Thành phố vào mùa mận hậu

Ai đã từng ăn mận hậu trồng theo tiêu chuẩn VietGAP ở thành phố Sơn La đều chung cảm nhận có sự khác biệt, quả mận hậu chín giòn, dóc hạt, có vị ngọt và hương thơm đặc trưng. Mùa thu hoạch mận hậu thường bắt đầu từ đầu tháng 5 và kéo dài đến hết tháng 7 dương lịch hằng năm. Những ngày này, khắp các vườn mận trải dài từ xã Chiềng Cọ đến xã Chiềng Đen, sang Chiềng Ngần, không khí thu hoạch mận thật nhộn nhịp.

Vườn mận ở xã Chiềng Cọ, Thành phố.

Vườn mận ở xã Chiềng Cọ, Thành phố.

Năm nay, vụ thu hoạch mận ở Thành phố khác hẳn năm trước, trên những cung đường vào xã Chiềng Cọ, những chuyến xe tải tấp nập vào ra, thương lái vào tận bản, đến từng nhà thu mua mận hậu. Vườn mận hậu trồng xen cà phê của gia đình anh Lò Văn Hảo ở bản Hùn đã hơn 20 năm tuổi, có tán cây rất cao, anh phải bắc thang để thu hái quả. Anh Hảo chia sẻ: Khâu thu hái rất quan trọng, nếu hái mận khi sương chưa tan, vẫn còn ướt; trời vừa mưa, chưa khô ráo sẽ khiến mận không được ngọt, quả mận chín to mọng rễ bị nứt, lớp phấn trắng bám ngoài bề mặt quả mận sẽ bị rửa trôi mận sẽ bán không được giá. Thời điểm lý tưởng nhất để thu hái mận từ 6 đến 9 giờ sáng, không nên đập rụng mà phải dùng tay lựa hái từng trái mận còn cả cuống và lá thì mận mới đẹp và tươi lâu. Vụ trước, do bị ảnh hưởng dịch Covid-19, giá mận hậu chỉ được 2.000-3.000 đồng/kg, có thời điểm xuống thấp 1.000 đồng/kg. Gánh mận 80 kg chỉ thu được hơn 100.000 đồng, cả vụ chỉ được vài triệu đồng. Năm nay, mận hậu được tư thương thu mua xô đã được giá 8.000 - 12.000 đồng/kg; với 100 gốc mận, vụ này gia đình dự kiến thu được trên 40 triệu đồng.

Anh Lò Văn Hảo, bản Hùn, xã Chiềng Cọ thu hoạch mận.

Anh Lò Văn Hảo, bản Hùn, xã Chiềng Cọ thu hoạch mận.

Chúng tôi tiếp tục đến bản Ót Nọi, bản Dầu. Hai bên đường đã được rải nhựa, bên cạnh những ngôi nhà sàn truyền thống còn có những ngôi nhà xây cao tầng khang trang nổi bật giữa vườn mận xanh tốt ngút tầm mắt. Cây mận hậu không chỉ được người dân trồng trong vườn nhà mà đã “leo” lên tận các sườn đồi, khép tán tỏa bóng mát, sai trĩu quả. Một khung cảnh bản làng yên bình và trù phú.

Từ đầu bản đến cuối bản Ót Nọi, đã thấy có 4-5 chiếc xe tải ngoại tỉnh đang chờ để đóng mận. Ghé điểm thu mua mận hậu của ông Lò Văn Cường lúc 9 giờ sáng, bà con đã tấp nập chở mận tới bán. Nhanh tay cân từng sọt mận chín còn nguyên phấn trắng, ông Cường nói: Tôi nhận thu mua mận của bà con trong xã để cung cấp cho đầu mối ở Thanh Hóa, với số lượng trên 10 tấn mận/ngày. Năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các phương tiện vận tải thu mua mận chở đi các tỉnh, thành trong cả nước thông suốt nên mận thu hái đến đâu được xe hàng đến thu mua hết. Tôi đang mua mận hậu cho bà con với giá từ 8.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại.

Người dân bản Dầu, xã Chiềng Cọ kiểm tra chất lượng quả mận sau thu hái.

Người dân bản Dầu, xã Chiềng Cọ kiểm tra chất lượng quả mận sau thu hái.

