Thành tích ấn tượng của sinh viên ĐH Phenikaa đạt giải thưởng nữ sinh KHCN

'Tuổi trẻ hạnh phúc nhất là được thử điều bản thân nghĩ không làm được, vì không thử thì sẽ không bao giờ biết giới hạn mình ở đâu', Bùi Hạnh Nhung chia sẻ.

Mới đây, Trung ương Đoàn vừa công bố 20 nữ sinh viên tiêu biểu nhận Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2024. Đây là những nữ sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ đặc thù - những ngành học vốn dĩ là thế mạnh của phái nam.

Nữ sinh Bùi Hạnh Nhung (sinh năm 2002) - sinh viên năm cuối, ngành Công nghệ vật liệu, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa đã xuất sắc trở thành một trong 20 nữ sinh viên tiêu biểu nhận giải thưởng danh giá này. Đó là thành quả được “đơm hoa, kết trái” từ sự đam mê, không ngừng nỗ lực với nhiều công trình nghiên cứu khoa học và thành tích học tập rất đáng ấn tượng của em.

 Bùi Hạnh Nhung - sinh viên ngành Công nghệ vật liệu, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: NVCC.

Bùi Hạnh Nhung - sinh viên ngành Công nghệ vật liệu, Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: NVCC.

Ghi dấu trở thành nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2024

Tiền thân là “Phần thưởng dành cho nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ thông tin”, Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam được tổ chức hằng năm do Trung ương Đoàn chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm tuyên dương những nữ sinh viên có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực khoa học công nghệ đặc thù; góp phần đào tạo nguồn cán bộ khoa học công nghệ chất lượng cao cho đất nước.

Năm nay, Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam được sửa đổi, bổ sung và mở rộng thêm các nhóm ngành xét giải. Trung tâm Phát triển Khoa học công nghệ và Tài năng trẻ (đơn vị thường trực giải thưởng) đã triển khai tới 84 trường đại học, học viện trên toàn quốc có đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực xét chọn. Và sau thời gian phát động, ban tổ chức đã nhận được 114 hồ sơ đăng ký cho 8 nhóm ngành xét trao giải thưởng của 36 cơ sở đào tạo trên cả nước.

Trong đó, Bùi Hạnh Nhung là một trong số những cá nhân đăng ký nhóm ngành Công nghệ hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường và đã xuất sắc đạt được Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2024 bởi các hạng mục như: có thành tích học tập đặc biệt, có nhiều bài báo đăng trên tạp chí, hội nghị, hội thảo uy tín trong nước và quốc tế, tham gia đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường có tính thực tiễn cao, đạt giải cao các cuộc thi đổi mới sáng tạo, được nhận học bổng, chương trình trao đổi trong và ngoài nước,...

 Bùi Hạnh Nhung được tuyên dương "sinh viên 5 tốt" năm 2023. Ảnh: NVCC.

Bùi Hạnh Nhung được tuyên dương "sinh viên 5 tốt" năm 2023. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về cảm xúc khi được nhận Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2024, Bùi Hạnh Nhung cho biết bản thân cảm thấy rất tự hào và may mắn khi sự cố gắng, nỗ lực của mình trong suốt thời gian qua được ghi nhận và gặt hái thành công.

Giải thưởng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2024 là một mục tiêu lớn mà Hạnh Nhung đã đặt ra phấn đấu ngay từ khi bắt đầu tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học. Đây vừa là nguồn động viên, nhắc nhở em nghiêm túc trên hành trình học tập, nghiên cứu của bản thân, vừa là cơ hội giúp có thể ghi nhiều dấu ấn hơn nữa trong sự nghiệp tương lai của mình bằng việc trải nghiệm tại các môi trường học thuật khác nhau.

Công trình nghiên cứu của Bùi Hạnh Nhung về liên ngành Vật liệu, Công nghệ nano, Hóa học, Điện tử và Công nghệ thông tin với hướng tập trung chủ yếu về nghiên cứu, chế tạo các loại vật liệu nano có kích thước vi mô, vật liệu tổ hợp nanocomposite ứng dụng trong lĩnh vực cảm biến.

