Thành phố Vadnagar (Ấn Độ): Từ di tích đến bảo tàng

Ấn Độ đang tiến hành xây dựng và chuyển đổi nơi lưu giữ những di tích khảo cổ học ở thành phố Vadnagar, bang Gujarat thành bảo tàng trải nghiệm phục vụ công chúng.

Một di tích lịch sử ở Vadnagar. (Nguồn: Vadnagarnovarso.com)

Một di tích lịch sử ở Vadnagar. (Nguồn: Vadnagarnovarso.com)

Cách thủ phủ Ahmedabad khoảng 100 km, Vadnagar ở quận Mehsana của bang Gujarat ở phía Tây Ấn Độ là một thị trấn lịch sử với dân số khoảng 28.000 người.

Vào tháng 12/2022, các quan chức Cơ quan Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) cho biết, Vadnagar và Đền Mặt trời ở bang Gujarat, cùng với các tác phẩm điêu khắc phù điêu bằng đá ở Unakoti, bang Tripura, đã được thêm vào danh sách đề cử Di sản thế giới của UNESCO.

Thành phố di sản

Vadnagar nằm trong những bức tường của pháo đài cổ có sáu cổng có tên là Arjun Bari, Nadiol, Amarthol, Ghaskol, Pithori và Amarthol. Trong đó, khu vực có cổng Amarthol là khu vực lâu đời nhất của Vadnagar.

Lịch sử lâu đời của Ấn Độ đã để lại một số lượng lớn di tích giúp các nhà sử học tìm hiểu về ảnh hưởng của đất nước sông Hằng thời xa xưa. Các cuộc khai quật khảo cổ đã giúp hé lộ bí ẩn của mảnh đất quê hương của đương kim Thủ tướng Narendra Modi.

Theo hãng thông tấn Ấn Độ PTI, cuộc khai quật khảo cổ đầu tiên được thực hiện ở Vadnagar vào năm 1953-54. Cơ quan khảo cổ học Gujarat đã tiến hành các cuộc khai quật ở nhiều địa điểm từ năm 2005-2006 đến năm 2012-2013, “đã thiết lập một chuỗi văn hóa trong suốt 2.500 năm”.

Vào năm 2008, các cuộc khai quật đã tìm thấy “những phát hiện quan trọng về một tu viện Phật giáo cổ xưa và các bảo tháp Vàng mã, được thành lập vào khoảng thế kỷ thứ I sau Công nguyên và tiếp tục cho đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên”.

Ông Ydubirsingh Rawat, người đứng đầu Cơ quan khảo cổ học của bang Gujarat chia sẻ với Deshgujarat.com: “Chúng tôi phát hiện một phiến đá màu xám. Trên đó có khắc hình một chú khỉ đang dâng cúng mật ong cho Đức Phật khi ngài tu trong rừng”. Phiến đá được xác định có niên đại khoảng 1.900 tuổi.

Gujarat là nơi có nhiều tượng Phật và di vật cổ được phát hiện. Ông Rawat cho biết, “tại ba khu vực khai quật khác nhau ở Vadnagar, chúng tôi đã phát hiện được khoảng 2.000 mẫu cổ vật quan trọng gồm nhiều thể loại đa dạng, theo các kiểu nghệ thuật truyền thống khác nhau, trong đó nhiều nhất là nghệ thuật cổ Phật giáo”.

Tiếp quản các cuộc khai quật từ năm 2014, ASI đã phát hiện các công trình phòng thủ đầu tiên, các giải pháp quản lý nước bền vững (nối các hồ nhân tạo), ngành sản xuất vòng đeo tay bằng vỏ sò và các liên kết thương mại hàng hải bên ngoài.

Các thành viên thuộc dự án khảo cổ khu vực Gujarat của ASI cho biết, đã có năm di tích được phát hiện, có niên đại khoảng thế kỷ XIII hoặc thế kỷ XIX. Bên cạnh đó, đội khảo cổ tìm thấy một cổ vật luyện kim, một bức tường cổ, một số cổ vật gồm bình cổ, tiền xu, hạt cườm, con dấu triện và bộ xương người có niên đại khoảng thế kỷ XVI.

