Thành quả nổi bật của ngành Y tế

Năm qua, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế đã không ngừng nỗ lực, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới, khắc phục mọi khó khăn; tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ với sự đồng thuận, quyết tâm cao nên đã giành được những kết quả khả quan.

Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) các tuyến được củng cố, ổn định và phát triển; số giường bệnh đạt 32,6 giường/10.000 dân. Công suất sử dụng giường bệnh chung toàn tỉnh đạt 101,64% kế hoạch; các cơ sở y tế đã KCB với tổng số 1.119.085 lượt người; 935.378 ngày điều trị nội trú. Chính sách KCB cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tích cực thực hiện kế hoạch luân phiên để tăng cường nhân lực có chất lượng phục vụ tuyến y tế cơ sở; tổ chức triển khai quyết liệt cho cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đầy đủ các nội dung trong Quyết định số 2151 của Bộ Y tế về “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Hoạt động chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ tuyến dưới được triển khai bằng nhiều hình thức, qua đó, chất lượng dịch vụ y tế và công tác KCB ngày càng được nâng lên. Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, huyện, thành phố đẩy mạnh công tác y tế dự phòng; giám sát, kiểm soát, khống chế dịch tán phát và các bệnh truyền nhiễm. Duy trì các kết quả đã đạt chuẩn Quốc gia của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh như: Thanh toán bệnh phong, bại liệt, các bệnh có vắc xin dự phòng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng; giám sát, kiểm soát chặt chẽ phản ứng sau tiêm chủng… Công tác y dược cổ truyền; quản lý an toàn thực phẩm; phòng, chống HIV/AIDS; quân dân y kết hợp,… được chú trọng triển khai đồng bộ, mang lại hiệu quả thiết thực.

Hiện tại, trung bình toàn tỉnh có 10,5 bác sỹ/10.000 dân và 0,91 dược sỹ đại học/10.000 dân; bình quân 5,9 cán bộ/trạm y tế; 195/195 trạm y tế có bác sỹ, 100% số xã có nữ hộ sinh, y sỹ sản nhi. Phối hợp với các trường Đại học Y - Dược (Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng...) áp dụng nhiều hình thức đào tạo; trong năm đã tổ chức đào tạo với số lượng là 2.781 lượt cán bộ tham gia.

Hoạt động dược và trang thiết bị y tế luôn đảm bảo cung ứng đủ thuốc có chất lượng cho các cơ sở KCB công lập thông qua việc phân bổ kế hoạch mua sắm theo đúng trình tự quy định. Các đơn vị trong ngành thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý thuốc gây nghiện, hướng dẫn sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý, nâng cao hiệu quả điều trị. Tổ chức kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hoạt động cung ứng, quản lý và sử dụng thuốc tại các đơn vị… Bên cạnh đó, nhiều nội dung công tác khác đều được ngành Y tế của tỉnh triển khai thực hiện đúng kế hoạch.

Bước sang năm 2020, ngành Y tế tỉnh đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm mọi người dân đều có khả năng được tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe có chất lượng; thực hiện hiệu quả các chính sách, chế độ về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Củng cố, kiện toàn, hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế các tuyến. Cung cấp đủ, có chất lượng thuốc thiết yếu phục vụ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; tiếp tục huy động mọi nguồn lực và sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Bài, ảnh: An Dương

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/201912/thanh-qua-noi-bat-cua-nganh-y-te-753972/