non (GDMN), nhiều năm qua, việc xây dựng trường mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ mầm non được ngành giáo dục và các cơ sở GDMN trên địa bàn thành phố Phủ Lý quan tâm, nỗ lực không để xảy ra các vấn đề về mất an toàn trong các trường học.
Cùng với thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non (GDMN), nhiều năm qua, việc xây dựng trường mầm non an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ mầm non được ngành giáo dục và các cơ sở GDMN trên địa bàn thành phố Phủ Lý quan tâm, nỗ lực không để xảy ra các vấn đề về mất an toàn trong các trường học.
Trên địa bàn thành phố hiện có 21 trường mầm non công lập, 3 trường và 30 nhóm trẻ mầm non tư thục. Theo đánh giá, hệ thống các trường mầm non trên địa bàn thành phố được quản lý tốt về quy mô phát triển, chất lượng hoạt động. Do có tới 100% trường mầm non công lập được công nhận đạt chuẩn, trong đó có xấp xỉ 50% trường đạt chuẩn mức độ 2 nên điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi của các nhà trường ngày càng hoàn thiện, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu công tác nuôi dạy trẻ nói chung và bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non nói riêng.
Ông Trịnh Xuân Thắng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Phủ Lý cho biết: Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non, xây dựng trường học an toàn của các cơ sở này, ngay từ đầu mỗi năm học, Phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các nhà trường về nội dung an toàn nuôi ăn bán trú, phòng chống dịch bệnh và tai nạn, thương tích. Qua đó, kịp thời phát hiện và chỉ đạo các nhà trường khắc phục những tồn tại, hạn chế có thể phát sinh thành những nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ. Đặc biệt, ngành đã tích cực tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo tăng cường quản lý các cơ sở GDMN tư thục trên địa bàn; phối hợp với UBND các phường, xã tổ chức kiểm tra thường xuyên đối với các cơ sở GDMN tại mỗi địa bàn, kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm các điều kiện về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tại Trường Mầm non Tiên Tân, ngay từ đầu mỗi năm học, nhà trường đều thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong trường mầm non. Không chỉ ở quy mô toàn trường, việc thực hiện bảo đảm an toàn cho trẻ còn được triển khai tới các nhóm lớp thông qua việc xây dựng bộ tiêu chí đánh giá trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong nhà trường, lớp học sát với thực tế.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Bộ tiêu chí xây dựng trường học an toàn được xây dựng phù hợp với tình hình nhà trường và đặc thù từng nhóm, lớp nên khi triển khai thực hiện đã được 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đồng thuận. Trên cơ sở xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng trường học an toàn, nhà trường đã làm tốt việc bảo đảm an toàn cho trẻ, an toàn lớp học thông qua các hoạt động trong ngày, như: thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe và nuôi dưỡng trẻ; cung cấp tài liệu, sách, báo, tranh ảnh... phục vụ cho công tác tập huấn, tuyên truyền và giáo dục tại trường; hằng ngày thực hiện cập nhật, theo dõi và báo cáo kịp thời tình hình trẻ của các nhóm, lớp; nhanh chóng chấn chỉnh, rút kinh nghiệm trong toàn trường nếu có tai nạn, thương tích xảy ra.
Thực hiện bộ tiêu chí xây dựng trường học an toàn, Trường Mầm non Tiên Tân đã cơ bản có được môi trường giáo dục an toàn toàn diện cho trẻ. Ảnh: Hà Trần
Bên cạnh đó, Trường Mầm non Tiên Tân còn bảo đảm tốt các điều kiện hỗ trợ việc chăm sóc sức khỏe và an toàn cho trẻ mầm non, như: trang bị đầy đủ thuốc và các trang thiết bị y tế theo quy định; toàn bộ đồ dùng, đồ chơi được lựa chọn làm bằng chất liệu không gây độc hại, phù hợp với từng độ tuổi và bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng; thường xuyên kiểm tra, rà soát các đồ dùng, đồ chơi trong và ngoài nhóm, có biện pháp khắc phục sớm các nguy cơ gây mất an toàn. Vì vậy, nhiều năm qua, trong nhà trường không để xảy ra các trường hợp, vụ việc liên quan tới mất an toàn cho trẻ.
