Thành quả từ canh tác, sản xuất nông sản an toàn

Nhằm hạn chế những rủi ro 'được mùa mất giá' và tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản, nhiều giải pháp hỗ trợ từ chuyển nhanh, chuyển mạnh xuất khẩu tiểu ngạch sang xuất khẩu nông sản chính ngạch đã được áp dụng. Một trong những giải pháp tiên quyết đó là nông sản phải bảo đảm được quy trình và chất lượng theo quy trình, tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

Hiệu quả tích cực từ nâng cao năng lực sản xuất

Tháng 2.2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã xuất khẩu chuyến chuối tươi đầu tiên sang thị trường các nước khu vực châu Á, mở ra cơ hội tiêu thụ cho nông dân Đồng Nai và các tỉnh lân cận. Diện tích trồng chuối của Đồng Nai hiện đang dẫn đầu cả nước với 13.149ha, chiếm đến 70% diện tích chuối khu vực Đông Nam Bộ.

Lễ công bố xuất khẩu chuyến sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại Đồng Nai. Nguồn: ITN

Chuối được xem là 1 trong 24 cây trồng chủ lực của Đồng Nai và có khả năng phát triển thành những vùng sản xuất tập trung quy mô 400 - 500ha. Giống chuối được trồng phổ biến là giống chuối già Nam Mỹ, tiếp đến là chuối sứ, chuối cau, năng suất trung bình khoảng 40 - 45 tấn/ha, sản lượng ước tính 450.000 tấn/năm. Thu nhập bình quân sau chi phí đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm và được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, trong đó chủ yếu là thị trường Trung Quốc.

Năm 2022, với 15 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số thu mua xuất khẩu chuối sang Trung Quốc, tỉnh Đồng Nai đã xuất khẩu hơn 400.000 tấn chuối và dự kiến năm 2023 xuất khẩu hơn 500.000 tấn. Đồng Nai cũng là tỉnh được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt lên tới 30 vùng trồng với diện tích 5.669ha chiếm 43% diện tích chuối toàn tỉnh.

Sau chuối, ngày 16.6.2023, Đồng Nai đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu chuyến sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN - PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Theo Phó Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP. Hồ Chí Minh Từ Châu, trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu vào Trung Quốc 60 ngàn tấn sầu riêng, trị giá 180 triệu USD. Dự kiến năm 2023, sản lượng sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có thể sẽ vượt 1 tỷ USD. Theo đó, trong năm 2023, Đồng Nai dự kiến xuất khẩu 20 ngàn tấn sầu riêng, mang lại trị giá 50 triệu USD.

Hiện, Đồng Nai đang là tỉnh đứng thứ 4 cả nước về diện tích sầu riêng với 11.345ha được trồng tập trung các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và TP. Long Khánh. Các giống sầu riêng chủ yếu là Ri6 (chiếm 45% diện tích), Dona (chiếm 50% diện tích) và năm 2023 diện tích thu hoạch sầu riêng của tỉnh là 6.574ha và sản lượng khoảng 69.000 tấn.

Hướng tới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch

Cũng như chuối, sầu riêng xuất khẩu phải tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng như yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng kiểm dịch thực vật, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, đồng thời phải kiểm tra xuất xứ của hàng hóa liên quan đến mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, yêu cầu kỹ thuật về bao bì và nhãn mác.

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 140 mã số vùng trồng, 81 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu (chuối, mít, thanh long, xoài, chôm chôm, chanh, sầu riêng, nhãn, vải, dưa hấu); đặc biệt năm 2022 đã thiết lập 12 mã số vùng trồng đối với 2 loại trái cây chủ lực của tỉnh để phục vụ xuất khẩu (5 vùng chuối và 7 vùng sầu riêng), đây là cơ hội lớn cho thị trường nông sản chủ lực của tỉnh Đồng Nai để xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới. Về chăn nuôi, tỉnh duy trì khoảng 21% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh, chuồng kín; có 11,5% trang trại ứng dụng công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi; gần 90% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm tiêu chuẩn; khoảng 45% tổng đàn heo, 31% tổng đàn gà của các doanh nghiệp được truy xuất nguồn gốc; 150 trang trại và 07 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP.

Nhằm đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế cho nông sản, vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kế hoạch đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm gồm: ổn định tổ chức bộ máy, nguồn lực quản lý bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; Tiếp tục rà soát, đóng góp ý kiến chỉnh sửa, bổ sung các cơ chế chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy định, quy chuẩn kỹ thuật tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, doanh nghiệp sản xuất nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững; Đổi mới công tác phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức ý thức về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn và truyền thông quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng, an toàn, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng tăng cường giám sát, xử lý nghiêm vi phạm về chất lượng, phối hợp xử lý kịp thời sự cố an toàn vệ sinh thực phẩm… nhằm đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng nông sản xuất khẩu chính ngạch, giúp bà con nông dân nắm chắc “đáp án” cho bài toán được mùa mất giá, giữ vững thành quả từ canh tác, sản xuất an toàn.

Việt Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/thanh-qua-tu-canh-tac-san-xuat-nong-san-an-toan-i337060/