Thành phố Thái Nguyên phát triển theo hướng đô thị thông minh

Thành phố Thái Nguyên phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên 15%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 tăng bình quân 5%/năm.

Khu trung tâm thành phố Thái Nguyên. (Nguồn: Báo Thái Nguyên)

Khu trung tâm thành phố Thái Nguyên. (Nguồn: Báo Thái Nguyên)

Trong giai đoạn 2020-2025, thành phố Thái Nguyên đặt mục tiêu huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư nhằm phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh, có hạ tầng khung đô thị đồng bộ hiện đại. Từ đó, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, xứng tầm đô thị trung tâm của tỉnh Thái Nguyên.

Thành phố phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên 15%/năm, giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2025 tăng bình quân 5%/năm, thu ngân sách Nhà nước không tính thu tiền sử dụng đất hàng năm tăng trên 10%.

Được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh từ năm 2010, đến nay, thành phố Thái Nguyên đã phát triển về quy mô dân số, diện tích với tổng diện tích tự nhiên hơn 220km2, 32 đơn vị hành chính cấp xã, phường và số dân trên 500.000 người.

Tốc độ tăng trường kinh tế của thành phố Thái Nguyên trong cả giai đoạn 2016-2020 đạt trên 15%; giá trị sản xuất công nghiệp, thu ngân sách tăng bình quân hàng năm 16,5%; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2020 ước đạt 8.500 tỷ đồng, giá trị sản xuất trên đất nông nghiệp đến năm 2020 ước đạt 135 triệu đồng/ha.

Cùng với sự phát triển của công nghiệp, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, thành phố Thái Nguyên còn là điểm thu hút đầu tư hàng đầu trong khu vực trung du miền núi phía Bắc với gần 100 dự án đầu tư có tổng mức đầu tư trên 100.000 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực như thương mại dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục.

Đặc biệt, trong giai đoạn này, thành phố Thái Nguyên đã triển khai có hiệu quả dự án "Chương trình đô thị miền núi phía Bắc" và dự án "Phát triển tổng hợp đô thị động lực" sử dụng nguồn vốn từ Ngân hàng Thế giới với tổng số vốn hơn 180 triệu USD, tạo động lực mới cho phát triển đô thị, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Cùng với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, trong giai đoạn 2015-2020, thành phố Thái Nguyên còn đầu tư 412 công trình, dự án xây dựng, nâng cấp, cải tạo hạ tầng đô thị với tổng vốn đầu tư gần 7.800 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.

Đồng thời, triển khai 13 dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA có tổng giá trị trên 2.500 tỷ đồng. Nhiều công trình, dự án đầu tư trong thời gian qua đã và đang dần hoàn thiện như đường Bắc Sơn kéo dài, đường Việt Bắc, cải tạo Hồ Xương Rồng 2, Khu đô thị Thái Hưng Ecocity... giúp cho hạ tầng đô thị Thái Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực.

Ông Phan Mạnh Cường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thái Nguyên, cho biết để đạt được các mục tiêu trong giai đoạn mới, thành phố tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển kinh tế; ưu tiên các dự án phát triển hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án dịch vụ du lịch tại khu vực phía Tây và phía Bắc thành phố.

Cùng đó, ưu tiên phát triển công nghiệp phù hợp với quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Thủ đô Hà Nội; phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng thương hiệu quốc gia, quốc tế đối với sản phẩm nông nghiệp chủ đạo - chè Tân Cương.

Trong phát triển đô thị, thành phố Thái Nguyên đảm bảo đến năm 2025, 100% diện tích đất nội thành được quy hoạch phân khu, tiếp tục triển khai các dự án đầu tư nhằm nâng cao tiêu chí kết cấu hạ tầng đô thị loại 1.

Cụ thể là dự án chương trình đô thị miền núi phía Bắc - thành phố Thái Nguyên giai đoạn 2; dự án phát triển đô thị động lực - thành phố Thái Nguyên; dự án đô thị hai bên bờ sông Cầu; dự án phát triển hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc... thực hiện phát triển đô thị với bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, thanh lịch./.

Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-thai-nguyen-phat-trien-theo-huong-do-thi-thong-minh/656709.vnp