Thành tích của Ánh Viên liên tục sa sút trong 3 năm qua

Ánh Viên từng được kỳ vọng trở thành một trong những nữ kình ngư hàng đầu thế giới ở nội dung bơi hỗn hợp, nhưng mục tiêu đó ngày càng xa vời khi phong độ liên tục đi xuống.

Từng giành 8 HCV, phá 8 kỷ lục tại SEA Games 2015, Nguyễn Thị Ánh Viên, 19 tuổi khi đó, nổi lên như một hiện tượng của làng bơi không chỉ riêng khu vực Đông Nam Á.

Biệt danh "Iron Girl" (Cô gái thép) của Ánh Viên được tờ báo Singapore đặt cho, với sứ mệnh tiếp bước "Iron Lady" (Quý bà thép) của Katinka Hosszu, người nắm giữ kỷ lục thế giới ở nội dung hỗn hợp cá nhân. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, những gì Ánh Viên thể hiện cho thấy sự thụt lùi.

Phong độ của Ánh Viên đi xuống trong 2 năm trở lại đây. Ảnh: Minh Chiến.

Phong độ của Ánh Viên đi xuống trong 2 năm trở lại đây. Ảnh: Minh Chiến.

Áp lực thành tích tại đấu trường khu vực

"Năm nay, Ánh Viên tập trung chủ yếu vào SEA Games, kế hoạch đặt ra là duy trì thành tích giống như các kỳ Đại hội trước", Tổng cục trưởng Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng, trả lời Zing.vn sau khi Ánh Viên thất bại tại giải vô địch thế giới 2019.

Trọng tâm và điểm rơi phong độ của kình ngư sinh năm 1996 trong năm nay là SEA Games trên đất Philippines, không phải là giải thế giới. Tuy nhiên, phong độ trượt dài của Ánh Viên tại Hàn Quốc khiến nhiều người hoài nghi, dù chỉ thi đấu 2 nội dung thế mạnh.

Cô xếp hạng 19 ở nội dung sở trường 400 m hỗn hợp cá nhân với thời gian 4 phút 47 giây 96. So với ASIAD 2018, Ánh Viên tụt 5 giây, và hơn 11 giây so với thành tích tốt nhất tại Olympic Rio 2016 (4 phút 36 giây 85).

Ở nội dung 200 m hỗn hợp cá nhân, Ánh Viên đứng thứ 26 với thời gian 2 phút 17 giây 79, một trong những thông số tệ nhất của cô kể từ năm 2013. Kình ngư người Cần Thơ từng gây tiếng vang lớn ở nội dung này khi giành HCV Olympic trẻ 2014, phá kỷ lục giải với thành tích 2 phút 12 giây 66. Tuy nhiên, trong 5 năm qua, cô chưa một lần vượt qua thông số này.

Tham dự dàn trải nhiều nội dung và áp lực "hái vàng" khiến Ánh Viên gần như không có thế mạnh riêng. Cô được người hâm mộ biết đến từ kỳ SEA Games trên đất Myanmar năm 2013. Cô gái 17 tuổi khi đó đã giành 3 tấm HCV và sống trong những lời tung hô, chúc tụng.

Thành tích 400 m hỗn hợp tốt nhất của Ánh Viên qua các năm.

Thành tích 400 m hỗn hợp tốt nhất của Ánh Viên qua các năm.

2 năm sau, cô gái người Cần Thơ gánh 60% chỉ tiêu vàng cho bơi Việt Nam tại Singapore khi đăng ký tới 19 nội dung thi đấu với mục tiêu giành ít nhất 6 HCV. Năm đó, Ánh Viên giành 8 HCV cá nhân, phá 8 kỷ lục để đi vào lịch sử SEA Games.

Thành công vang dội và được gọi là "Nữ hoàng đường đua xanh Đông Nam Á", Ánh Viên một lần nữa gánh chỉ tiêu kỷ lục 8-10 HCV tại SEA Games 2017. Kết thúc giải, "Tiểu tiên cá" hoàn thành xuất sắc với 8 tấm HCV giành được.

Nhiều người mừng rỡ khi Ánh Viên tái lập chiến tích cách đây 2 năm. Tuy nhiên, khi nhìn sang Singapore, họ lại có chiến lược đầu tư khác cho tài năng Joseph Schooling. Năm 2015, kình ngư này giành 9 HCV, nhưng 2 năm sau đó anh chỉ có 4 tấm HCV.

Sau kỳ SEA Games thành công trên sân nhà, Schooling được đầu tư mạnh chỉ tập trung vào nội dung bơi bướm sở trường. Kình ngư Singapore vượt qua huyền thoại Michael Phelps để giành tấm HCV lịch sử nội dung 100 m bướm nam tại Olympic Rio 2016, trước khi thâu tóm 2 HCV tại ASIAD 2018. Nhìn sang Ánh Viên, cô vẫn trắng tay.

Tập huấn tại Mỹ có phù hợp?