Còn vườn mận hậu của gia đình ông Quàng Văn Chom ở bản Dầu là một trong những vườn mận hậu cổ thụ đẹp và chất lượng nhất xã Chiềng Cọ. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn mận hơn 1 ha trồng xen cà phê của gia đình, ông Chom kể: Tôi đã áp dụng kỹ thuật đốn tỉa cành, hạ tán, tạo độ thông thoáng, đủ ánh sáng để cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh. Khi cây mận ra quả, tỉa đi 30-50% sản lượng quả, giữ lại những trái ngon nhất ở đầu cành, quả mận to 20-25 quả một kg, quả chín đậm, ngọt mọng và vị đậm đà. Với kỹ thuật điều chỉnh cho mận chín sớm, bán được giá, đầu vụ bán được 80.000 - 120.000 đồng/kg. Giờ vào chính vụ, tư thương tới tận vườn thu mua với giá 25.000 - 30.000 đồng/kg loại 1; bán xô trung bình 9.000 - 15.000 đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay, gia đình tôi thu hơn 6 tấn quả, bán được gần 100 triệu đồng. Dự tính đến hết vụ sẽ thu thêm gần 5 tấn nữa, nếu giá mận vẫn như hiện nay thì tổng thu nhập cả vụ từ tiền bán mận hậu được gần 200 triệu đồng. So với cây trồng khác chi phí đầu tư cây mận hậu thấp, khoảng 3 triệu đồng tiền phun thuốc trừ sâu, thuốc đậu hoa, đậu quả/1 ha mận.

Mận hậu ở xã Chiềng Cọ, Thành phố.

Mận hậu ở xã Chiềng Cọ, Thành phố.

Những vườn mận sai trĩu quả.

Những vườn mận sai trĩu quả.

Bà Tòng Thị Bó, Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, thông tin: Toàn xã hiện có hơn 780 ha mận, trong đó gần 450 ha mận hậu, sản lượng trung bình trên 6.630 tấn, giá trị ước đạt 53 tỷ đồng. Về sức tiêu thụ năm 2022 so với năm 2020 và 2021 thuận lợi hơn nhiều, vì các tuyến xe chở hàng đi các tỉnh, thành phố và các chợ đầu mối được thông hành. Hơn nữa, năm nay nhiều hộ trồng mận đã áp dụng khoa học kỹ thuật, nên có được mận trái vụ, một số hộ thu được trên 1 tấn với giá bán 90.000 - 120.000 đồng/kg, bà con rất phấn khởi vì được mùa, được giá.

Tuy không nhiều diện tích mận bằng xã Chiềng Cọ, nhưng 14/14 bản của xã Chiềng Đen đều trồng mận hậu, với diện tích hơn 500 ha, đứng thứ 2 về diện tích, sản lượng mận hậu của Thành phố. Ở đây, ngoài những vườn mận hậu trồng thuần, còn có những vườn mận hậu trồng xen trong vườn cà phê. Mô hình trồng mận xen cà phê và mơ của hộ gia đình bà Quàng Thị Xe, bản Phiêng Tam, là một điển hình, trung bình mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng.

Nói về cây mận hậu, ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Thành phố Sơn La hiện có khoảng gần 2.500 ha mận, năng suất trung bình đạt 9-10 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở các xã Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Ngần và phường Chiềng An. Mận hậu năm nay được mùa, được giá, mang lại lợi nhuận cho người trồng mận, nhiều hộ gia đình thu được trên một trăm triệu đồng. Với chất lượng, mẫu mã đẹp, quả mận hậu được Thành phố chọn là một trong 60 sản phẩm sẽ tham gia gian hàng trưng bày tại chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân và Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tổ chức cuối tháng 5 này.

Người dân chở mận về điểm thu mua.

Người dân chở mận về điểm thu mua.

Nâng cao giá trị sản phẩm mận, Thành phố tiếp tục tuyên truyền bà con áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng rải vụ, trái vụ, áp dụng kỹ thuật tỉa tán, tỉa quả trồng mận Ruby, đưa cây mận hậu ở Thành phố trở thành một trong những cây ăn quả, phục vụ du khách trải nghiệm mùa hoa và mùa thu hái quả. Nhiều hộ ở xã Chiềng Cọ và Chiềng Đen đã chỉnh trang lại cảnh quan khu vườn, làm nhà sàn, chòi nghỉ, khu vực cắm trại, mở rộng các loại hình dịch vụ, tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách gần xa tới trải nghiệm hái mận trực tiếp tại vườn.

Tư thương thu mua mận hậu của người dân xã Chiềng Đen (Thành phố).

Tư thương thu mua mận hậu của người dân xã Chiềng Đen (Thành phố).

Một vụ mận được mùa, được giá đang hiện hữu, sau những khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, cây mận hậu đã dần trở lại và khẳng định vị thế, hiệu quả kinh tế trong sản xuất của người dân, từng bước mang lại cuộc sống ấm no.

Duy Tùng - Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thanh-pho-vao-mua-man-hau-50214