Năm 2016, cơ quan ASI đã bắt đầu cuộc khảo sát và tổ chức khai quật các cấu trúc tại khu vực này để tìm dấu tích các tu viện cổ - nơi từng được vị du tăng người Trung Quốc tên là Huyền Trang nhắc đến trong nhật ký. Nhà sư Huyền Trang đã đến thăm nơi đây vào năm 632 sau Công nguyên và ghi chép rằng thành phố này có một lịch sử phong phú và hưng thịnh với rất nhiều ngôi chùa Phật giáo.

Thủ tướng Narendra Modi vào tháng 6/2017 từng nói rằng, ông mong muốn xây dựng một tượng đài Đức Phật lớn ở quận Aravalli thuộc bang Gujarat, nơi có các di tích Phật giáo được tìm thấy trong quá trình khai quật.

“Ước mơ” của người đứng đầu chính phủ Ấn Độ là “xây dựng một tượng đài Đức Phật lớn ở trong khu vực, để mọi người từ khắp nơi trên thế giới có thể đến đây và chiêm bái”.

Vadnagar: Từ di tích đến bảo tàng

Vadnagar: Từ di tích đến bảo tàng

Trải nghiệm xuyên thời gian

Từ tháng 11/2022, Bộ Văn hóa Ấn Độ thông qua chính quyền bang Gujarat quyết định xây dựng bảo tàng trải nghiệm khảo cổ học hiện đại ở Vadnagar để giới thiệu sự phát triển của thành phố cổ qua lăng kính của bảy thời kỳ văn hóa, kéo dài 2.500 năm. Trong một văn bản trả lời câu hỏi ở Rajya Sabha (Thượng viện Ấn Độ) vào tháng 12/2022, Bộ trưởng G Kishan Reddy cho biết, chi phí cho dự án bảo tàng vào khoảng đang được thành lập với chi phí dự án là 2,121 tỷ Rupee (tương đương khoảng 25,54 triệu USD).

PTI trích nguồn tin cho biết, trên cơ sở các cuộc khai quật tại địa điểm gần hồ Ambaji Kotha và làng Vihar, địa điểm này đang được chuyển đổi thành bảo tàng trải nghiệm khảo cổ học đầu tiên của Ấn Độ, theo mô hình Bảo tàng Acropolis nổi tiếng ở Athens (Hy Lạp).

Tòa nhà bảo tàng chính được xây dựng trên diện tích 13.525 m2, mang đến câu chuyện về lịch sử định cư liên tục của con người tại Vadnagar, đồng thời tái tạo lịch sử và trưng bày các hiện vật quan trọng của thời cổ đại với hơn 40.000 hiện vật thu được trong quá trình khai quật.

Theo đồ án thiết kế, bảo tàng tương lai sẽ có nhiều bối cảnh đa dạng. Lịch sử ở vùng đất này được chia thành bảy thời kỳ, gồm tiền Rampart, Rampart, Kshatrapa, hậu Kshatrapa, Solanki, Sultane Mughal và Gaekwad (tên các triều vua Ấn Độ cổ xưa). Tương ứng với mỗi giai đoạn này sẽ có một phòng trưng bày riêng.

Theo Indian Express, đến tháng 2/2024, bảo tàng trải nghiệm khảo cổ học đầu tiên ở Ấn Độ sẵn sàng phục vụ khách tham quan. Bên cạnh nhìn ngắm các hiện vật minh chứng cho bề dày lịch sử của Vadnagar, khách tham quan bảo tàng sẽ có dịp trải nghiệm cuộc sống của thành phố cổ thông qua công nghệ nhập vai như thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR), màn hình 3D, tác phẩm sắp đặt, mô hình...

(tổng hợp)

HOÀNG TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thanh-pho-vadnagar-an-do-tu-di-tich-den-bao-tang-257113.html