'Thành tích của ngành GTVT mở cánh cửa mới cho sự phát triển của đất nước'
Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ GTVT sáng 28/12.
Quyết tâm cao nhất thực hiện nhiệm vụ được giao
Năm 2023, khối lượng công việc của Bộ GTVT được giao đặc biệt lớn với nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách và phức tạp.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ tháo gỡ của Quốc hội, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng chính phủ, toàn ngành GTVT đã duy trì sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, đoàn kết thống nhất, đề ra giải pháp đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Trong đó, lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng tiếp tục có nhiều điểm sáng với 26 dự án được khởi công, 20 dự án được hoàn thành.
Riêng lĩnh vực đường bộ, 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc đã được đưa vào khai thác với chiều dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900km.
Năm 2023, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay với hơn 94 nghìn tỷ đồng (gấp 1,7 lần so với năm 2022), cùng với số vốn sự nghiệp kinh tế hơn 19,9 nghìn tỷ đồng phục vụ công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ GTVT đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả để điều hành giải ngân kế hoạch vốn. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kết quả giải ngân của Bộ đến hết niên độ dự kiến đạt trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hoạt động vận tải tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đến hết tháng 11/2023, sản lượng hàng hóa tăng 12,9%, luân chuyển hàng hóa tăng 10,5% so với cùng kỳ, sản lượng hành khách tăng 11,5%, luân chuyển hành khách tăng 23,9% so với cùng kỳ.
Công tác hợp tác quốc tế cũng được đẩy mạnh, bảo đảm chiều sâu và đạt nhiều kết quả thực chất, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, các nước là đối tác quan trọng trong lĩnh vực GTVT. Đã đàm phán, báo cáo và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ký kết 10 điều ước quốc tế, 3 thỏa thuận quốc tế về GTVT (gấp hơn 4 lần so với năm 2022).
Về đột phá thể chế, 11 tháng năm 2023, Bộ GTVT đã ban hành 40 Thông tư theo thẩm quyền; đã hoàn thành, trình Chính phủ 13/13 Nghị định, đạt 100% kế hoạch; Phối hợp với Bộ KH&ĐT tham mưu Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; Hoàn thiện dự thảo Luật Đường bộ; Hoàn thiện hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Đường sắt và Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, đang thực hiện tổng kết Luật Giao thông đường thủy nội địa và Bộ Luật Hàng hải Việt Nam.
Năm 2023 cũng đánh dấu hành trình về đích của 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia lĩnh vực GTVT khi Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây là nền tảng quan trọng trong định hướng, huy động nguồn lực đầu tư, thực hiện thành công các mục tiêu về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Kết thúc năm 2023, với tinh thần không né tránh, không sợ trách nhiệm, Bộ GTVT cũng đã nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền nhiều giải pháp để giải quyết các bất cập tồn đọng từ các năm trước như: gỡ khó cho các dự án BOT, xử lý tồn tại của SBIC,…
"Vượt nắng, thắng mưa" đi trước mở đường
Chúc mừng các thành tích của ngành GTVT đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho biết, năm qua, ngành giao thông đã khởi công 26 dự án lớn trên mọi lĩnh vực, từ đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy, hàng không. Trong đó, có 9 dự án thành phần đường bộ cao tốc với chiều dài 475km, nâng tổng số kilomet đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên 1.892km.
Ngành GTVT đã "vượt nắng, thắng mưa" để đạt được những thành tích to lớn nhằm thực hiện chiến lược phát triển, hoàn thiện kết cấu, cơ sở hạ tầng chiến lược quốc gia, thực hiện đồng bộ, hiện đại, góp phần thắng lợi vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.
"Thành tích của ngành giao thông đã mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển của đất nước", ông Minh nói và cho biết: Điều này có ý nghĩa hơn cho ngành xây dựng trong việc kết nối, mở rộng không gian phát triển hệ thống đô thị, nông thông Việt Nam, giúp hiện thực hóa các mục tiêu quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị Việt Nam bền vững, tạo diện mạo mới cho đất nước, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Thứ trưởng Minh, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khôn lường, biến động địa chính trị làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, tình hình lạm phát, giá cả hàng hóa biến động... tác động tới nền kinh tế trong nước nói chung và chi phí của ngành GTVT nói riêng, ngành giao thông vẫn vượt qua những khó khăn để triển khai đồng loạt các hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Hệ thống đường sắt đô thị bắt đầu hình thành, có thể kể đến các tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Nhổn – ga Hà Nội, tuyến Bến Thành – Suối Tiên; trong khi đó, hệ thống đường sắt quốc gia được cải tạo, nâng cấp về chất lượng, năng lực quản lý. Đây là những tiền đề cho ngành giao thông đầu tư đồng bộ, hiện đại cho tuyến đường sắt tốc độ cao thời gian tới.
Hệ thống các cụm cảng hàng không, đường thủy, hàng hải cũng được mở rộng, nâng cấp, góp phần tăng cường kết nối nội địa, quốc tế, giúp hình thành các trung tâm logistics tầm cỡ.
Bộ Xây dựng đã thường xuyên phối hợp với ngành giao thông trong công tác quản lý Nhà nước, quản trị tại các dự án đầu tư của ngành giao thông như hệ thống đường sắt đô thị, cụm cảng hàng không, công tác quản lý nhà nước, quản trị dự án, quản lý kỹ thuật, tiêu chuẩn, nghiệm thu, đơn giá... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả dự án.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, năm 2024, khối lượng công việc của ngành GTVT rất lớn với tính chất khó khăn, phức tạp và quan trọng, từ đó, đề nghị Bộ GTVT tiếp tục quan tâm công tác quản lý Nhà nước, quản lý dự án, đầu tư ngành giao thông.
Trong đó, cần tập trung chỉ đạo tháo gỡ phát sinh khi áp dụng cơ chế quản lý đặc thù với cơ chế giao mỏ cho các nhà thầu thi công; tiếp tục chỉ đạo để bảo đảm giá vật liệu công khai, minh bạch.
Ngoài ra, ngành GTVT còn phải hoàn thành 500 định mức dự toán cho các lĩnh vực, trong đó đường bộ 136 định mức, đường sắt 221 định mức, hàng không 91 định mức, đường thủy 21 định mức.
"Khối lượng công việc này đòi hỏi sự chỉ đạo của Bộ GTVT và sự phối hợp cả các cơ quan liên quan trong trong phân tích, đánh giá, thẩm định, ban hành các định mức", ông Minh nói.