Thanh tra kiểm tra giúp xử lý những hạn chế trong vay vốn nước ngoài

Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 đã thay đổi cơ bản về chính sách quản lý nợ công. Để nâng cao chất lượng quản lý, giám sát nợ công, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính phối hợp với Thanh tra Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo 'Nâng cao chất lượng quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra nợ công năm 2024'.

Lên kế hoạch tăng cường giám sát quản lý nợ công

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Quy chế phối hợp về quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực nợ công được ban hành năm 2017 của Bộ Tài chính, Thanh tra Bộ Tài chính, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại xác định công tác phối hợp giám sát, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý nợ công là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu.

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HP

Ông Trần Huy Trường - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: HP

Ông Trần Huy Trường cho biết, nhiều năm qua, hai đơn vị đã tích cực, chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát lĩnh vực quản lý nợ công. Nhờ đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với việc sử dụng nợ công đã được tăng cường, duy trì hàng năm, từng bước được nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng.

Các kiến nghị qua công tác thanh tra đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng và trả nợ vay nước ngoài của các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ dự án, chủ đầu tư đã được thanh tra, kiểm tra.

Thông tin về một số kết quả nổi bật về công tác phối hợp giám sát, thanh tra, kiểm tratrong lĩnh vực nợ công, ông Nguyễn Văn Thiệu - Phó Chánh Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, đến nay, sau 7 năm thực hiện Quy chế phối hợp, chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực quản lý nợ công ngày càng được nâng cao.

Bước đầu đã phát hiện và xử lý kịp thời các hạn chế, tồn tại trong quản lý, sử dụng nguồn vay nợ nước ngoài đồng thời có nhiều đề xuất hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách để chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, vay nợ Chính phủ bảo lãnh.

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đánh giá cao sự phối hợp trong giám sát, thanh kiểm tra quản lý nợ công. Ảnh: HP

Ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đánh giá cao sự phối hợp trong giám sát, thanh kiểm tra quản lý nợ công. Ảnh: HP

Đặc biệt ông Thiệu cho biết, thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra các chương trình, dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nước ngoài, vốn vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đã được Thanh tra Bộ chủ động cung cấp ngay sau khi ban hành kết luận thanh tra, kịp thời phục vụ cho công tác quản lý, giám sát của Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại.

Các kiến nghị qua công tác thanh tra đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng và trả nợ vay nước ngoài của các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ dự án, chủ đầu tư đã được thanh tra, kiểm tra.

Góp phần quản chặt nợ công, sử dụng hiệu quả vốn vay

Tham luận tại hội thảo, TS. Hà Thị Đoan Trang, Khoa Tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng, việc quản lý nợ công ngày càng có xu hướng chặt chẽ thể hiện ở việc sử dụng hiệu quả các khoản vay, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác điều hành đã tiếp tục tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; thực hiện nguyên tắc đánh giá tác động nợ công của các khoản vay mới, không sử dụng vốn vay cho mục đích và dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế - xã hội thấp hoặc không rõ ràng. Bên cạnh đó, các khoản vay mới nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài tập trung các lĩnh vực chủ chốt như: giao thông, thích ứng biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục…

Toàn cảnh cuộc hội thảo. Ảnh: HP

Toàn cảnh cuộc hội thảo. Ảnh: HP

Phân tích các vấn đề về chi phí vốn vay, phạm vi nợ công và trần nợ công, tình hình giải ngân, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, năng lực quản lý nợ của chính quyền địa phương, TS. Hà Thị Đoan Trang cho biết, nợ công tăng thêm nguồn lực để thực hiện mục tiêu thúc đẩy sự phát kinh tế - xã hội của quốc gia sớm hơn, nhanh hơn, hiệu quả và bền vững hơn nếu được quản lý tốt.

Ngược lại, nếu không được quản lý tốt thì nợ công có thể gây ra những rủi ro về gánh nặng nợ trong tương lai, khủng hoảng tài chính, tác động tiêu cực đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô và sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của quốc gia.

Đại diện Học viện Tài chính cũng nêu quan điểm, quản lý vay nợ, nợ công là bộ phận cấu thành của quản lý tài chính công. Do vậy, hiệu quả hoạt động quản lý nợ công cũng cần được nhìn nhận gắn với các mục tiêu quản lý tài chính công: kỷ luật tài khóa; hiệu quả phân bổ; hiệu quả hoạt động…

Kết luận hội thảo, ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đánh giá cao sự tích cực, sôi nổi thảo luận, tham luận của các đại biểu tham dự, sự phối hợp tích cực của Thanh tra Bộ Tài chính, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại và các đơn vị liên quan trong thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra quản lý nợ công đồng thời bày tỏ tin tưởng vào sự phối hợp này trong thời gian tới.

Ông Trương Hùng Long cho biết thêm, nợ công của Việt Nam có đặc điểm mang tính lịch sử và mang tính thời điểm, khác với nhiều nước khác. Cơ chế quản lý và cách tiếp cận nợ của Việt Nam có điểm khác với các nước, trong đó, cơ quan quản lý nợ tại Việt Nam ngoài việc huy động vốn, tạo danh mục, cấu trúc nợ hợp lý, còn phải chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn vay./.

Việt Nam đang vươn tới những thông lệ tốt về quản lý nợ

Theo ông Trương Hùng Long, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng, trong đó đang vươn tới những thông lệ tốt về quản lý nợ. Nhiều thông lệ tốt về nợ công đã được đưa vào Luật Quản lý nợ công như công cụ quản lý nợ trung hạn, biện pháp đề phòng rủi ro,… song còn nhiều điểm phải nghiên cứu.

Do đó, các đơn vị có liên quan đến vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ, đồng hành cùng nhau để công tác này ngày càng có hiệu quả.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thanh-tra-kiem-tra-giup-xu-ly-nhung-han-che-trong-vay-von-nuoc-ngoai-155343.html