Thành quả từ khát vọng và sáng tạo
Cuối năm 2024, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã trở thành doanh nghiệp đầu tiên chính thức khai trương mạng di động 5G-mạng di động thế hệ mới tại Việt Nam. Không chỉ thế, Viettel đã tự nghiên cứu, sản xuất thiết bị để làm chủ được công nghệ 5G. Việc đưa 5G vào khai thác thương mại là nguồn lực thúc đẩy nền kinh tế đất nước tăng tốc.
Cách đây 20 năm, khi Viettel đánh dấu sự xuất hiện trên bản đồ di động quốc gia bằng việc chính thức khai trương mạng di động với thương hiệu Viettel Mobile, có lẽ ít người hình dung được, một doanh nghiệp non trẻ, bị bỏ rất xa với công nghệ 2G, lại có thể nhanh chóng tăng tốc để gia nhập doanh nghiệp thuộc tốp 5 quốc gia đầu tiên sản xuất được thiết bị mạng 5G (Thụy Điển, Phần Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam). Từ tháng 3-2024, Viettel đã được cấp giấy phép sử dụng băng tần 2600MHz để triển khai 5G. Chỉ sau 7 tháng kể từ khi có giấy phép, đến ngày 15-10, Viettel đã có thể làm chủ và chính thức khai trương mạng 5G tại Việt Nam.
Bằng sự nhiệt huyết, sáng tạo và tinh thần quả cảm của Bộ đội Cụ Hồ, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, nhân viên của Viettel đã hăng say lao động, cống hiến, góp phần đưa Viettel trở thành nhà mạng đầu tiên vừa triển khai 5G đã phủ sóng tại thủ phủ của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với khoảng 6.500 trạm thu, phát sóng. Chỉ sau 15 ngày kể từ khi chính thức ra mắt, theo Tổng công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom), đã có 3 triệu người đăng ký sử dụng mạng 5G của Viettel. Trong đó, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng được ghi nhận là 5 địa phương tập trung nhiều khách hàng sử dụng 5G nhất, chiếm gần 50% tổng số thuê bao hiện có.
Chia sẻ về các công nghệ tiên tiến Viettel đã làm chủ để phát triển 5G, đồng chí Hoàng Đức Thanh, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật toàn cầu, Tổng công ty Mạng lưới Viettel cho biết, một trong những thành tựu nổi bật của Viettel là đã làm chủ được hệ thống mạng lõi quan trọng, từ đó, Viettel có thể tự sản xuất các thiết bị vô tuyến, thiết bị mạng truyền dẫn, hạn chế phải nhập khẩu các linh kiện, thiết bị điện tử từ bên ngoài.
Hiện nay, về mặt vùng phủ, Viettel đang có ưu điểm là sở hữu tần số tốt để triển khai mạng 5G. Theo các chuyên gia, với băng tần 2600MHz thì Viettel sẽ có vùng phủ rộng nhất cả nước, rộng gấp hai lần các băng tần phổ biến khác của 5G. Đối với giải pháp công nghệ để mở rộng vùng phủ, Viettel đã xây dựng mạng 5G dựa trên những tiêu chuẩn kỹ thuật mới nhất, trong đó đặc biệt sử dụng các trạm phát sóng hỗ trợ đến 64 ăng ten phát, 64 ăng ten thu, nhiều hơn gấp 16 lần so với công nghệ đang sử dụng cho 4G hiện tại. Bên cạnh đó, với các kỹ thuật tiên tiến của 5G như định hướng búp sóng sẽ bảo đảm vùng phủ của trạm 5G tương đương với trạm 4G hiện tại.
Bên cạnh đó, Viettel cũng rất chú trọng vấn đề bảo đảm hài hòa giữa yếu tố phát triển công nghệ và bảo vệ môi trường. Với băng tần 2600MHz thì Viettel dự kiến chỉ cần một nửa số trạm so với các băng tần khác để có vùng phủ tương đương. Số trạm ít hơn sẽ giúp tiêu thụ điện và phát thải CO2 ít hơn, theo tính toán ban đầu thì với số lượng trạm ở thời điểm khai trương, Viettel có thể tiết kiệm hơn 220 triệu kW điện mỗi năm, giảm 50% phát thải CO2.
Tuy nhiên, để phát triển được công nghệ 5G, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Viettel đã phải khắc phục, vượt qua không ít khó khăn, trở ngại trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm. Đồng chí Hoàng Đức Thanh cho biết, chi phí đầu tư cho 5G rất lớn, gấp 4-5 lần so với đầu tư 4G và cần rất nhiều thời gian để triển khai. Về mặt kích thước và khối lượng, các thiết bị phục vụ công nghệ 5G có kích thước lớn hơn, nhiều ăng ten hơn, khối lượng gấp 1,5-2 lần thiết bị dành cho 4G. Bên cạnh đó, vì phải xử lý một lượng dữ liệu rất lớn dẫn đến điện năng tiêu thụ cao, gấp khoảng 2,5-3 lần so với 4G, vì vậy phải cải tạo cột, cải tạo điện 3 pha thì mới vận hành được trạm 5G.
Một trong những khó khăn để mở rộng phát triển 5G tại Việt Nam là các thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G còn hạn chế. Hiện chỉ có khoảng 15% thiết bị đầu cuối (ví dụ như điện thoại thông minh, máy tính bảng) tại Việt Nam có hỗ trợ công nghệ 5G và chủ yếu nằm ở khu vực thành thị. Nhiều khách hàng có thiết bị di động hiện đại, được mua tại nước ngoài nhưng lại bị khóa công nghệ hoặc không được hỗ trợ 5G tại Việt Nam. Những yếu tố này dẫn đến việc triển khai 5G diện rộng, đặc biệt là tại các vùng nông thôn sẽ chưa mang lại hiệu quả ngay lập tức.
Có thể nói, năm 2024 là năm thành công với ngành viễn thông Việt Nam nói chung và Viettel nói riêng. Thời gian tới, khi hạ tầng được mở rộng và tối ưu hóa, trải nghiệm 5G sẽ ngày càng ổn định hơn. Việc Viettel đã triển khai mạng 5G trên toàn quốc sẽ tạo tiền đề để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa công cuộc chuyển đổi số, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
5G là thế hệ thứ 5 của công nghệ di động không dây. Công nghệ 5G mang đến tốc độ kết nối tối đa ở điều kiện lý tưởng là 10Gbps, con số này nhanh hơn gấp 10 lần so với tốc độ 1Gbps của công nghệ 4G. Điều này giúp cung cấp trải nghiệm trực tuyến nhanh chóng, liền mạch cùng độ trễ rất thấp. Bên cạnh đó, công nghệ 5G được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp công nghệ cao và ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực tự động hóa, điều khiển từ xa, lĩnh vực có sự tham gia xử lý của máy móc, rô bốt.