Công tác bảo đảm an toàn cho trẻ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các cơ sở GDMN nên không chỉ ở Trường Mầm non Tiên Tân, mà ở tất cả các cơ sở GDMN trên địa bàn thành phố đều được quan tâm thực hiện tốt. Các nhà trường quy định cụ thể giờ đón, trả trẻ; thậm chí có trường còn thiết lập sổ theo dõi việc đón, trả trẻ tại các nhóm, lớp; không để trẻ ra khỏi khu vực trường mà không có sự giám sát của cha mẹ trẻ và cô giáo. Trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục, các tiêu chí lớp học an toàn đã được linh hoạt thực hiện thông qua việc tổ chức lồng ghép vào các hoạt động học, các giờ hoạt động chung, hoạt động góc, hoạt động lao động, vui chơi, giải trí, tham quan, dã ngoại. Tổ chức dạy trẻ kỹ năng sống để trẻ tiếp xúc và rèn luyện kỹ năng nhanh hơn với nhiều nội dung thiết thực, như: kỹ năng sử dụng điện trong gia đình, kỹ năng phòng cháy, chữa cháy; cho trẻ làm quen với ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ; động viên trẻ nói lên hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè, để nhà trường và gia đình có biện pháp xử lý kịp thời…
Các nhà trường cũng chỉ đạo giáo viên, nhân viên thường xuyên kiểm tra, báo cáo kịp thời các thiết bị hỏng tại từng nhóm, lớp để sửa chữa và thay thế, loại bỏ và hạn chế tối đa khả năng xảy ra các tai nạn thương tích, như: bỏng, điện giật, cháy nổ, vật sắc nhọn đâm, động vật cắn. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh lớp học, bảo đảm lớp học thoáng mát, sạch sẽ; trang bị đầy đủ khăn, cốc, bát thìa, đồ dùng cá nhân của trẻ và được tẩy, rửa vệ sinh, bảo đảm an toàn khi sử dụng, góp phần hạn chế việc lây lan dịch bệnh trong môi trường lớp học, trường học.
Đối với việc bảo đảm an toàn trong nuôi ăn bán trú, các nhà trường thực hiện ký hợp đồng mua rau xanh và thực phẩm sạch với cơ sở có uy tín, đủ điều kiện pháp lý và đã được Sở GD&ĐT phê duyệt; thực hiện nghiêm túc khâu giao nhận và kiểm tra chất lượng thực phẩm, kiên quyết không nhận thực phẩm không bảo đảm chất lượng. Việc giao nhận thực phẩm hằng ngày ở các nhà trường được thực hiện với sự chứng kiến, kiểm tra, giám sát của đại diện bên cung cấp thực phẩm, lãnh đạo các nhà trường, nhân viên nuôi dưỡng (hoặc giáo viên) và đại diện cha mẹ trẻ. Hệ thống bếp ăn của các trường bảo đảm đạt chuẩn vệ sinh, thực hiện nghiêm túc quy trình chế biến theo nguyên tắc một chiều. Ở một số đơn vị có diện tích còn tổ chức được mô hình vườn rau sạch tại trường đưa vào các bữa ăn cho trẻ, vừa giảm chi phí nuôi ăn, vừa bảo đảm an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, do thực hiện tốt công tác quản lý nên việc xây dựng trường học, nhóm lớp an toàn của các cơ sở GDMN tư thục cũng được bảo đảm. Các cơ sở này được kiểm tra thường xuyên, toàn diện về các điều kiện hoạt động, quá trình tổ chức nuôi ăn, giáo dục trẻ mầm non. Định kỳ hằng tháng, chính quyền các địa phương có cơ sở GDMN tư thục hoạt động yêu cầu các trường mầm non, nhóm trẻ phải thực hiện việc báo cáo công tác chuyên môn cho UBND và trường mầm non công lập của địa phương. Qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các nhóm trẻ, tạo niềm tin tưởng trong nhân dân và phụ huynh có con gửi học tại các nhóm trẻ trên địa bàn.
Có thể nói, công tác xây dựng trường mầm non an toàn của thành phố Phủ Lý đã mang tới nhiều hiệu quả tích cực, đa số trẻ đến trường lớp đều khỏe mạnh, nhanh nhẹn, được tham gia đầy đủ các hoạt động giáo dục; 100% trẻ được bảo đảm an toàn tuyệt đối cả về thể chất và tinh thần, không có trường hợp nào mất an toàn trong trường học, các nhóm lớp.