Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm về quy hoạch đất đai tại TP.Cần Thơ
Thanh tra Chính phủ vừa công khai Kết luận thanh tra về việc thanh tra công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai tại TP Cần Thơ (giai đoạn 2015 - 2022).
Theo Thanh tra Chính phủ, trong thời kỳ thanh tra, UBND TP Cần Thơ, các sở, ngành và địa phương đã quan tâm đến công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng, góp phần quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ.
Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm. Cụ thể, việc chỉ đạo triển khai công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng tại TP Cần Thơ có thực hiện, nhưng chưa kịp thời và thiếu kiểm tra, đôn đốc. Hệ quả là một số nhiệm vụ thực hiện chậm trễ so với yêu cầu, như: Hệ thống quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đến năm 2015 mới phê duyệt; các quy hoạch phân khu đến năm 2020, 2021 mới phê duyệt. Đến năm 2023, UBND thành phố mới ban hành Quy chế quản lý kiến trúc đô thị, vi phạm Luật Quy hoạch đô thị.
Có 3 khu vực chưa lập quy hoạch phân khu theo định hướng của Quy hoạch chung (Khu đô thị-công nghiệp Trà Nóc; Khu đô thị sinh thái Phong Điền, Khu đô thị mới Ô Môn).

Thanh tra Chính phủ chỉ ra hàng loạt sai phạm về quy hoạch, đầu tư xây dựng, đất đai tại Cần Thơ.
Công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chung thị trấn đều chậm, không đảm bảo về thời gian thực hiện theo quy định, vi phạm Nghị định 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những sai phạm trong việc chấp hành pháp luật trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo thẩm quyền. Đó là vi phạm trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch: Có 5/9 đồ án quy hoạch chi tiết được thanh tra thiếu thành phần hồ sơ; không có hồ sơ thẩm định PCCC; 1/9 đồ án thiếu thủ tục lấy ý kiến cộng đồng dân cư nơi lập quy hoạch…
Vi phạm về nội dung quy hoạch, như: Quy hoạch phân khu không đúng định hướng phát triển không gian, phạm vi lập quy hoạch; Phê duyệt quy hoạch chi tiết không phù hợp với quy hoạch phân khu và Quy hoạch chung, vi phạm nguyên tắc tuân thủ về quy hoạch xây dựng…
Trong kỳ có 98 quyết định phê duyệt quy hoạch các loại thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, do Chủ tịch, hoặc các Phó chủ tịch UBND ký, nhưng không có tài liệu chứng minh được thông qua tập thể UBND thành phố.
Về công tác quản lý đầu tư xây dựng, Thanh tra Chính phủ phát hiện một số tồn tại, vi phạm như: Công tác cụ thể hóa chính sách, pháp luật còn chậm, thậm chí có nội dung đến thời điểm thanh tra chưa được UBND TP Cần Thơ ban hành, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Công tác quản lý nhà nước về định mức xây dựng, đơn giá vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố chưa tốt, vi phạm Nghị định 32/2015/NĐ-CP, Nghị định 68/2019/NĐ-CP, Nghị định 10/2021/NĐ-CP và Thông tư của Bộ Xây dựng... Từ đó, dẫn đến khó khăn trong việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng đối với dự án đầu tư.
Công tác xây dựng, ban hành và giao kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố Cần Thơ và một số quận, huyện không đúng thời gian quy định tại Luật Đầu tư công…
Cá biệt, việc ban hành kế hoạch đầu tư công hàng năm (kể cả điều chỉnh, bổ sung) của thành phố Cần Thơ và 5 quận, huyện được thanh tra (Ninh Kiều, Cái Răng, Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Thới Lai) đều không thông qua thành viên UBND, vi phạm quy định về nguyên tắc tổ chức, hoạt động và thẩm quyền của UBND thành phố, UBND cấp huyện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và không đúng thẩm quyền theo quy định tại Luật đầu tư công…
Ngoài ra, nhiều dự án được UBND TP Cần Thơ giao cho UBND cấp huyện làm chủ đầu tư là chưa phù hợp với quy định về hình thức tổ chức quản lý dự án theo quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu của thành phố Cần Thơ và các đơn vị hành chính cấp huyện chưa kịp thời, chậm so với quy định tại Luật Đất đai 2003; Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) thành phố Cần Thơ, đến thời điểm thanh tra chưa được thẩm định, phê duyệt theo quy định.
Thanh tra Chính phủ cũng phát hiện ra những sai phạm trong việc lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011-2015 tại các quận, huyện, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) cho cấp phường, xã. Việc lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối của TP Cần Thơ chưa phù hợp với đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Việc Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp 2.051 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 23 tổ chức kinh tế để thực hiện 26 dự án với thời hạn sử dụng đất lâu dài, vi phạm Luật Đất đai năm 2013; cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu chi tiết từng lô đất nhỏ theo bản vẽ quy hoạch khi dự án chưa hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy định, vi phạm quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.
Đến thời điểm thanh tra, Thanh tra Chính phủ phát hiện Trung tâm xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Thốt Nốt chưa được UBND TP Cần Thơ cho thuê đất, chưa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thốt Nốt (giai đoạn 3) nhưng đã ký hợp đồng cho thuê lại đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê với diện tích 7,01ha (Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam ký 2 hợp đồng năm 2010, năm 2014 với diện tích 4,45ha và Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Hải ký hợp đồng năm 2016 với diện tích 2,56ha) là vi phạm Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013. Mặt khác, đơn giá tại 3/4 hợp đồng cho thuê lại đất nêu trên chưa được UBND thành phố, Sở Tài chính phê duyệt, vi phạm quy định của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những sai phạm, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất công, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất tại Dự án Khu tái định cư quận Ninh Kiều tại phường An Bình, quận Ninh Kiều…
Theo Thanh tra Chính phủ, những vi phạm trên, nếu không được kịp thời phát hiện có nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước số tiền 213.484 triệu đồng.
Trách nhiệm đối với các tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ được phân công phụ trách, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể thành phố, Giám đốc các Sở, ngành (Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT), Cục trưởng Cục thuế, Trưởng ban quản lý KCX và KCN thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ (Nông trường Cờ Đỏ), Giám đốc Nông trường Sông Hậu, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các bộ phận có liên quan.