Thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn luôn tỏa sáng
QĐND - Dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản (Bôn-sê-vích) Nga, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Mười năm 1917, mở ra bước ngoặt mới trong tiến trình lịch sử nhân loại. Thế nhưng, các thế lực thâm thù với cách mạng vẫn không ngớt xuyên tạc, phủ nhận về Cách mạng Tháng Mười Nga. Song, 'bàn tay không che nổi mặt trời', cuộc cách mạng vĩ đại này của giai cấp vô sản vẫn luôn tỏa sáng và sống mãi trong lòng nhân loại.
1. Sự chống phá của chủ nghĩa đế quốc cùng những kẻ thâm thù với Chủ nghĩa Mác-Lênin nhằm thay đổi lịch sử và giá trị Cách mạng Tháng Mười Nga
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga giành được thắng lợi, giai cấp tư sản Nga vừa bị đánh đổ đã cầu viện 14 đế quốc liên kết, tập trung toàn bộ sức mạnh nhằm tiêu diệt chính quyền cách mạng Xô-viết non trẻ, ra sức xuyên tạc, vu cáo lãnh tụ V.I.Lênin và những người cộng sản Nga. Chúng cho rằng, đó là sự “đảo chính”, “tiếm quyền” lãnh đạo của giai cấp tư sản và việc thiết lập Nhà nước công-nông Xô-viết là “đi chệch” khỏi quy luật phát triển chung của xã hội loài người. Đặc biệt, từ khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Ðông Âu lâm vào thoái trào trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước, các thế lực thù địch tăng cường chống phá quyết liệt chủ nghĩa xã hội (CNXH). Chúng tìm mọi cách công kích, bôi nhọ, xóa nhòa những lý tưởng nhân văn, nhân đạo của Cách mạng Tháng Mười Nga và cơ sở tư tưởng, lý luận của cuộc cách mạng này là Chủ nghĩa Mác-Lênin. Chúng tung ra và cổ xúy đủ mọi luận điệu xuyên tạc trắng trợn, thâm độc, như: Cách mạng Tháng Mười chỉ là “cuộc nổi dậy mang tính chất Nga thuần túy”; là “một cuộc bạo động phản dân chủ”; là “quái thai của lịch sử”, thậm chí cho rằng đó là một sự “đẻ non”… nhằm lừa bịp, đánh đồng sự sụp đổ của mô hình XHCN hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu với sự thất bại của Chủ nghĩa Mác-Lênin và võ đoán rao giảng rằng: “Mô hình đổ thì học thuyết cũng đổ theo”(!). Từ đó, chúng không ngớt rao giảng rằng, CNXH đã đến “hồi kết thúc”. Chúng còn ra sức khuếch trương cổ xúy chỉ có chủ nghĩa tư bản (CNTB) là “vĩnh hằng” nhằm hướng lái các quốc gia, dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đi theo quỹ đạo của CNTB.
2. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 mở ra trang sử mới đối với nước Nga và tiến trình phát triển của nhân loại-mở ra thời đại mới, thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới
Cuộc cách mạng vĩ đại đó của giai cấp vô sản Nga đã khai phá con đường đi lên CNXH cho toàn thể nhân loại, đưa đến khả năng sáng tạo to lớn và cách mạng triệt để của giai cấp vô sản cùng nhân dân lao động ở các nước trong cuộc đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, đế quốc. Đồng thời, trở thành “ngọn đuốc” soi đường, chỉ lối cho giai cấp vô sản các nước vững niềm tin bước lên vũ đài chính trị với tư cách là giai cấp trung tâm của thời đại mới-“hạt nhân” của phong trào cách mạng thế giới, đưa thời kỳ “bão táp cách mạng” từ châu Âu lan tỏa nhanh chóng và mạnh mẽ sang châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin, đã khiến cho giai cấp tư sản vô cùng hoảng sợ, buộc phải lùi bước, xuống thang và điều chỉnh để tồn tại.
Thực tiễn cho thấy, sau Cách mạng Tháng Mười Nga, với đường lối phù hợp với tiến bộ xã hội, Đảng Cộng sản Nga, đứng đầu là lãnh tụ V.I.Lênin đã lãnh đạo giai cấp vô sản và nhân dân lao động Nga tiến hành cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, khoa học-kỹ thuật, văn hóa-xã hội, quốc phòng, an ninh... đưa Liên Xô từ nước tư bản trung bình trở thành quốc gia hùng mạnh trên thế giới. Điều đó tạo nên thế và lực để Hồng quân Liên Xô trở thành lực lượng chủ yếu quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát-xít, cứu nhiều dân tộc trên thế giới thoát khỏi thảm họa diệt chủng trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Dưới tác động to lớn, sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười Nga và chế độ XHCN ở Liên Xô, hàng loạt nước trên khắp các châu lục đã tiến hành thắng lợi cách mạng giải phóng dân tộc, giành được độc lập; nhiều quốc gia, dân tộc đã lựa chọn con đường phát triển lên CNXH.
Từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga đến cuối thập niên 1980, CNXH hiện thực với mục tiêu “độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội” đã trở thành giá trị phổ quát mang tính thời đại, được đông đảo các nước, các dân tộc trên thế giới hướng tới xây dựng và nhanh chóng phát triển thành một hệ thống XHCN hùng mạnh trên thế giới. Thực tế đó đã làm sụp đổ hệ thống thuộc địa do chủ nghĩa thực dân, đế quốc được thiết lập trên toàn thế giới trong nhiều thế kỷ; do đó, sự “vĩnh hằng” của CNTB không còn nữa, nó đã bị phủ định về mặt nguyên tắc; mọi mưu toan của các thế lực phản động, cơ hội chính trị hòng bôi nhọ, xóa bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin và CNXH, phủ nhận những giá trị to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đều vô vọng.
