Thanh tra - hoạt động không thể thiếu trong quản lý nhà nước

Điểm đ, Khoản 1, Điều 23 Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quy định: Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra'; và Khoản 3, Điều 26 Dự thảo quy định: '3. Ở những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật'.

Như vậy, theo quy định trên: ở những sở không thành lập cơ quan thanh tra thì đồng nghĩa những sở đó sẽ không có chức năng thanh tra; chức năng thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra sẽ thuộc về Thanh tra tỉnh.

Tuy nhiên, thanh tra là nội dung không thể thiếu của quản lý nhà nước, là giai đoạn cuối cùng trong chu trình quản lý, có vai trò kiểm định, đánh giá hiệu quả của quản lý nhà nước. Qua thanh tra để có các kiến nghị khắc phục những sơ hở, yếu kém, đề xuất những biện pháp đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý, sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn. Chính vì vậy, trong hoạt động quản lý nhà nước phải có thanh tra và thanh tra phải phục vụ cho yêu cầu quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, nếu giao chức năng thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra cho Thanh tra tỉnh thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề có liên quan cần phải giải quyết như: phải bổ sung chức năng, nhiệm vụ và tăng thêm tổ chức, biên chế bên trong Thanh tra tỉnh. Do Thanh tra tỉnh không thực hiện chức năng quản lý nên trong quá trình thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra hiệu quả sẽ không cao; việc trưng tập công chức, viên chức có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ tham gia đoàn thanh tra sẽ rất khó khăn. Đồng thời, theo quy định, Thanh tra tỉnh không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính như chức vụ Chánh Thanh tra và Thanh tra viên của Thanh tra sở hoặc Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành (do Giám đốc sở thành lập);...

Như vậy, cần bổ sung Khoản 3, Điều 26 Dự thảo như sau: "3. Ở những sở không thành lập cơ quan thanh tra, Giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật". Bên cạnh đó, đề nghị xem xét bỏ Điểm đ, Khoản 1, Điều 23 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh về thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của các sở không thành lập cơ quan thanh tra ra khỏi dự thảo Luật.

Nếu ở những sở không thành lập cơ quan thanh tra và nhiệm vụ thanh tra giao cho đơn vị khác thuộc sở thì theo quy định, Giám đốc sở vẫn có thẩm quyền thành lập đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch hoặc tiến hành thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo yêu cầu quản lý nhà nước. Đặc biệt, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành do giám đốc sở thành lập vẫn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Việc này sẽ đáp ứng và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của những sở không thành lập tổ chức thanh tra.

Đỗ Văn Nhân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phap-luat-va-doi-song/thanh-tra---hoat-dong-khong-the-thieu-trong-quan-ly-nha-nuoc-i301599/