Thanh tra báo trước sẽ đề cao được tính minh bạch, giúp đối tượng thanh tra tuân thủ luật pháp tốt hơn
Thảo luận về nội dung có nên thông báo trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra cho đối tượng được thanh tra trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), có ý kiến cho rằng nếu thanh tra mà báo trước, doanh nghiệp sẽ lấy 'vở sạch chữ đẹp' ra đón tiếp.
Nêu thực tế vấn đề thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp luôn là chủ đề nóng trong các đối thoại với cơ quan chính quyền, đại biểu Phan Đức Hiếu - đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá đầy đủ về tình hình thanh, kiểm tra doanh nghiệp; từ đó làm cơ sở cho hoàn thiện quy định trong luật về thanh tra chuyên ngành, thanh tra doanh nghiệp.
Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình: “Phải thiết kế trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Rõ ràng điều này rất quan trọng để giảm thiểu được số lượng thanh tra không cần thiết. Thứ ba là phải đề cao tính minh bạch và tính được báo trước. Bởi vì tính được báo trước trong hoạt động thanh tra theo tôi có tác dụng rất lớn, nếu trước khi chúng ta đi thanh tra mà báo trước mục tiêu thanh tra, phạm vi thanh tra, nội dung thanh tra, vô hình trung chính những việc như vậy giúp cho các đối tượng thanh tra tuân thủ luật pháp tốt hơn trước khi chúng ta đến thanh tra”.
Từ thực tế công tác trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm ở TP.Hồ Chí Minh, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chưa đồng tình với quan điểm của đại biểu Phan Đức Hiếu, đồng thời cho rằng trong thanh tra phải vừa theo kế hoạch vừa phải đột xuất.
Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: “Tại sao tất cả những báo cáo của thanh tra tỷ lệ phát hiện vi phạm rất thấp? Chính là vì cách thanh tra theo kế hoạch. Khi thanh tra theo kế hoạch lại còn báo trước nữa, người ta sẽ chuẩn bị hết vở sạch chữ đẹp để đón tiếp đoàn thanh tra và tôi nói thẳng với đội ngũ thanh tra của chúng tôi, đó là chúng ta phải phát huy tất cả những mặt mạnh, đặc biệt là trong phát hiện sai phạm thông tin từ quần chúng, đặc biệt là từ báo chí và khi làm thì phải bất ngờ, như vậy mới thực sự nắm được trên thực tế ra làm sao”.
Để khắc phục hiện tượng tiêu cực trong công tác thanh tra đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần phải có cơ chế giám sát của cơ quan chức năng, của thủ trưởng, có luân chuyển, có những đào tạo, bồi dưỡng và phải có những răn đe trong những trường hợp sai phạm thì bị xử lý.
Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam