Thành quả xử lý nợ xấu 5 năm có nguy cơ bị xóa bởi Covid-19

Dịch Covid-19 sẽ khiến nợ xấu tăng mạnh, đặc biệt là nếu thời hạn cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01 không được kéo dài. Nợ xấu nội bảng có thể tăng lên 3% vào cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021, trong khi xử lý nợ xấu khó khăn hơn.

Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: PV

Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn. Ảnh: PV

Đây là thông tin được nêu tại Diễn đàn Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2020 với chủ đề "Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách", diễn ra ngày 30/9.

Xem xét luật hóa quy định về xử lý nợ xấu

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, sau khi triển khai được hơn 3 năm, các giải pháp đồng bộ của Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu và Quyết định 1058 của Thủ tướng về tái cơ cấu ngân hàng đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo ông Đỗ Giang Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), Nghị quyết 42 đã khẳng định rõ ràng hơn quyền của chủ nợ của VAMC và TCTD; góp phần nâng cao ý thức của cá nhân, tổ chức trong việc trả nợ; tạo động lực khuyến khích các TCTD bán nợ xấu theo giá trị thị trường; giúp tạo lập thị trường mua bán nợ theo giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc thị trường trong xử lý nợ xấu; qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo, đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, Nghị quyết số 42 chỉ mang tính chất thí điểm, có hiệu lực 5 năm kể từ ngày 15/8/2017. Do đó, sau thời điểm Nghị quyết 42 hết hiệu lực, nếu không có văn bản thay thế thì có thể làm quá trình xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB) bị kéo dài, các nhà đầu tư mua, bán nợ xấu nghi ngại về khả năng xử lý các khoản nợ đã mua để thu hồi vốn.

Hơn nữa, mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc như: tiến độ xử lý cơ cấu lại đối với một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn chậm, phụ thuộc vào nội dung phương án cơ cấu lại tổng thể của tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc xử lý, thu hồi nợ và TSBĐ của một số TCTD còn khó khăn trong trường hợp TSBĐ cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh; một số TCTD vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42; thực hiện quyền áp dụng thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ về thuế khi xử lý TSBĐ và nộp án phí theo bản án, quyết định của tòa án các cấp…

Bên cạnh đó, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 trong các tháng đầu năm 2020 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả xử lý nợ xấu toàn ngành Ngân hàng trong giai đoạn 2016-2020.

Thời gian tới, để đảm bảo công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 và cơ cấu lại theo Quyết định 1058 được triển khai hiệu quả, đặc biệt khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan đề xuất lên Chính phủ các giải pháp để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết số 42. Đồng thời, xem xét, nghiên cứu việc luật hóa xử lý nợ xấu nhằm quy định cụ thể về việc xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của VAMC và tạo động lực cho các TCTD xử lý nợ xấu đạt hiệu quả. Cùng với đó, xây dựng Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2021-2025, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực tài chính và quản trị điều hành của các TCTD, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế.

Nợ xấu sẽ tăng vọt nếu dừng cho phép cơ cấu lại nợ

Tham gia phiên thảo luận tại diễn đàn, TS Cấn Văn Lực, kinh tế trưởng của ngân hàng BIDV đánh giá, dịch Covid-19 đã gây tác động lớn đối với ngành Ngân hàng, mà trong đó dễ nhận thấy nhất là nợ xấu sẽ tăng. Ước tính cuối năm nay nợ xấu nội bảng sẽ tăng lên đến 3% và trong năm 2021 sẽ tăng lên 4%, xóa đi thành quả kéo giảm nợ xấu về dưới 3% từ năm 2015.

"Hiện nay, các ngân hàng vẫn còn có tiềm lực để xử lý nợ xấu nhưng năm tới thì sao? Việc Thông tư 01 sửa đổi cho phép giữ nguyên nhóm nợ đến khi nào sẽ là vấn đề. Nếu không cho phép giữ nguyên nhóm nợ thì chắc chắn nợ xấu sẽ tăng đột biến, nhưng kéo dài thì đến lúc nào?" - TS Cấn Văn Lực nêu vấn đề. Theo kinh tế trưởng của BIDV, nếu kéo dài thời gian cơ cấu lại nhóm nợ quá thì sẽ thiếu tính bền vững, khó đảm bảo lâu dài, nhưng nếu để thời gian ngắn quá sẽ gây cú sốc cho hệ thống khi nợ xấu tăng vọt. Do đó, ông Lực đề nghị kéo dài đến cuối năm 2021, khi dịch có thể đã kết thúc, tiềm lực của doanh nghiệp, ngân hàng đã vững hơn.

Nêu ý kiến về vấn đề này, ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh Thanh tra (Cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN) cho biết, NHNN đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để sớm sửa đổi Thông tư 01. Mới đây, NHNN đã làm việc với Bộ Tài chính và hai cơ quan đã thống nhất cơ bản về định hướng sửa đổi Thông tư 01. "Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, khi thực hiện giãn, miễn, giảm lãi phí cho doanh nghiệp thì cũng phải tính bài toán tài chính để hoạt động ngân hàng an toàn, bền vững. Chúng tôi đang nghiên cứu để sửa Thông tư 01 một cách bài bản, căn cơ, bởi nếu hệ thống ngân hàng không an toàn bền vững thì sẽ gây hệ lụy lớn cho nền kinh tế như trước đây chúng tôi đã thấy" - ông Trần Đăng Phi cho biết./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2020-09-30/thanh-qua-xu-ly-no-xau-5-nam-co-nguy-co-bi-xoa-boi-covid-19-92872.aspx