Thành phố Yên Bái: Giáo dục kỹ năng sống, tăng cường trải nghiệm
Thời gian qua, với quan điểm'lấy trẻ làm trung tâm', các trường mầm non trên địa bàn thành phố Yên Bái đã đổi mới phương pháp dạy và học, chú trọng giáo dục kỹ năng sống, tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Tới Trường Mầm non Sunrise - một trường mầm non trong hệ thống các trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố, ấn tượng đầu tiên là sự lễ phép, nhanh nhẹn, nề nếp của học sinh ở các lứa tuổi; khuôn viên trường rộng rãi với hệ thống 3 sân chơi đầy đủ các trò chơi thúc đẩy phát triển các kỹ năng vận động của trẻ.
Dạo một vòng quanh các nhóm lớp, dễ dàng nhận thấy nhóm lớp nào trẻ cũng được lồng ghép dạy các kỹ năng sống phù hợp với từng lứa tuổi với sự hào hứng tham gia của trẻ. Nhóm lớp này trẻ được thực hành kỹ năng gấp quần áo, nhóm lớp khác trẻ được tham gia tình huống để học kỹ năng chào hỏi, lễ phép, rót nước, lấy tăm cho bà, hay chơi trò chơi vận động bò theo hướng thăng bằng…
Bà Nguyễn Thị Mai - Hiệu trường nhà trường chia sẻ: "Để trẻ phát triển toàn diện, nhà trường triển khai song song cả 2 phương pháp giáo dục STEAM và Montessori. Chương trình giáo dục kỹ năng sống được lồng ghép triển khai giảng dạy vào tất cả các hoạt động giáo dục hàng ngày. Tùy từng độ tuổi trẻ sẽ được giáo dục các kỹ năng như giao tiếp, tự nhận thức, xác định mục tiêu, đưa ra quyết định, xử lý tình huống… Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài trời giúp trẻ được thỏa mãn nhu cầu hoạt động, tìm hiểu, quan sát thế giới xung quanh, khám phá những điều mới lạ từ thiên nhiên, tăng vốn sống, tự do hoạt động”.
Cùng với Trường Mầm non Sunrise, hiện trên địa bàn thành phố còn có 9 trường mầm non ngoài công lập và 15 trường mầm non công lập, tất cả đều tích cực triển khai giáo dục kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm vào nội dung giảng dạy.
Ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Yên Bái cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của các cấp, các ngành mà trực tiếp là Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tích cực đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm; tăng cường hoạt động vui chơi, tạo cơ hội để trẻ được trải nghiệm, khám phá; chú trọng giáo dục hình thành, phát triển kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi của trẻ hướng đến mục đích trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, góp phần hình thành nhân cách cho trẻ.
Không chỉ tổ chức trong phạm vi khuôn viên trường, rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường như tại siêu thị, bảo tàng, công viên, khu trồng rau của nông dân thành phố… Những hoạt động này đã mang nhiều trải nghiệm giúp trẻ ngày càng phát triển toàn diện hơn, có kỹ năng tự phục vụ, bảo vệ bản thân, phòng tránh tai nạn thương tích, biết thấu hiểu, chia sẻ, yêu thương hơn”.
Có thể thấy, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, trải nghiệm phong phú, thiết thực, ý nghĩa của các trường mầm non trên địa bàn thành phố đã giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất, tinh thần và năng lực, góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy và học từ đó góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.