Thanh toán số tăng tốc sau dịch COVID-19

Sau hai năm trải qua đại dịch thói quen thanh toán của người dân đã có sự dịch chuyển lớn; nhiều phương thức thanh toán số ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như: thẻ chip, QR Code, ví điện tử, Mobile Banking… Thanh toán số sau đại dịch COVID-19 đang có sự bứt tốc mạnh mẽ. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Sau hai năm trải qua đại dịch thói quen thanh toán của người dân đã có sự dịch chuyển lớn; nhiều phương thức thanh toán số ra đời và được người dân ưa chuộng sử dụng như: thẻ chip, QR Code, ví điện tử, Mobile Banking… Thanh toán số sau đại dịch COVID-19 đang có sự bứt tốc mạnh mẽ.

Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại cơ sở của gia đình anh Trần Văn Tiễu, xóm 2A, xã Hải Anh (Hải Hậu).

Thời gian qua, hoạt động thanh toán số từ người dân, tổ chức, nhất là giới trẻ đã tiệm cận hơn với trình độ công nghệ của thế giới. Nhiều hình thức thanh toán số đang được các ngân hàng giới thiệu, dần phổ cập như thanh toán bằng thẻ chip phi tiếp xúc (contactless), thanh toán trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại điểm bán hàng qua mã QR, thanh toán trực tuyến cho dịch vụ số, thương mại điện tử, ứng dụng Mobile Banking,… kết hợp với các giải pháp, dịch vụ hỗ trợ như xác thực sinh trắc học bảo mật, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), định danh điện tử (eKYC) an toàn, thuận tiện. Về phía cơ quan quản lý Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tập trung triển khai một số giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), đặc biệt là việc hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách.

Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28-10-2021 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu bốn mục tiêu chủ yếu: tạo sự chuyển biến về TTKDTM với mức tăng trưởng cao; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu Cách mạng Công nghiệp 4.0 để đổi mới và phát triển hạ tầng thanh toán; đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật hoạt động TTKDTM; phấn đấu đạt một số mục tiêu tăng trưởng sử dụng phương tiện, dịch vụ TTKDTM… Bên cạnh đó, NHNN Việt Nam đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng tới mục tiêu phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ. Đồng thời, NHNN đã chỉ đạo nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử, hệ thống thanh toán của các ngân hàng đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác, mở rộng hệ sinh thái thanh toán số để phục vụ thanh toán trực tuyến. Tính đến hết 31-3-2022, toàn tỉnh hiện có 215 máy ATM, 412 máy POS với 1.124.788 thẻ ATM đã được phát hành. Tổng số lượt giao dịch qua máy POS là 35.515 lượt, tổng giá trị giao dịch qua máy ATM là 8.946 tỷ đồng. Đặc biệt, lĩnh vực thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cũng tích cực được đẩy mạnh. Nhiều nhóm dịch vụ công đến nay đã được triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử đem lại sự thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho người dân. Có thể kể đến như các dịch vụ thu hộ: thuế, điện, nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm; ngoài ra, các dịch vụ thanh toán qua QR Code, tài khoản ngân hàng trên nền tảng internet của người dân cũng tăng mạnh đột biến từ 30 đến 150%. Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Chi nhánh tỉnh Nam Định, hơn 30% số lượng giao dịch truyền thống tại quầy đã chuyển sang các hình thức giao dịch trực tuyến. Hơn 90% giao dịch của Ngân hàng hiện tại đều thực hiện trực tuyến. Tỷ lệ khách hàng mới đăng ký thông qua kênh ngân hàng số cũng chiếm tới 83% tổng các kênh. Bên cạnh đó, hơn 80% dịch vụ chăm sóc khách hàng đã được VPBank Chi nhánh tỉnh Nam Định giải quyết và cung cấp qua kênh tổng đài và các kênh trực tuyến khác. Ngoài ra, 100% sản phẩm và dịch vụ của VPBank Chi nhánh tỉnh Nam Định đều có thể được cung ứng qua các kênh số hóa để trải nghiệm khách hàng tốt hơn. Đối với khách hàng cá nhân hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc mở tài khoản trực tuyến qua các app ngân hàng như VPBank NEO và VPBank NEOBiz đã trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều nhờ phương thức eKYC. Khách hàng cũng hoàn toàn có thể mở thẻ tín dụng hoặc đăng ký vay tín chấp và được giải ngân hoàn toàn qua app với thời gian chỉ vài phút, thay vì phải đến các phòng giao dịch truyền thống như trước đây. Không chỉ vậy, đoán biết được mong muốn sử dụng dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi và mọi thiết bị, VPBank đã phát triển ứng dụng VPBank NEO trở thành một hệ sinh thái dễ dàng kết nối với các đối tác. Khả năng này giúp khách hàng có thể mua sắm, chi tiêu và đầu tư tài chính ngay trên ứng dụng của VPBank. Hầu hết các ngân hàng khác cũng từng bước “dịch chuyển” dần giao dịch sang các kênh trực tuyến, hạn chế mở rộng các phòng giao dịch và điểm ATM, POS. Anh Nguyễn Trường Giang, chủ kiot kinh doanh tại chợ Rồng (thành phố Nam Định) cho biết: “Hiện tại, mọi giao dịch thanh toán mua bán, nhập xuất hàng của cửa hàng đều được thực hiện trên Mobile Banking của VPBank Chi nhánh tỉnh Nam Định. Tôi thấy rất tiện lợi bởi ít phải sử dụng tiền mặt, giao dịch nhanh chóng, thuận tiện, chính xác, mọi lúc, mọi nơi, hạn chế nhiều nguy cơ rủi ro dịch bệnh, tiền giả”…

Theo Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, ngành Ngân hàng phấn đấu đạt được một số mục tiêu đến năm 2025 như: Từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, TTKDTM trong thương mại điện tử đạt 50%; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm, qua kênh internet đạt 35-40%/năm, tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện TTKDTM qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%… Để hiện thực hóa mục tiêu đó, ngành Ngân hàng tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách; nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác; phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong chính phủ, dịch vụ hành chính công; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong hoạt động thanh toán; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong TTKDTM; tăng cường cơ chế phối hợp TTKDTM với các sở, ban, ngành liên quan./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5085/202205/thanh-toan-so-tang-toc-sau-dich-covid-19-2550919/