3. Ngày nay, mặc dù thế giới có nhiều biến động, đổi thay, nhưng Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn giữ nguyên giá trị
Trong quá trình vận động, phát triển hơn một thế kỷ đã qua (kể từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga giành thắng lợi năm 1917), nhân loại đã chứng kiến biết bao biến cố thăng trầm, phức tạp. Trong đó, tổn thất do những kẻ thâm thù với cách mạng gây ra cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế suốt mấy thập kỷ qua là vô cùng lớn, nhưng xu thế vận động khách quan của lịch sử mà Cách mạng Tháng Mười Nga vạch ra và tính tất yếu thắng lợi của CNXH là không thể đảo ngược. Hiện nay, các nước trên thế giới đang đẩy mạnh quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường, nhưng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác, phát triển và tiến bộ xã hội vẫn là xu thế lớn của thời đại. Lý tưởng cao đẹp của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại vẫn đang hiện diện và đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới đã và đang lựa chọn con đường tiến lên XHCN bằng những phương thức cụ thể khác nhau. Đồng thời, đảng cánh tả ở nhiều nước tư bản đang từng bước chiếm ưu thế trên chính trường... Điều đó cho thấy, mặc dù CNXH hiện thực đang gặp nhiều sóng gió, thử thách lớn; các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách phủ định, hạ thấp ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại và ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với tiến trình phát triển của nhân loại, nhưng con đường mà Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra vẫn là “ngọn đuốc” vạch thời đại, là mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới; bởi nó phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử và ước nguyện ngàn đời của con người. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái Đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”1.
4. Cách mạng Tháng Mười Nga là ngọn đuốc soi đường cho dân tộc Việt Nam vững bước vào kỷ nguyên mới
Thấu hiểu hơn ai hết nỗi thống khổ của người dân mất nước, từ tháng 6-1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh) đã bôn ba khắp bốn biển, năm châu để tìm con đường cứu nước, cứu dân. Khi nghiên cứu “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” do V.I.Lênin soạn thảo và được thông qua tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản (năm 1920), Nguyễn Ái Quốc đã vui mừng đến phát khóc, ngồi một mình nhưng Người đã nói to như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”2. Từ đó, Người khẳng định: “Cách mạng Việt Nam muốn thành công phải đi theo con đường của V.I.Lênin-con đường Cách mạng Tháng Mười Nga; muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”3. Năm 1924, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Giô-van-ni Giéc-man-ét-tô, đăng trên Báo L'Unita của Đảng Cộng sản Italy, Người nói: “Chúng tôi đã đau khổ nhiều và chúng tôi còn phải đau khổ nữa. Những người “khai hóa” ở các nước chúng tôi không để chúng tôi tự do. Nhưng chúng tôi tiếp tục đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra, chúng tôi sẽ vận dụng vào thực tiễn những bài học đã học được”4.
Trong gần 90 năm qua, Đảng ta luôn trung thành với lý tưởng cao đẹp của Chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên định với con đường Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, thành lập Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á; lãnh đạo toàn dân tiến hành các cuộc kháng chiến thần kỳ chống ngoại xâm, làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp theo giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng do bè lũ phản động Pol Pot-Ieng Sary gây ra…
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Đảng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ sự thoái trào của mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và một số nước ở Đông Âu, để kịp thời đề ra những quyết sách đúng đắn, khắc phục triệt để các sai lầm, khuyết điểm và khởi xướng, lãnh đạo đường lối đổi mới toàn diện đất nước (từ năm 1986). Đảng ta đã khẳng định quan điểm nhất quán: Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu XHCN mà là làm cho các mục tiêu đó được thực hiện tốt hơn bằng những quan niệm đúng, hình thức, biện pháp và bước đi thích hợp.
Qua hơn 30 năm đổi mới toàn diện đất nước, những lý tưởng nhân văn, nhân đạo cao cả của Cách mạng Tháng Mười Nga đã được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hiện thực hóa bằng nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ XHCN. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”5. Những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước chứng tỏ đường lối lãnh đạo của Đảng ta là hoàn toàn đúng, phù hợp với xu thế thời đại; “lòng dân, ý Đảng” luôn hòa quyện, gắn kết chặt chẽ với nhau trong thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Kỷ niệm 102 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, chứa đựng những yếu tố khó lường. Các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị đã và đang tranh thủ lợi thế về kinh tế, khoa học-công nghệ, mạng xã hội, sử dụng nhiều âm mưu, thủ đoạn mới, chống phá quyết liệt Chủ nghĩa Mác-Lênin, xuyên tạc, phủ nhận giá trị và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga. Bởi thế, sự nghiệp đấu tranh của nhân dân các dân tộc trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Song, dấu ấn lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn không ngừng tỏa sáng, giữ nguyên giá trị là một cuộc cách mạng “vạch thời đại”.
NGUYỄN ĐỨC THẮNG
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb. CTQG, H. 2011, tr. 387.
2 - Sđd, Tập 12, tr. 562.
3 - Sđd, Tập 2, tr. 603.
4 - Sđd, Tập 1, tr. 467.
5 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.66.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=143578