Thành phố Yên Bái đồng hành cùng địa phương trong công cuộc số hóa
Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh (SXKD), bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chính trị đề ra, Điện lực thành phố Yên Bái đã, đang từng bước số hóa toàn bộ lưới điện trên bản đồ, toàn bộ hồ sơ, lý lịch thiết bị, công trình xây dựng, quản trị nhân sự, công tác kế hoạch...

Nhân viên VNPT Yên Bái hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng thanh toán điện tử VNPT Pay.
Nổi bật trong CĐS là lĩnh vực kinh doanh và dịch vụ khách hàng; trong đó, đơn vị đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường cải thiện trải nghiệm số của khách hàng sử dụng điện; chuyển đổi mô hình kinh doanh để đồng bộ hóa với quá trình số hóa của xã hội; đơn giản hóa việc quản lý và cung cấp dịch vụ thông qua chu trình hoạt động trên nền tảng số, nâng cao tỷ lệ tự động hóa việc chăm sóc khách hàng.
Ông Hà Trung Nam - Phó Giám đốc Điện lực thành phố cho hay: đối với Điện lực thành phố, việc ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý vận hành đã giúp đơn vị nhanh chóng xác định đường đi đến các vị trí có sự cố đường dây, giảm thiểu thời gian tìm vị trí có sự cố giúp tối ưu chi phí công tác. Công nghệ GIS cũng giúp đo khoảng cách phục vụ khảo sát, xác định các cự ly trong công tác sửa chữa khi thực hiện quản lý vận hành; từ đó, giúp chủ động xây dựng kế hoạch, huy động nhân lực ngay từ ban đầu và sau khi thực hiện CĐS, hiện đã có 21 máy cắt recloser, LBS, tủ RMU được kết nối tín hiệu về Trung tâm Điều khiển xa với tỷ lệ 100%; trên 39.000 khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt (KDTM), đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ công tơ thu thập tín hiệu từ xa đạt trên 98%; công tác số hóa hợp đồng đạt 100% hợp đồng; công tác chuẩn hóa thông tin khách hàng đang thực hiện triển khai theo kế hoạch đã lập. Việc ứng dụng DMS đã được đơn vị triển khai thử nghiệm thành công trên lưới điện trung áp… Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả CĐS trong lĩnh vực năng lượng theo mục tiêu đề ra.
Đồng hành cùng thành phố thúc đẩy CĐS trên tất cả các ngành, lĩnh vực, thời gian qua, các tập đoàn, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như VNPT, Viettell đã đầu tư nâng cấp hạ tầng mạng lưới cáp quang bảo đảm khả năng cung cấp dịch vụ Internet với tốc độ cao cho người dân, doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại hoạt động trên địa bàn đã phối hợp thúc đẩy các hình thức thanh toán KDTM.
Ông Hà Quốc Khánh - Giám đốc Viettell thành phố Yên Bái cho biết: thời gian qua, Chi nhánh Viettel Yên Bái đã phối hợp với ngành chuyên môn đầu tư hạ tầng, trang thiết bị để xây dựng, triển khai có hiệu quả mô hình chợ 4.0 trên địa bàn. Tập trung đẩy mạnh thanh toán KDTM bằng phương thức điện tử, tạo thói quen cho người dân đi chợ KDTM, tiêu dùng thông minh và tiến tới triển khai hiệu quả mô hình quản lý chợ bằng phương thức số.
Thực tế cho thấy, các ngành, địa phương cũng phối hợp tổ chức cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã trên địa bàn tham gia nhiều chương trình hỗ trợ, tập huấn CĐS và đổi mới sáng tạo cho kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã; đưa 30 sản phẩm OCOP của thành phố lên sàn thương mại điện tử; đăng ký, cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa cho 5 hợp tác xã với diện tích gần 20 ha.
Hết năm 2024, đã có trên 1.500 hộ sản xuất nông nghiệp được tạo tài khoản mua bán trên sàn thương mại điện tử. Doanh thu bưu chính, viễn thông, dịch vụ chyển phát, bao gồm cả các khoản thu hộ từ kinh doanh qua các nền tảng số đạt trên 2.000 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thuế cũng như phục vụ tốt nhất người nộp thuế, ngành thuế thành phố đã hoàn thành triển khai dịch vụ kê khai thuế qua mạng, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp trên địa bàn. Đến nay, 100% doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể tính thuế theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử; tỷ lệ doanh nghiệp có thiết bị thanh toán điện tử đạt 99%...
Có thể khẳng định, bằng hành động cụ thể, sự ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp, công tác CĐS trên địa bàn thành phố đến nay đã đạt được kết quả tích cực. Việc triển khai, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về CĐS cơ bản bảo đảm tiến độ theo kế hoạch trên cả 3 trụ cột chính: xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, cải thiện mối liên kết giữa chính quyền - người dân - doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao sự hài lòng, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.