Thành phố sáng tạo bắt đầu từ những 'vườn ươm'

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành 'Thành phố sáng tạo', Hà Nội cần có những 'vườn ươm' để có một nền giáo dục sáng tạo và hình thành nên những thế hệ công dân sáng tạo, đảm bảo cho chiến lược phát triển toàn diện và bền vững của Thủ đô.

Dưới góc độ của người làm giáo dục, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên Khoa liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: “Theo quan sát và trải nghiệm cá nhân tôi khi học ở cả môi trường đào tạo trong nước và quốc tế, tôi nhận ra rất nhiều năm, từ thế hệ này sang thế hệ khác, các chương trình đào tạo gần như hoàn toàn đóng khung, “trói” chặt sinh viên vào những quy định, quy chế lạc hậu, không hề còn phù hợp với thực tiễn sáng tác cũng như thực hành nghệ thuật sôi động trên thế giới.

Dự án sáng tạo “Từ truyền thống tới truyền thống” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và các học trò khi trải nghiệm thực tế cùng nghệ nhân dòng tranh Hàng Trống – Lê Đình Nghiên.

Dự án sáng tạo “Từ truyền thống tới truyền thống” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn và các học trò khi trải nghiệm thực tế cùng nghệ nhân dòng tranh Hàng Trống – Lê Đình Nghiên.

Các quy chế, phép tắc cũng như những quan niệm về đào tạo sinh viên mỹ thuật trở thành những cán bộ mỹ thuật hình thành từ thời còn bao cấp vẫn còn như một cái bóng ám ảnh suốt nhiều thế hệ sinh viên. Tinh thần làm việc kiểu tập thể cào bằng, trách nhiệm tập thể suốt nhiều năm, dẫn tới không khuyến khích phát triển được cá tính sáng tạo theo hướng cá nhân hóa của các sinh viên mỹ thuật. Hơn bất cứ một môi trường giáo dục đại học nào khác, ngành mỹ thuật, nghệ thuật cá tính sáng tạo khác biệt của mỗi sinh viên cần phải được xem là mục tiêu quan trọng của việc đào tạo”.

Chính từ nhận thức đó, bắt đầu khoảng năm 2016, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã thử nghiệm tiến hành 1 dự án dành cho các bạn sinh viên các chuyên ngành từ hội họa, điêu khắc tới phê bình mỹ thuật được tham gia vào 1 workshop trong khoảng một tháng rưỡi vào dịp hè, có tên là “45 ngày trong phố cổ”. Với kinh nghiệm nghiên cứu và thực hành cá nhân, thông qua workshop này, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã truyền cảm hứng tới các bạn sinh viên một cách tiếp cận hiện thực với nhiều cách biểu đạt tự do hơn, nhưng cũng độc lập hơn trong tư duy sáng tạo nghệ thuật của mình.

Với khoảng 10 dự án triển lãm trong suốt 5-7 năm trở lại đây, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã cố gắng thực hiện các dự án giáo dục mang tinh thần khai phóng và liên ngành, giúp các học trò nâng cao năng lực văn hóa song song cùng với khả năng trau dồi kỹ năng để có thể dần tự hình thành khả năng làm việc độc lập, cũng như có khả năng làm việc nhóm với nhau, cùng nhau xây dựng những dự án mang tính thực tiễn có thể áp dụng giải quyết ngay những bài toán thực tế của cuộc sống, góp phần cụ thể của việc phát triển những mục tiêu cụ thể của nền công nghiệp văn hóa trong tương lai không xa…

Hà Nội, trung tâm văn hóa lớn của cả nước ghi dấu mốc quan trọng vào năm 1999 khi trở thành thành phố đầu tiên của châu Á nhận danh hiệu “Thành phố vì Hòa bình” của UNESCO. Sau 20 năm, năm 2019, Hà Nội chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực “Thiết kế”.

Việc tham gia vào Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp với tinh thần đổi mới sáng tạo quốc gia, xu thế của thời đại trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định tầm nhìn phát triển nhanh và bền vững của Hà Nội trên con đường hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần thúc đẩy cơ hội rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội để Hà Nội khẳng định vị trí trong sân chơi mới lấy tính sáng tạo và tinh thần hợp tác quốc tế làm chủ đạo, là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển Thủ đô bằng cách khơi dậy tình yêu Hà Nội, tinh thần cống hiến và khát vọng sáng tạo, không ngừng vươn lên của mỗi người dân Hà Nội vì mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô.

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Thành phố sáng tạo”, Hà Nội dựa trên ba nhóm chính sách nền tảng là: Nhóm chính sách về “Tái tạo đô thị - Cơ sở hạ tầng văn hóa”; nhóm chính sách giáo dục sáng tạo và đổi mới vànhóm chính sách “Kích thích sự tham gia của công chúng”.

Chính vì vậy, để thúc đẩy hoàn thành mục tiêu này, không thể phủ nhận Hà Nội cần có một nền giáo dục sáng tạo và hình thành nên những thế hệ công dân sáng tạo, công dân toàn cầu và việc phát triển những môi trường sáng tạo, hệ sinh thái giáo dục sáng tạo không chỉ đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn giúp Hà Nội xây dựng và giữ vững thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, mà còn tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa,... đảm bảo cho chiến lược phát triển toàn diện và bền vững của Thủ đô, từng bước đạt được mục tiêu “Hà Nội trở thành một trong ba trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của cả nước”, hướng tới vị trí là “Kinh đô sáng tạo” quan trọng của Khu vực và châu Á.

Phương Bùi

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/thanh-pho-sang-tao-bat-dau-tu-nhung-vuon-uom-155872.html