Thanh toán không tiền mặt: Thách thức bảo mật và an toàn

Hoạt động thanh toán không tiền mặt (TTKDTM) đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng đi liền với đó là thách thức bảo mật, an ninh, an toàn thông tin, đối phó với tội phạm mạng và vô số các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong thanh toán trực tuyến ngày càng tinh vi. Số tiền thiệt hại từ chỗ chỉ vài triệu, nay nhiều vụ đã lên đến cả trăm tỷ đồng.

Trước thực trạng này, nhiều giải pháp mới đang được các cơ quan, đơn vị, ngân hàng và doanh nghiệp triển khai rốt ráo để đảm bảo an toàn cho người dùng, thúc đẩy sự phát triển của TTKDTM…

Tiện dụng và lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt

Chị Hào Minh (quận 12, TP Hồ Chí Minh) là nhân viên văn phòng, cho biết lâu nay mọi chi phí tiền điện, nước, tiền Internet… của gia đình đều được chị trả qua tài khoản ngân hàng, chứ không còn phải đi đến tận nơi để trả tiền mặt như những năm trước.

Giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt đã len lỏi vào mọi hoạt động của đời sống.

Giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt đã len lỏi vào mọi hoạt động của đời sống.

Thực tế đúng như chị Hào Minh đã nói, sự phát triển không ngừng của các hình thức, phương tiện thanh toán mới, thanh toán trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động… đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đảm bảo minh bạch các hoạt động thanh toán phục vụ nhu cầu chi trả hằng ngày của người dân và toàn xã hội.

Hiện nay, rất nhiều quán ăn bình dân, nơi bán những món đồ rất nhỏ cũng in mã QR để khách “quét, chạm”, thậm chí với rất nhiều anh xe ôm, tờ giấy in mã QR trở thành vật bất li thân, luôn để trong túi quần. Lý do đơn giản vì nó tiện dụng và thực sự tiện ích.

Có lẽ, một trong những xu hướng phát triển liền mạch, mạnh mẽ và nhanh chóng nhất hiện nay đó là TTKDTM. Cùng với sự nỗ lực của cơ quan chức năng, các ngân hàng, các đơn vị thanh toán, việc TTKDTM đã giúp giảm bớt chi phí xã hội, giảm thời gian và rủi ro cho người dân, thúc đẩy một xã hội ngày càng minh bạch hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, với vai trò là trung tâm kinh tế lớn nhất nước, thành phố đang hướng đến mục tiêu dẫn đầu cả nước về giao dịch, TTKDTM. Lãnh đạo thành phố xác định giao dịch không tiền mặt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo, điều hành. Và từ năm 2020 đến nay, thành phố đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp để thúc đẩy hoạt động này.

Khách hàng xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học khi thực hiện giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking.

Khách hàng xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học khi thực hiện giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking.

Hiện nay, 100% bệnh viện công của TP Hồ Chí Minh đã triển khai TTKDTM. Trong lĩnh vực thương mại, 3 chợ đầu mối, 222 chợ truyền thống, 237 siêu thị, 48 trung tâm thương mại tại TP Hồ Chí Minh đều tham gia TTKDTM. Trong cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ đã đạt trên 30%, góp phần phổ biến TTKDTM…

Trên bình diện cả nước, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong thời gian qua, hoạt động TTKDTM đã phát triển mạnh mẽ với hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng với hơn 87% người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng. Nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số không tiền mặt. Số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân hơn 23,5%/năm và xử lý giá trị thanh toán bình quân đạt tới 830.000 tỷ đồng/ngày. Ngoài ra, số lượng giao dịch thanh toán qua thiết bị di động (Mobile) và QR Code cũng có sự tăng trưởng nhanh chóng trong thời gian qua…

Nhận thức rõ tầm quan trọng của TTKDTM đối với đời sống xã hội, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước và các đơn vị thuộc bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy TTKDTM trong lĩnh vực tài chính.

Theo ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, trước đây Kho bạc Nhà nước cần có kho chứa tiền, mua xe chở tiền, nhân viên bảo vệ việc chở tiền. Nhưng khi hoạt động TTKDTM ngày càng phát triển, các kho để tiền nay để trống, thậm chí các xe chở tiền cũng được thanh lý hết. Đối với hoạt động thu ngân sách, nhờ sự phối hợp tích cực giữa Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước với các ngân hàng thương mại, đến nay có hơn 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức TTKDTM.

Đồng thời, đã có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho Kho bạc Nhà nước tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng. Năm 2023, tỷ lệ thu - chi ngân sách nhà nước bằng các hình thức TTKDTM chiếm 99,9% tổng thu - chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước…

Vẫn còn không ít bất cập, rủi ro

Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương cũng như bộ ngành đều thừa nhận trong quá trình triển khai hoạt động TTKDTM, các đơn vị, sở ngành cũng gặp không ít khó khăn, bất cập, đặc biệt vấn đề bảo mật, an toàn cho người dùng là một trở ngại khiến người dân chưa mạnh dạn sử dụng.

Người dân tìm hiểu các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Người dân tìm hiểu các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Riêng ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với những rủi ro và thách thức về an ninh, bảo mật, đặc biệt là tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản của người dân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như giả mạo cơ quan, tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt thông tin đăng nhập và xác thực giao dịch, dẫn dụ khách hàng truy cập các đường link giả mạo, cài đặt phần mềm độc hại...

Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (ANM&PCTPSDCNC - Bộ Công an), nêu thực tế, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang diễn biến phức tạp, có sự móc nối giữa các đối tượng trong nước và nước ngoài.

Năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam ghi nhận khoảng 13.900 vụ tấn công mạng vào các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP). Tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng khoảng 8.000 - 10.000 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm 2022. Trong các vụ lừa đảo, có tới 91% thông tin liên quan lĩnh vực tài chính, 73% người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.

Đáng lưu ý, các đối tượng này hoạt động có tổ chức, xuyên biên giới, lợi dụng kẽ hở pháp luật. Chúng xây dựng kịch bản và phân công vai trò cụ thể, đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, lợi dụng khoa học, công nghệ để lừa đảo. Chúng cũng thường trú chân tại các quốc gia láng giềng như Campuchia, Myanmar… Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng các phương thức, thủ đoạn chính với 3 nhóm: Giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản, các hình thức kết hợp khác, với 24 thủ đoạn lừa đảo…

PGS.TS Trần Hùng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, dẫn số liệu cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia bị thiệt hại nặng nề nhất do gian lận thanh toán số. Cụ thể, tỷ lệ thiệt hại do gian lận số tại Việt Nam là 3,6% GDP, cao hơn mức trung bình toàn cầu (1,1%) và vượt trội so với các nước như Brazil hay Thái Lan (cùng 3,2%). Trong khi đó, nhiều quốc gia phát triển chỉ ghi nhận tỷ lệ thiệt hại rất thấp như Bỉ, Ireland (0,1%), Hà Lan (0,2%).

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, để ngăn chặn tình trạng lừa đảo, gian lận này, cơ quan chức năng cần có biện pháp hạn chế SIM “rác”, tài khoản “rác” thông qua định danh, xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ngăn chặn, hạn chế giao dịch, chuyển nhận dòng tiền vi phạm pháp luật. Làm việc với Google, Facebook… kiểm soát, ngăn chặn, phối hợp cung cấp thông tin tội phạm lừa đảo qua mạng. Phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia xây dựng, cung cấp miễn phí phần mềm giúp phát hiện lừa đảo qua mạng (dự kiến ra mắt trong quý 3/2024).

Trong năm 2023, Cục ANM&PCTPSDCNC Bộ Công an đã xác minh, truy vết, phát hiện tin tặc, gián điệp mạng đã tấn công, đánh cắp, mã hóa gần 700 GB dữ liệu, hàng chục nghìn tài liệu nội bộ, 62 triệu thông tin, dữ liệu cá nhân. Cục cũng phối hợp với Công an các đơn vị địa phương khởi tố hơn 1.500 vụ án, trong đó chủ yếu là tội phạm lợi dụng TTKDTM để lừa đảo.

Điển hình, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang dẫn chứng một số vụ án xảy ra trên cả nước cũng nhằm cảnh báo về các thủ đoạn, phương thức của tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao, như với thủ đoạn lừa đảo thông qua thiết bị giả trạm thu, phát sóng BTS. Cục ANM&PCTPSDCNC đã phối hợp cùng các đơn vị địa phương, đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông triệt phá hơn 20 ổ nhóm, thu giữ nhiều bộ thiết bị BTS giả. Theo đó, các đối tượng đã phát tán trên 30 triệu tin nhắn, thu thập trái phép hàng triệu thông tin, dữ liệu cá nhân để lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Tiếp đến là vụ án vào tháng 7/2023, Cục ANM&PCTPSDCNC phối hợp Công an tỉnh Quảng Bình và các đơn vị nghiệp vụ triệt phá ổ nhóm lợi dụng không gian mạng chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lừa đảo đầu tư tài chính qua sàn RosyStyle với số tiền hơn 1.800 tỷ đồng. Trong đó, các đối tượng người Trung Quốc, Malaysia cấu kết với một số người Việt Nam tổ chức, điều hành.

Trước tình hình tội phạm đang tìm cách đối phó với yêu cầu xác thực của Ngân hàng Nhà nước, Cục ANM&PCTPSDCNC Bộ Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân cần nâng cao ý thức cảnh giác, kỹ năng để có thể tự bảo vệ bản thân. Thận trọng, tìm hiểu, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch. Không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ. Tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân. Cài đặt bảo mật 2 lớp. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân, gia đình, bạn bè trên mạng…

Theo ông Phạm Anh Tuấn, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với Bộ Công an để đảm bảo an ninh, an toàn giao dịch, TTKDTM và phòng chống tội phạm công nghệ cao… Để tăng cường bảo mật, từ ngày 1/7, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán phải xác thực sinh trắc học với giao dịch chuyển tiền trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng. Việc xác thực khuôn mặt khách hàng phải khớp với khuôn mặt được lưu trong chip của thẻ CCCD.

Bên cạnh đó, khi lần đầu thực hiện giao dịch trên ứng dụng Mobile Banking hoặc trên thiết bị mới, khách hàng đều phải xác thực bằng dấu hiệu nhận dạng sinh trắc học. Các ngân hàng cũng đang tích cực làm sạch dữ liệu khách hàng, loại bỏ các tài khoản không chính chủ để tăng cường bảo mật…

Phú Lữ

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/thanh-toan-khong-tien-mat-thach-thuc-bao-mat-va-an-toan-i735233/