Đó là loại cảm biến về tăng cường tín hiệu bề mặt nhằm phát hiện được dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, các hợp chất hóa học trong thực phẩm, nông sản ở hàm lượng có thể đạt tới mức nhỏ hơn 1/tỷ mol/L (tương đương khoảng 0,001mg hóa chất/kg thực phẩm). Ngoài ra, em còn đang nghiên cứu và cải tiến tính chất của các loại sơn tàu biển, sơn nội thất bằng các vật liệu nano chế tạo được.

 Công trình nghiên cứu của Bùi Hạnh Nhung về liên ngành Vật liệu, Công nghệ nano, Hóa học, Điện tử và Công nghệ thông tin. Ảnh: NVCC.

Công trình nghiên cứu của Bùi Hạnh Nhung về liên ngành Vật liệu, Công nghệ nano, Hóa học, Điện tử và Công nghệ thông tin. Ảnh: NVCC.

Không chỉ vậy, quá trình học tập tại Trường Đại học Phenikaa, nữ sinh Bùi Hạnh Nhung còn xuất sắc giành được nhiều thành tích học tập trên “đấu trường tri thức” như: đạt danh hiệu “Sinh viên xuất sắc tiêu biểu” của Trường Đại học Phenikaa qua các năm học; giải Nhất Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc lần thứ XI năm 2023 - cấp Trường; Giải Ba Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc lần thứ XI năm 2023; sinh viên trao đổi quốc tế “Global Project Based Learning” năm 2023.

Về nghiên cứu khoa học, Nhung đã giành được giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Phenikaa năm học 2022-2023 và 2023-2024; giải Khuyến Khích cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2023; giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu năm học 2023-2024.

Đáng chú ý, Hạnh Nhung còn là đồng tác giả của 2 công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục nhóm Q1.

Là Đảng viên - Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Trường Đại học Phenikaa, em luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động phong trào sinh viên và công tác của Đoàn. Qua đó, Hạnh Nhung đã nhận được Bằng khen Trung ương Hội sinh viên Việt Nam cho giải thưởng “Sao Tháng Giêng năm 2023”; Bằng khen Thành đoàn Hà Nội “Cán bộ Đoàn Thủ đô tiêu biểu năm 2023”; Bằng khen “Sinh viên 5 Tốt” cấp Thành phố năm 2023; Bằng khen tỉnh đoàn Hòa Bình có “Thành tích xuất sắc trong tổ chức, triển khai chiến dịch tình nguyện mùa hè Xanh năm 2023”; Giấy khen Đoàn Trường, huyện đoàn Điện Biên – Tỉnh Điện Biên vì có thành tích xuất sắc trong các chiến dịch tình nguyện hè tại Hòa Bình, Điện Biên; chiến dịch Đông ấm tại Cao Bằng;...

 Nữ sinh tích cực tham gia nhiều chiến dịch tình nguyện như "Mùa hè Xanh", "Đông ấm" tại các vùng cao. Ảnh: NVCC.

Nữ sinh tích cực tham gia nhiều chiến dịch tình nguyện như "Mùa hè Xanh", "Đông ấm" tại các vùng cao. Ảnh: NVCC.

Để đạt được những thành tích trên, Hạnh Nhung luôn không ngừng nỗ lực để có thể cải thiện thành tích học tập, xây dựng kế hoạch nghiên cứu hợp lý và tích cực tham gia, tổ chức nhiều hoạt động phong trào sinh viên khác nhau tại các tỉnh vùng cao qua những sự kiện của sinh viên.

Khơi dậy nguồn đam mê từ những kiến thức "khó nhằn" về vật liệu

Được hỏi về “cơ duyên” theo đuổi nhóm ngành Công nghệ hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường; Hạnh Nhung cho hay: Khi còn là học sinh trung học phổ thông, em rất đắn đo trong việc lựa chọn ngành nghề định hướng tương lai. Sau đó, khi tình cờ đọc được thông tin về ngành Vật liệu, Hạnh Nhung cảm thấy những nội dung này rất thú vị, khác với những suy nghĩ của em trước đây chỉ biết đến vật liệu xây dựng.

“Có thể nói, đây là một ngành học khá khó và có phần khô khan, tuy nhiên cũng rất thú vị và hấp dẫn. Khi nghe qua, chúng ta có thể nghĩ rằng nội dung kiến thức sẽ bị “cộp mác”, rập khuôn với các ngành kỹ thuật. Nhưng thực chất, ngành học lại rất gần gũi và gắn liền với ý nghĩa thực tiễn trong đời sống con người.

