Thành phố Tam Điệp: chú trọng nâng cao chất lượng đời sống văn hóa

Nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, thành phố Tam Điệp còn chú trọng xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa. Đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, từ đó tạo bước chuyển tích cực trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Nhà văn hóa thôn Thống Nhất, xã Quang Sơn (Tam Điệp) được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân

Nhà văn hóa thôn Thống Nhất, xã Quang Sơn (Tam Điệp) được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân

Với phương châm coi văn hóa vừa là mục tiêu và vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, thành phố Tam Điệp đã thường xuyên phát động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa, thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Việc cưới, việc tang và lễ hội đã có nhiều tiến bộ. Đa số các đám cưới trên địa bàn thành phố được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn; nghi thức tổ chức lễ cưới theo phong tục truyền thống, được rút gọn ở các khâu, giảm dần tiệc mặn, thay bằng tiệc trà. Nhiều đám cưới không sử dụng thuốc lá, hạn chế rượu, bia.

Chỉ tính riêng năm 2020, thành phố có 352 đám cưới, trong đó có 97,2% đám cưới thực hiện nếp sống văn hóa. Việc tang đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định. 100% các xã, phường đã xây dựng được quy chế tang lễ, gắn với hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố. Công tác tổ chức lễ hội đã được cấp ủy, chính quyền cơ sở chủ động thực hiện, nắm chắc tình hình giải quyết kịp thời các nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Đảm bảo đúng chính sách pháp luật, tạo tinh thần phấn khởi cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Việc đăng ký phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, làng, thôn, xóm văn hóa đi vào nề nếp. Đã xuất hiện nhiều tấm gương ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng sống hòa thuận, hạnh phúc, bình đẳng, thương yêu, tôn trọng nhau, gương mẫu chấp hành các chủ chương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đến hết năm 2020, toàn thành phố đã có 16741/17926 gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" đạt (93,41%), trong đó số gia đình văn hóa 3 năm liên tục là 13.179 gia đình; 107/120 khu dân cư văn hóa đạt chuẩn (đạt 89,17%); 3/3 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; có 1 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu (xã Quang Sơn), 4 thôn đạt nông thôn mới mới kiểu mẫu; 65/92 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 70,6%). Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được đẩy mạnh, góp phần tích cực trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ trên các lĩnh vực của thành phố.

Theo đó, các địa phương đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Các xã, phường đã quy hoạch đất, huy động các nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa. Quá trình sửa chữa, xây mới nhà văn hóa thôn, xóm, khu phố... đều có sự tham gia đóng góp kinh phí, công sức và sự tham gia giám sát của nhân dân. Đặc biệt, thành phố Tam Điệp đã ban hành và triển khai có hiệu quả Đề án "Hỗ trợ xây mới, nâng cấp và mở rộng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020".

Theo đó, đã có 39 nhà văn hóa được hỗ trợ xây mới, nâng cấp và mở rộng với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng. Đến nay, toàn thành phố có 1 Trung tâm Thể thao thành phố, 1 nhà văn hóa thành phố, 100% xã, phường có Nhà văn hóa xã; 8 khu thể thao cấp xã; 120/120 thôn, tổ dân phố có Nhà văn hóa; có 37 khu thể thao cấp thôn. Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã phát huy hiệu quả xã hội tích cực, là nơi sinh hoạt thường xuyên của gần 100 câu lạc bộ, đội, nhóm văn nghệ, thể dục thể thao.

Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các thiết chế văn hóa ở cơ sở còn trở thành nơi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, nhân dân và các sự kiện khác của cộng đồng dân cư, làm sống động đời sống văn hóa cộng đồng, tạo sự chuyển biến trong việc duy trì và phát triển đời sống văn hóa cơ sở, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Trong nhiều năm qua, thành phố Tam Điệp đã quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm tạo dựng sản phẩm văn hóa đặc trưng thông qua việc thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ nghệ thuật như hát văn, hát chèo. Đồng thời chủ động kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm đầu tư khôi phục nét đẹp văn hóa người Mường thuộc địa bàn xã Yên Sơn. Ngoài ra, thành phố còn tập trung xây dựng các thương hiệu sản phẩm kinh tế gắn với nét đẹp văn hóa trong sản xuất như Đào phai Đông Sơn, Chè Trại Quang Sỏi, Dứa Đồng Giao...

Quan tâm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân ở Tam Điệp không chỉ góp phần quan trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn khơi dậy tinh thần đoàn kết cộng đồng, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Bài, ảnh: Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thanh-pho-tam-diep-chu-trong-nang-cao-chat-luong-doi-song/d20211124224748410.htm