Thanh toán không dùng tiền mặt: Dự báo tăng cao hậu đại dịch

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) sẽ tiếp tục là tâm điểm của các ngân hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ và xu hướng thay đổi trong thanh toán hậu đại dịch.

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của thế giới, tiến tới một xã hội không dùng tiền mặt. Việc không dùng tiền mặt có rất nhiều lợi ích, rất nhanh chóng, hiệu quả, nâng cao an toàn của cơ quan giám sát. Và đại dịch COVID-19 đã là đòn bẩy thúc đẩy nhanh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn thế giới khi mà mọi người hạn chế tiếp xúc với nhau.

Thông tin tại buổi tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán số sau đại dịch”, do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 13/4, ông Lê Văn Tuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh Toán (Ngân hàng nhà nước) chia sẻ: Hình thức thanh toán hiện đại, tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập tại Việt Nam như thanh toán bằng thẻ chíp phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử qua NFC, ứng dụng Mobile banking, … kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện.

Theo ông Tuyên, Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ hướng tới 4 mục tiêu chính: Thứ nhất, tạo sự chuyển biến tích cực về TTKDTM với mức tăng trưởng cao; phổ cập, đưa việc sử dụng các phương thức, phương tiện TTKDTM trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và tạo sự lan tỏa, mở rộng TTKDTM ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Thứ hai, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để đổi mới, phát triển hạ tầng thanh toán, phát triển dịch vụ TTKDTM an toàn, tiện ích, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán ngày một tăng, yêu cầu ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế.

Thứ tư, phấn đấu đạt một số mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; Tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80 - 100%/năm, qua kênh Internet đạt 35 - 40%/năm, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%…

Đánh giá về hoạt động TTKDTM tại Việt Nam thời gian qua, PGS.TS Hoàng Xuân Quế - Viện trưởng Viện Tài chính Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: cơ quan Quản lý nhà nước đã có những cơ chế thích hợp và các tổ chức cung ứng đã có những thay đổi mạnh mẽ để tạo nên một bức tranh tươi sáng về thực trạng TTKDTM thời gian qua tại Việt Nam, bước đầu đã thay đổi thói quen của người dân về thanh toán.

TTKDTM không chỉ được nhắc đến ở các giao dịch thanh toán cá nhân trong các hoạt động mua bán mà còn được nhắc tới ở việc thanh toán các dịch vụ công. Điều này đòi hỏi các ngân hàng, công ty chuyển mạch thẻ phải làm chủ công nghệ, nắm bắt được xu hướng quốc tế trong giao dịch điện tử. Và tất cả các yếu tố đó đều gói gọn trong mục tiêu hành động là chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.

Nói về việc triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác chuyển đổi số hoạt động của Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), bà Phạm Thị Mai Anh- Giám đốc Trung tâm sản phẩm - Khối Ngân hàng số MB cho biết: Để triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác chuyển đổi số hoạt động ngân hàng, ngoài việc tiếp tục phát triển các sản phẩm liên quan đến ngân hàng chúng tôi còn mở rộng đến các sản phẩm khác để mở rộng các khả năng tiến hành các giao dịch. 5 năm trở lại đây, MB phát triển vượt bậc thanh toán số. Những quy trình trước kia, mất 3- 4 tháng, ngân hàng mới ra sản phẩm nhưng không đáp ứng nhu cầu khách hàng. Nay chúng tôi thay đổi đưa sản phẩm mới, liên tục sửa đổi đáp ứng nhu cầu chính xác khách hàng. Khi khách hàng đón nhận thì đưa ra tính năng, bổ sung.

Để khuyến khích khách hàng tham gia nhiều hơn trong các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, ông Lê Thanh Hà - đại diện Chi hội thẻ, Hiệp hội Ngân hàng nêu quan điểm: vấn đề căn bản là chính sách giá và quản trị rủi ro. Với vai trò ngân hàng hiện nay, bên cạnh cung cấp sản phẩm, nỗ lực giảm chính sách giá đưa đến người dân giá hợp lý và an toàn nhất. “Chủ trương của Chính phủ tập trung phục hồi nền kinh tế, ngành ngân hàng tham gia sâu vào nội dung này. Với lĩnh vực thanh toán, bên cạnh giảm lãi suất, phí quan trọng”- ông Hà bày tỏ.

Ở một góc độ khác, TTKDTM trong lĩnh vực công, ông Nguyễn Quang Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) cho biết: Trong quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, Napas luôn ưu tiên nhiệm vụ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch công. Thời gian qua, Napas đã tích cực, chủ động tham gia triển khai cùng các cơ quan chức năng liên quan và đã triển khai đến 48 địa phương, 15 Bộ, ngành, qua đó thực hiện thanh toán cho 5 nhóm dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia như nộp thuế, bảo hiểm, vi phạm giao thông, các lệ phí khác. Tới đây, Napas sẽ tiếp tục kết nối cơ sở dữ liệu, hệ thống của các cơ quan nhà nước như thuế, kho bạc, hải quan,... thực hiện là cầu nối để thúc đẩy kênh thanh toán của các ngân hàng, trung gian thanh toán kết nối qua Napas.

Thùy Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-du-bao-tang-cao-hau-dai-dich-175106.html