Năm 2012, Ánh Viên cùng người thầy Đặng Anh Tuấn lên đường sang Mỹ tập huấn, với mục tiêu chinh phục các sân chơi lớn như ASIAD hay Olympic. Trong những năm đầu, Ánh Viên cho thấy sự tiến bộ vượt bậc với những tấm huy chương lịch sử tại Olympic trẻ hay ASIAD cùng năm 2014, World Cup 2015 hay giải vô địch châu Á năm 2016

Tuy nhiên, kể từ năm 2017 trở lại đây, những tấm huy chương trên đấu trường quốc tế của Ánh Viên càng ít đi. Với ngân sách đầu tư "khủng", Ánh Viên luôn được coi là VĐV trọng điểm của thể thao Việt Nam, nhưng không thể giành HCV tại ASIAD 2018 như kỳ vọng khi chỉ về thứ 5 ở phần thi chung kết 400 m hỗn hợp.

Ánh Viên không được đào tạo chuyên sâu. Ảnh: Minh Chiến.

Ánh Viên không được đào tạo chuyên sâu. Ảnh: Minh Chiến.

Lúc đó, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam Trần Đức Phấn cho biết: "Quá trình huấn luyện của các VĐV kéo dài, thậm chí có thể lên tới 10 năm sẽ khiến giữa VĐV và HLV nảy sinh những vấn đề tâm lý. Đơn cử như trường hợp của U23 Việt Nam, khi một người thầy giỏi như HLV Park Hang-seo xuất hiện đã khiến đội tuyển thay đổi ngay lập tức".

"Qua thành tích vừa rồi, có thể thấy vấn đề của Ánh Viên không chỉ ở chuyên môn, mà còn liên quan đến kinh nghiệm và tâm lý. Chúng tôi sẽ cân nhắc thật kỹ để làm sao có được phương án tốt nhất cho các VĐV trọng điểm này. Thậm chí, có thể tiến tới điều chỉnh kể cả chuyên gia, HLV và cả quốc gia tập huấn", ông Phấn nói thêm.

Một năm sau thất bại tại Á vận hội, thành tích của Ánh Viên không có dấu hiệu tiến bộ, nếu không muốn nói là tụt lùi. Vụ trưởng Thể thao thành tích cao 2 Nguyễn Trọng Hổ thừa nhận chỉ có thể biết được tình hình của Ánh Viên thông qua báo cáo từ HLV Tuấn.

"Ánh Viên tập huấn ở xa, mọi thứ khó kiểm soát. Chúng tôi không thể biết chi tiết mà dựa hoàn toàn vào báo cáo định kỳ được HLV Đặng Anh Tuấn gửi về. Lãnh đạo cũng đang xem xét lại vấn đề này", ông Hổ chia sẻ với Zing.vn.

Cùng với Ánh Viên, một số vận động viên được đầu tư trọng điểm như anh em Quách Thị Lan, Quách Công Lịch cũng được đưa sang Mỹ tập huấn vào năm 2015. Tuy nhiên, thành tích 2 vận động viên thuộc bộ môn điền kinh đạt được là không khả quan, thậm chí còn bị tăng cân.

Sau một năm tập huấn không đạt kết quả như mong đợi, Lan và Lịch về nước vào nửa cuối năm 2016. Dù chỉ tập trong nước và có một số chuyến tập huấn ngắn hạn nước ngoài, Quách Thị Lan tiến bộ rõ rệt khi giành chức vô địch 400 m rào châu Á 2019, hay mới đây được trao tấm HCV ASIAD 2018 cũng ở nội dung này.

Ánh Viên thất bại tại giải vô địch thế giới 2019.

Ánh Viên thất bại tại giải vô địch thế giới 2019.

Gần nhất là trường hợp của "Nữ hoàng tốc độ mới" Lê Tú Chinh sang Mỹ tập huấn, sau cú hat-trick HCV tại SEA Games 2017. Dù vậy, tại ASIAD 2018, Tú Chinh không thể góp mặt tại phần thi chung kết 100 m và 200 m, thành tích kém hơn cả SEA Games một năm trước đó.

Trong khi đó, Nguyễn Huy Hoàng, dù chỉ tập chay trong nước đã xuất sắc trở thành vận động viên đầu tiên của Đoàn thể thao Việt Nam giành vé tham dự Olympic Tokyo sau khi đạt chuẩn A nội dung 800 m tự do nam tại giải bơi vô địch thế giới.

Kết thúc giải đấu thất bại tại Hàn Quốc, Ánh Viên cùng HLV Đặng Anh Tuấn sẽ quay lại Mỹ để tiếp tục kế hoạch tập huấn. Trọng tâm là giữ vững thành tích tại kỳ SEA Games vào cuối năm nay, trước khi nghĩ đến việc giành vé tham dự Olympic 2020.

Ánh Viên trượt chuẩn B Olympic ở vòng loại 400 m hỗn hợp Sáng 28/7, Nguyễn Thị Ánh Viên về cuối ở lượt bơi thứ 3 vòng loại 400 m hỗn hợp tại giải vô địch thế giới với thành tích 4 phút 47 giây 96.

Tiến Đạt
Đồ họa: Minh Phúc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thanh-tich-cua-anh-vien-lien-tuc-sa-sut-trong-3-nam-qua-post971938.html