Xây dựng Luật Nhà giáo - Bài cuối: Cần trao thêm quyền cho ngành Giáo dục

Dù là cơ quan thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ngành Giáo dục nhưng các quyền liên quan đến đầu tư, tài chính, nhân sự cho giáo dục, Bộ GD&ĐT lại không có quyền quyết định. Vì vậy, một trong những mục tiêu mà Dự thảo Luật Nhà giáo hướng tới là trao quyền quản lý nhà giáo về cho ngành Giáo dục.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Bất cập trong tuyển dụng giáo viên

Dẫn chứng cho nhận định "Bộ GD&ĐT được giao nhiều trách nhiệm chứ chưa được giao nhiều quyền", có thể lấy một ví dụ về việc tuyển dụng biên chế giáo viên tại tỉnh Hòa Bình. Theo một lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình, quy trình tuyển dụng giáo viên trên địa bàn tỉnh được thực hiện căn cứ vào chỉ tiêu biên chế đã được Sở Nội vụ thẩm định.

Hội đồng tuyển dụng sau đó ra thông báo công khai Kế hoạch tuyển dụng theo quy định trên phương tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử và niêm yết công khai tại cơ quan Sở GD-ĐT về tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng cần tuyển, thời hạn và địa điểm tiếp nhận Phiếu đăng ký dự tuyển của người đăng ký dự tuyển và tổ chức tuyển dụng.

Về quy trình tuyển dụng giáo viên tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được thực hiện theo hình thức là xét tuyển gồm 2 vòng thi. Trong đó, vòng 1 kiểm tra phiếu đăng ký dự tuyển theo vị trí việc làm. Vòng 2 kiểm tra sát hạch nghiệp vụ chuyên ngành hình thức phỏng vấn, nội dung: Kiểm tra về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, hiểu biết của người dự tuyển theo yêu cầu vị trí việc làm cần tuyển dụng.

Lý giải về việc cần giao cho ngành Giáo dục tuyển dụng giáo viên, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, việc giao thoa giữa quản lý ngành và quản lý theo địa bàn, lãnh thổ như hiện nay đã nảy sinh những bất cập trong công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là đối với các cấp học mầm non, phổ thông và các đơn vị chưa tự chủ.

Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

Ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

"Chẳng hạn, các cơ sở giáo dục là đơn vị trực tiếp sử dụng nhà giáo nhưng không có thẩm quyền tuyển dụng để kịp thời bổ sung số lượng nhà giáo còn thiếu, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục. Ở hầu hết các địa phương, cơ quan quản lý giáo dục không được chủ động tuyển dụng, bổ nhiệm, điều động, biệt phái... nhà giáo để giải quyết tình trạng thừa - thiếu cục bộ", đại diện Bộ GD&ĐT nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, theo Bộ này, công tác thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhà giáo hầu hết không do ngành Giáo dục ở địa phương chủ trì và nhiều nơi không tổ chức nên việc thực hiện chế độ, chính sách của nhà giáo chưa kịp thời, không động viên được nhà giáo phấn đấu phát triển nghề nghiệp, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng giảng dạy, giáo dục.

Quy định về tuyển dụng viên chức nói chung hiện chưa thực sự phù hợp với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo. Có thể kể đến việc làm bài thi về kiến thức chung chưa gắn liền với yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo.

Điều kiện đăng ký dự tuyển còn chưa tính đến các trường hợp chưa đảm bảo đủ tư cách để trở thành nhà giáo, một số trường hợp gây nguy hiểm đến an toàn của trẻ em nhưng chưa có quy định không được đăng ký dự tuyển nhà giáo.

Việc quy định người đăng ký dự tuyển viên chức phải là người có quốc tịch Việt Nam, đang cư trú ở Việt Nam, làm cản trở việc thực hiện chủ trương tăng cường hợp tác quốc tế về nhà giáo và hợp tác quốc tế trong giáo dục-đào tạo.

Cần đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo

Tại Hội thảo "Quản lý Nhà nước đối với nhà giáo trong Dự thảo Luật Nhà giáo" diễn ra mới đây, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, đề xuất xem xét việc phân cấp quản lý đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo sự thống nhất trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo từ trung ương đến địa phương.

Trong đó, ông Bằng cho rằng, nên giao thẩm quyền cho Sở GD-ĐT chủ trì quản lý nhà giáo trên địa bàn cấp tỉnh; trường hợp cần thiết phải điều tiết nhà giáo trên phạm vi toàn quốc thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT.

Nêu một số hạn chế, bất cập trong quản lý Nhà nước về nhà giáo tại địa phương, dẫn tới hiện tượng thừa - thiếu cục bộ, khó khăn trong thuyên chuyển, điều động, thực hiện chế độ chính sách đối với giáo viên…

GS.TS. Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An

GS.TS. Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An

GS.TS. Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nghệ An, đề xuất, cần đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm nhà giáo. Trong đó, thẩm quyền tuyển dụng nên phân cấp cho cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng nếu đáp ứng yêu cầu. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu thì cơ quan quản lý giáo dục quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục thực hiện tuyển dụng.

Theo TS.KH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tuy Bộ GD&ĐT có trọng trách trước Nhà nước và xã hội trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục nhưng lại không có quyền gì trong những quyết định liên quan đến 2 nguồn lực quan trọng nhất để tổ chức thực hiện là tiền và người.

Sự phân công trách nhiệm giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ trong quản lý Nhà nước về nhà giáo là đặc trưng của mô hình quản lý nhân sự, phù hợp với mô hình quản lý nhà nước truyền thống về giáo dục khi Nhà nước giữ vai trò "vừa là người cầm lái, vừa là người chèo thuyền".

Tuy nhiên, từ hơn 20 năm nay, trong bối cảnh hình thành và phát triển thị trường giáo dục, khi mô hình quản lý Nhà nước về giáo dục ở nước ta đã từng bước chuyển sang mô hình quản lý công mới, theo đó nhà giáo phải được coi là nguồn lực quan trọng cần được điều chỉnh trong một khung pháp lý kiến tạo, thì mô hình quản lý nhân sự như trên không còn phù hợp.

"Trách nhiệm của Bộ Nội vụ là xác định và giao chỉ tiêu biên chế, sau đó giám sát và tổ chức thực hiện trên phạm vi cả nước. Còn về phía Bộ GD&ĐT sẽ có trách nhiệm phân bổ chỉ tiêu biên chế đó, chứ không phải Bộ Nội vụ phân bổ", ông Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết.

Từ những phân tích trên, ông Tiến nhấn mạnh rằng, chính mô hình quản lý này là một trong những nguyên nhân chính khiến "bài toán" xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về quy mô đến nay vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Cần thay thế nó bằng mô hình quản lý nguồn nhân lực.

Đồng quan điểm, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng, Bộ Nội vụ nên "sắm vai" giám sát việc thi tuyển do Bộ GD-ĐT thực hiện và đóng vai trò trong việc quản lý chức danh. Ông Hiểu cho rằng, Giáo dục là một ngành đặc thù nên việc tuyển cán bộ cũng phải đặc thù.

Vì thế, nếu tuyển cán bộ làm nghề dạy học thì cần phải có những người đã làm về nghề dạy học để đảm bảo sự thống nhất giữa tuyển dụng, sử dụng, điều động và linh hoạt trong việc điều phối trong toàn ngành nhằm mục đích khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên.

Nguyễn Hải Phong

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xay-dung-luat-nha-giao-bai-cuoi-can-trao-them-quyen-cho-nganh-giao-duc-20240704174459926.htm