Nhất là sau khi đến tham quan Trường Đại học Phenikaa, được nghe các thầy cô chia sẻ về ngành học, em thấy rất hứng thú và dành nhiều sự quan tâm hơn về lĩnh vực này. Ngoài ra, nhóm ngành Vật liệu cũng đang đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Vì vậy, em đã quyết định thử sức với lĩnh vực và ghi danh trở thành sinh viên ngành Công nghệ vật liệu”, Hạnh Nhung nhớ lại.

 Bùi Hạnh Nhung là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: NVCC.

Bùi Hạnh Nhung là Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh của Trường Đại học Phenikaa. Ảnh: NVCC.

Trong quá trình học tập và nghiên cứu, em cũng chia sẻ bản thân phải đối mặt với nhiều thử thách, thậm chí đôi khi bị mất cân bằng giữa việc học tập với các phong trào hoạt động sinh viên và các công việc cá nhân. Tuy nhiên, Nhung luôn cố gắng linh hoạt sắp xếp các mục tiêu của mình theo lịch trình cố định sẵn có. Việc lập kế hoạch và danh sách các công việc cần làm trong ngày, trong tuần và trong tháng đã giúp em có thể hoàn thành được nhiều mục tiêu và cân bằng tốt việc học tập, nghiên cứu và các hoạt động cá nhân khác.

Theo Hạnh Nhung, việc thay đổi môi trường và tư duy học tập từ bậc trung học phổ thông lên đại học cũng là một thử thách với em. Đồng thời, việc tìm hiểu và chọn lọc tài liệu để định hướng nghiên cứu, cũng như việc trải qua nhiều lần thực hiện thí nghiệm không thành công cũng khiến em khá căng thẳng.

Song, nhờ khả năng xây dựng một lộ trình học tập, rèn luyện phù hợp, nữ sinh đã có thể nâng cao tính tự giác, phát huy tinh thần tự học, chăm chỉ tự nghiên cứu tài liệu từ các nguồn uy tín.

Mặt khác, Hạnh Nhung cảm thấy rất biết ơn vì trong suốt chặng đường học tập của mình ở Trường Đại học Phenikaa vì em luôn được các thầy cô động viên, tận tình chỉ dẫn, khuyến khích tham gia thử sức với các cuộc thi nghiên cứu khoa học. Vì vậy, việc đăng ký dự thi Olympic Hóa học toàn quốc chính là “cột mốc” đánh dấu sự thay đổi rất nhiều của Hạnh Nhung.

“Kể từ đó, em trở nên tự tin vào bản thân hơn, biết nắm bắt các cơ hội đến với mình. Tuy rằng em không đạt được giải thưởng quá cao, nhưng cuộc thi đã góp phần rất lớn khiến em có được những kết quả như bây giờ, sau thời gian tiếp tục cố gắng và nỗ lực”, nữ sinh chia sẻ.

Đặc biệt, Hạnh Nhung cho biết, đội ngũ các thầy cô giảng viên và cơ sở vật chất của Trường Đại học Phenikaa chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc em theo học tại trường. Lần đầu tiên đến tham quan cơ sở đào tạo, em đã rất bất ngờ vì nhà trường có khuôn viên rộng rãi, hiện đại, môi trường học thuật cởi mở, năng động. Các thầy cô giảng viên của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu chào đón người học rất nhiệt tình, hết lòng hỗ trợ, giải đáp, tư vấn, chia sẻ các kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cũng như về đời sống sinh viên.

Trường Đại học Phenikaa có khuôn viên rộng rãi, hiện đại, môi trường học thuật cởi mở, năng động. Ảnh: website nhà trường.

Quá trình phát triển bản thân ở Trường Đại học Phenikaa cũng tạo dựng cho người học rất nhiều cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp trong tập đoàn Phenikaa nói riêng và nhiều tổ chức doanh nghiệp lớn nói chung liên quan đến ngành học. Vì vậy, sinh viên học nhóm ngành lĩnh vực Vật liệu như em được trải nghiệm rất nhiều trong các môi trường làm việc khác nhau và có thể trở thành nơi gắn với công việc sau này.

