Thanh tra Chính phủ đề xuất bỏ thanh tra huyện, thanh tra sở, thanh tra tổng cục
Thanh tra Chính phủ vừa có Tờ trình Chính phủ về dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi. Trong đó, Thanh tra Chính phủ đề xuất bỏ thanh tra huyện, thanh tra sở, thanh tra tổng cục.
Thanh tra Chính phủ cho biết, Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi kế thừa và đổi mới trong quá trình sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương; khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lắp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra hiện nay.

Ảnh minh họa
Tại dự thảo sửa đổi, Thanh tra Chính phủ đề xuất hoàn thiện quy định về các cơ quan thanh tra, cụ thể tại Điều 8 của dự thảo Luật quy định gồm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan thanh tra trong Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Cơ yếu; Cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Thanh tra Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Thanh tra Cục Hàng hải Việt Nam; Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam; Thanh tra Ủy ban Chứng khoán nhà nước). Như vậy, ở bản dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi này đã bỏ thanh tra huyện, thanh tra sở, thanh tra tổng cục hoặc cục thuộc bộ.
Ngoài ra, dự thảo Luật hoàn thiện một số quy định cho phù hợp với thực tiễn như: Căn cứ ban hành quyết định thanh tra, gửi quyết định thanh tra, công bố quyết định thanh tra, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, nhiệm vụ, quyền của người tiến hành thanh tra, quyền và nghĩa vụ đối tượng thanh tra…
Theo Thanh tra Chính phủ, việc lược bỏ 52 điều của Luật Thanh tra năm 2022, góp phần cắt giảm trên 40% các thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra, như: Cắt giảm các thủ tục do 12 Thanh tra Bộ, 5 Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, Thanh tra Bảo hiểm xã hội Việt Nam, 696 Thanh tra huyện, 1.001 Thanh tra sở và 53 cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thực hiện. Bên cạnh đó, giảm bớt một số thủ tục hành chính trong hoạt động thanh tra như trong ban hành kế hoạch thanh tra, điều chỉnh kế hoạch thanh tra; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra…
Về phân cấp, phân quyền, dự thảo Luật nêu rõ, phân cấp cho Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh chủ động trong việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước tại doanh nghiệp sau khi báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp... Phân cấp cho Chánh Thanh tra tỉnh ban hành kế hoạch thanh tra sau khi Chủ UBND tỉnh đồng ý về chủ trương.
Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng kinh phí trích cho cơ quan thanh tra và chế độ đối với người làm việc trong cơ quan thanh tra; trang phục, chế độ cấp trang phục thanh tra cho Thanh tra viên.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ ban hành quy định về hoạt động kiểm tra trong ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của mình trong trường hợp chưa được Luật chuyên ngành và Chính phủ quy định.
Đáng chú ý, tại dự thảo Luật, Thanh tra Chính phủ cũng đề xuất lược bỏ hoàn toàn các quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra huyện, Thanh tra sở, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành, tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ…
Sửa đổi, hoàn thiện khái niệm “thanh tra” theo hướng không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành mà chỉ là thanh tra; phân định rõ hoạt động thanh tra với kiểm tra chuyên ngành về chủ thể, phạm vi, đối tượng, quy trình, trình tự, thủ tục.