Thành phố Tam Điệp: Sức bật từ chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm'

Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) ở thành phố Tam Điệp đã đạt được những kết quả tích cực, được người dân đồng lòng hưởng ứng. Hiện nay, địa phương tiếp tục khuyến khích các chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần tăng thu nhập, mở rộng thị trường.

Chương trình OCOP đã giúp các chủ thể mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu. Trong ảnh: Sản xuất cơm cháy tại Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thực phẩm Linh Phương (thành phố Tam Điệp).

Chương trình OCOP đã giúp các chủ thể mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu. Trong ảnh: Sản xuất cơm cháy tại Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thực phẩm Linh Phương (thành phố Tam Điệp).

Tháng 7/2017, HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn chính thức được thành lập với 8 thành viên. Ngay sau khi thành lập, HTX đã mạnh dạn đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Lê Ngọc Trinh, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn cho biết: "Hiện, HTX có 11 sản phẩm hỗ trợ sức khỏe gồm: tinh bột nghệ vàng, tinh bột nghệ đỏ, tinh bột sắn dây, viên cà gai leo, hà thủ ô... Trong đó có 4 sản phẩm đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3-4 sao cấp tỉnh với nhiều công dụng như: hỗ trợ tiêu hóa, ngăn ngừa mỡ máu, thanh nhiệt giải độc, làm đẹp... Trung bình mỗi năm HTX sản xuất từ 12-15 tấn tinh bột các loại từ nguồn nguyên liệu ký kết hợp đồng tiêu thụ, đảm bảo chất lượng với quy trình sản xuất an toàn. Đặc biệt, để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, HTX đã chủ động xây dựng quy trình sản xuất, chế biến khép kín từ khâu trồng, chăm sóc, nghiên cứu sản xuất tạo ra các sản phẩm chất lượng.

Việc tham gia Chương trình OCOP đã tạo cơ hội cho các sản phẩm dược liệu của HTX được tiêu thụ rộng rãi. Các sản phẩm được in nhãn mác, địa chỉ xuất xứ rõ ràng, từ đó nhiều khách hàng biết tới, tin dùng. Kể từ khi được công nhận OCOP, các thành viên có ý thức hơn trong khâu sản xuất và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó, thu nhập của các thành viên HTX cao hơn 20 - 30% so với trước đây.

Là một trong những sản phẩm đầu tiên của tỉnh được lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP, những năm qua, cơm cháy Linh Phương không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã để tiếp cận với các thị trường lớn.

Ông Lê Hữu Hảo, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thực phẩm Linh Phương, phường Bắc Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết: Thời điểm mới đi vào hoạt động, Doanh nghiệp gặp không ít khó khăn do công nghệ lạc hậu, năng suất thấp, chi phí cao. Bên cạnh đó, sản phẩm cơm cháy có sự cạnh tranh gay gắt ngay ở trên địa bàn tỉnh. Nhận thấy việc tham gia Chương trình OCOP sẽ giúp ích cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, đơn vị đã chủ động tham gia.

Năm 2019, sản phẩm cơm cháy của doanh nghiệp được công nhận OCOP 4 sao. Từ đó đến nay, chúng tôi không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã, kiểu dáng để sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn. Trung bình mỗi năm, doanh nghiệp sản xuất từ 20- 30 tấn cơm cháy và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động với mức lương từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" như một luồng gió mát giúp nhiều địa phương của thành phố Tam Điệp biến khó khăn thành lợi thế, vươn lên phát triển.

Theo đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp): Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP đã mang lại kết quả tích cực, tác động quan trọng tới kết quả xây dựng nông thôn mới bền vững và tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Đến thời điểm này, trên địa bàn xã đã có 7 sản phẩm OCOP 4 sao gồm các sản phẩm nông nghiệp từ chè, tảo xoắn, cơm cháy, tinh dầu tràm…, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.

Năm 2022, thu nhập bình quân của xã đạt gần 60 triệu đồng/người. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm", thành phố Tam Điệp hiện có 23 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được xếp hạng 3 sao, 4 sao. Để phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn, thành phố đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan chuyên môn tập huấn kiến thức về Chương trình OCOP cho cán bộ các cấp và các chủ thể sản xuất. Từ đó cung cấp thông tin, tài liệu về chủ trương, chính sách, nâng cao nhận thức của nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình.

Bên cạnh đó, thành phố hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện, nâng cao chất lượng, tăng giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, xây dựng các website, trang liên kết, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ các chủ thể tham gia vào chương trình.

Năm 2022, thành phố đã hỗ trợ hơn 50 triệu đồng để triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Cùng với nguồn ngân sách của tỉnh, thành phố đã thưởng cho 6 chủ thể có 10 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên với tổng số tiền 830 triệu đồng. Có thể nói, chương trình OCOP trên địa bàn thành phố Tam Điệp đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến người dân, chủ thể, địa phương. Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực về chất lượng và bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Các địa phương đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân từ nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, việc phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố cũng đang gặp khó khăn. Đa số sản phẩm có thể xây dựng OCOP hiện nay do các chủ thể là công ty nhỏ, HTX hoặc nhóm hộ sản xuất, nên quy mô, tiềm lực kinh tế không mạnh. Một số đơn vị có khả năng phát triển nhưng gặp khó về công nghệ, vốn và đặc biệt là vùng nguyên liệu còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu mở rộng sản xuất.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, thành phố tiếp tục tuyên truyền, tập huấn, hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới quy trình, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tiếp cận thị trường mới thông qua công nghệ 4.0; hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP tham gia hội chợ, triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thụ; có giải pháp hỗ trợ vốn hiệu quả. Qua đó thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của từng vùng, từng địa phương…

Bài, ảnh: Minh Hải

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thanh-pho-tam-diep-suc-bat-tu-chuong-trinh-moi-xa-mot-san/d20230731075442980.htm