Tuổi trẻ dám thử, cơ hội sẽ đến

Gửi gắm lời khuyên tới các bạn có mong muốn theo đuổi nhóm ngành Công nghệ hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường, Hạnh Nhung chia sẻ, người học nên đặt ra mục tiêu cho bản thân, có thể từ những mục tiêu nhỏ, ngắn hạn đến những mục tiêu lớn và dài hạn. Nhưng đó sẽ là động lực và là “kim chỉ nam” cho quá trình cố gắng của chúng ta.

Mỗi khi gặp khó khăn, các bạn hãy nhớ về lý do tại sao mình lựa chọn con đường này và thật sự tin tưởng bản thân có thể làm được. Bên cạnh đó, mỗi người cũng có thể tìm cho mình một hình mẫu mà bản thân mong muốn trở thành hoặc noi theo tấm gương của các thầy cô, anh chị đi trước. Điều này sẽ giúp các bạn vững vàng hơn rất nhiều trong quá trình học tập và nghiên cứu khoa học.

 Bùi Hạnh Nhung luôn cố gắng cân bằng giữa việc nghiên cứu và các phong trào hoạt động ngoại khóa trong quá trình học tập của mình. Ảnh: NVCC.

Bùi Hạnh Nhung luôn cố gắng cân bằng giữa việc nghiên cứu và các phong trào hoạt động ngoại khóa trong quá trình học tập của mình. Ảnh: NVCC.

Chặng đường này chắc chắn sẽ vất vả và có nhiều khó khăn, nhưng Hạnh Nhung cho rằng, ngay từ lúc mỗi người lựa chọn quyết định này đã là những người dũng cảm. Vì vậy, chúng ta nên tin tưởng vào bản thân, không ngừng học hỏi và cố gắng mỗi ngày.

“Tuổi trẻ hạnh phúc nhất là được thử những điều bản thân nghĩ mình không làm được, vì không thử thì sẽ không bao giờ biết được giới hạn của mình ở đâu. Và chắc chắn rằng mọi nỗ lực đủ lớn của bản thân sẽ được hồi đáp xứng đáng”, Bùi Hạnh Nhung chia sẻ.

Để học tốt nhóm ngành Công nghệ hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường, nữ sinh cho biết, việc trau dồi nhiều các môn Khoa học tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học là điều vô cùng cần thiết. Bên cạnh đó, môn Tin học sẽ hỗ trợ các bạn trong quá trình lập trình, mô phỏng, tính toán phân tích số liệu. Và tiếng Anh cũng là yếu tố bắt buộc cần có nếu người học muốn đọc tài liệu, viết bài báo khoa học, tham dự hội thảo quốc tế.

 Hạnh Nhung tích cực trong chiến dịch tình nguyện. Ảnh: NVCC.

Hạnh Nhung tích cực trong chiến dịch tình nguyện. Ảnh: NVCC.

Tuy vậy, nếu chỉ có kiến thức chuyên môn thì chưa đủ, Hạnh Nhung cho rằng, người học cần phát triển một số kỹ năng mềm để làm việc và nghiên cứu tốt ở nhóm ngành này như khả năng tư duy logic, tính sáng tạo, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm,...

Chia sẻ về kế hoạch dự định trong tương lai, nữ sinh Trường Đại học Phenikaa cho biết, sau khi hoàn thành chương trình ở bậc đại học, em sẽ tiếp tục theo đuổi nghiên cứu và học tập tại các bậc cao hơn và vẫn gắn bó với lĩnh vực hóa, vật liệu. Bên cạnh vai trò là một nhà nghiên cứu, em mong muốn rằng bản thân sẽ có thể trở thành một giảng viên, một diễn giả. Bởi đây sẽ là cơ hội thú vị giúp em có thể lan tỏa tới các nữ bạn sinh viên nói riêng và các bạn trẻ nói chung về kiến thức, kinh nghiệm, hành trình nghiên cứu khoa học công nghệ và khuyến khích người học theo đuổi lĩnh vực này.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thanh-tich-an-tuong-cua-sinh-vien-dh-phenikaa-dat-giai-thuong-nu-sinh-khcn-post246749.gd