Thanh Sơn: Nỗ lực giải bài toán thiếu giáo viên
Để tránh việc thiếu giáo viên gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, huyện Thanh Sơn đã chủ động nghiên cứu triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm bảo đảm số lượng, chất lượng giáo viên cho năm học mới 2022-2023 và các năm học tiếp theo.
Cô giáo Đinh Thị Hồng Thoa - Trường THCS Lương Nha trong giờ lên lớp.
Hiện toàn huyện có 2.390 giáo viên với 31 nghìn học sinh các cấp mầm non, tiểu học và THCS. Đối với cấp Tiểu học, tỉ lệ đạt 1,43 giáo viên/lớp; riêng giáo viên văn hóa chỉ đạt 1,07, thiếu 46 giáo viên so với quy định. Đối với cấp THCS, tỉ lệ đạt 1,99 giáo viên/lớp, đảm bảo định mức giáo viên quy định.
Tuy nhiên, do đặc thù huyện miền núi, quy mô trường, lớp nhỏ nên phải bố trí tỉ lệ giáo viên/lớp cao hơn so với quy định để đảm bảo đủ cơ cấu môn. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng mất cân đối cơ cấu giáo viên: Thiếu giáo viên các môn Khoa học tự nhiên, Âm nhạc, Thể dục, Tiếng Anh, Tin học và dôi dư giáo viên các môn: Khoa học xã hội, Mỹ thuật.
Chất lượng giáo dục của Trường Tiểu học Tinh Nhuệ từng bước chuyển biến rõ rệt
Đồng chí Phan Xuân Huy - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Trước khi bước vào năm học, Phòng đã rà soát, đề xuất thực hiện việc tuyển dụng giáo viên các môn còn thiếu, các môn học mới để đáp ứng tỉ lệ và cơ cấu giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bố trí, sắp xếp giáo viên các trường cơ bản đáp ứng tỉ lệ giáo viên để thực hiện chương trình, điều chuyển giáo viên từ các đơn vị dôi dư đến các đơn vị thiếu, đồng thời bố trí giáo viên các môn chung dạy liên cấp tiểu học, THCS trên cùng địa bàn hoặc các trường gần nhau đảm bảo định mức lao động và điều kiện làm việc của giáo viên. Tiếp tục thực hiện chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Năm 2020, huyện Thanh Sơn đã tuyển dụng mới 30 giáo viên; năm 2021 là 33 giáo viên cấp tiểu học, THCS. Tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo trở lên trên toàn huyện đạt: 95,0%. Trong đó, giáo viên cấp tiểu học đạt 91,3%; giáo viên cấp THCS đạt 95,1%.
Đồng thời, Phòng hướng dẫn các đơn vị trường chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch dạy học phù hợp với tình hình của đơn vị; bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên, phân công lao động hợp lý, có hiệu quả; ưu tiên các môn tích hợp, các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếp tục cử giáo viên chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo tham gia học tập nâng trình độ chuẩn; tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch.
Thuộc khu Láng Mái, xã Tinh Nhuệ là khu có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, Trường Tiểu học Tinh Nhuệ liên tục được tăng cường, bổ sung giáo viên còn thiếu. Từ năm 2020 đến nay, nhà trường được bổ sung 3 giáo viên ở các môn: Tin học, Thể dục và Văn hóa. Đến nay, đã có 16 giáo viên, đảm bảo đủ để thực hiện chương trình mới.
Thầy giáo Nguyễn Đình Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tinh Nhuệ cho biết: Sau khi được bổ sung về giáo viên, chất lượng dạy và học của nhà trường đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nhà trường đã có học sinh đạt giải Nhì Violympic Tiếng Việt cấp huyện; công tác dạy và học của nhà trường được đảm bảo ổn định, chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao với tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%.
Tại Trường THCS Lương Nha, năm học này có 236 học sinh ở 8 lớp. Đầu năm 2022, nhà trường được bổ sung 3 giáo viên biên chế mới các môn Tin học, Toán học và Sinh học. Đến đầu năm học 2022-2023, trường tiếp tục được tăng cường thêm một giáo viên Ngữ văn do giáo viên cũ hết thời gian tăng cường, nâng tổng số lên 11 giáo viên trong toàn trường, đảm bảo đủ số lượng giáo viên.
Toàn huyện Thanh Sơn hiện có 2.390 giáo viên với 31 nghìn học sinh các bậc mầm non, tiểu học, THCS
Là giáo viên được tăng cường từ thị trấn Thanh Sơn, cô giáo Đinh Thị Hồng Thoa chia sẻ: Hai mươi năm gắn bó với nghề, động lực lớn nhất để cô Thoa tình nguyện chuyển từ một trường ở khu vực trung tâm huyện về một trường thuộc vùng khó khăn chính là tấm lòng mến trẻ, yêu nghề. Cô Thoa tâm sự học sinh ở trường nề nếp đi học chưa tốt như học sinh ở trung tâm nên phải mất đến hai tháng “vừa dạy vừa dỗ”, cả cô và trò mới dần hiểu nhau, duy trì tốt nền nếp lớp học. Với bề dày công tác, cô Thoa không ngừng đổi mới, sáng tạo trong cách truyền đạt và khích lệ, động viên để các em ngày một nỗ lực học tập, kiên trì vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu.
Tâm lý giáo viên thường muốn ổn định, gắn bó với môi trường quen thuộc nên việc thuyên chuyển, điều động gặp không ít trở ngại. Chính vì thế, Phòng GD&ĐT huyện đã tăng cường vận động giáo viên tình nguyện chuyển công tác về trường thiếu giáo viên, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa để tránh việc học sinh gặp thiệt thòi vì phải học ghép lớp. Các trường cũng linh động sắp xếp giáo viên đứng lớp, giáo viên bộ môn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ năm học, chủ động tháo gỡ những khó khăn tạm thời do thiếu giáo viên và hạn chế về cơ sở vật chất, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của huyện.
Thanh Trà