Thanh tra Ngân hàng Nhà nước phải 'để mắt' những ngân hàng cho vay lãi suất cao vượt trội
Dù đa phần các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất huy động, qua đó kéo giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn có một số nhà băng lãi suất cho vay cao vượt trội.
Lãi suất giảm nữa, nhiều doanh nghiệp vẫn không vay
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Trong đó, lãi suất cho vay mới đã giảm 0,6% so với với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.
Dù vậy, tín dụng vẫn tăng rất chậm. Tính đến ngày 20/4/2023, quy mô tín dụng đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo lý giải của các ngân hàng, chủ yếu do sức hấp thụ vốn của các doanh nghiệp thời điểm này rất thấp, do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này giảm ở hầu hết các khu vực so với đầu năm (chỉ có Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ tăng).
Nguyên nhân giảm không phải do chính sách mà do sức hấp thụ của nền kinh tế, và một phần do khách hàng của Agribank chủ yếu là khu vực nông thôn nên có tính mùa vụ. Agribank cho biết, đã tổ chức hội nghị tín dụng và đưa ra các giải pháp tín dụng để hỗ trợ khách hàng; đồng thời cũng tích cực tham gia các chương trình tín dụng như: triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho bất động sản, thực hiện cơ cấu nợ...
Phía BIDV, ông Lê Ngọc Lâm Tổng giám đốc cho biết tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng hiện đạt trên 5%. Sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế giảm, đơn hàng xuất khẩu giảm, khách hàng cá nhân (vay kinh doanh và tiêu dùng), vay vốn mua nhà cũng giảm sút.
Với gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, BIDV đang tích cực triển khai. Tuy nhiên, đang chờ phía Bộ Xây dựng công bố danh mục dự án để triển khai cho vay.
“Thời gian qua các thủ tục pháp lý đặc biệt liên quan đến bất động sản tương đối chậm, do đó cần thời gian để triển khai. Hiện tại các ngân hàng rất muốn cho vay nhưng các dự án đều vướng mắc, dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm như thời gian qua” – ông Lâm nói.
Ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc Techcombank cũng cho biết, hiện nay bản thân các doanh nghiệp tương đối thận trọng vay vốn, doanh nghiệp không có đơn hàng mới, không có dự án bất động sản mới, không mở rộng đầu tư mới.... dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm lại.
“Quý I, Techcombank tăng trưởng tín dụng gần 8%, tuy nhiên, dự báo quý II sẽ chậm lại. Ngay từ đầu năm, Techcombank đã thực hiện theo định hướng của NHNN, lãi suất huy động đã giảm 3% để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay” – lãnh đạo Techcombank cho hay.
Cùng nhận định, ông Nguyễn Quốc Hùng- Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng khẳng định: “Hiện nay, các ngân hàng không thiếu vốn, room tín dụng không vướng, việc tiếp cận vốn từ TCTD là không khó. Tuy nhiên, với sức hấp thụ vốn thấp như hiện nay, dù lãi suất có thấp nữa thì một số nhiều doanh nghiệp cũng không vay”.
Vẫn có ngân hàng lãi suất cao vượt trội
Dù vậy, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước vẫn chỉ ra nhiều ngân hàng còn cho vay với lãi suất cao vượt trội. Tại Hội nghị về công tác tín dụng ngày 25/4 vừa qua, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, hiện nay, trong khi mặt bằng lãi suất chung đang ở mức 9-10% thì có những ngân hàng để lãi suất cho vay “vống” lên 14%.
Không chỉ việc không hạ lãi suất cho vay về mặt bằng chung, Phó thống đốc còn thấy khó hiểu khi một số ngân hàng huy động thấp mà lại cho vay cao, nới mức chênh lệch lên lớn hơn nhiều thông thường. Có nơi đã giảm lãi suất huy động bình quân từ đầu năm nhưng lại tăng lãi suất cho vay.
Lãnh đạo NHNN đã yêu cầu các ngân hàng giải thích về tình trạng này.
Lãnh đạo một ngân hàng đang yết lãi suất cho vay cao giải thích nguồn tiền huy động chủ yếu từ dân cư, kỳ hạn dài nên mặt bằng đầu vào cao. Do đó, lãi suất đầu ra phải cao để đảm bảo hoạt động.
Tuy nhiên, Phó thống đốc cho rằng thông tin giải trình trên vẫn chưa lý giải được vì sao mức lãi suất cho vay cao hơn mặt bằng chung. Ông yêu cầu cơ quan thanh tra NHNN phải “để mắt” với những ngân hàng thế này và yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang - nơi ngân hàng đặt trụ sở báo cáo về thực trạng và lý do lãi suất ngân hàng này cao trội lên so với mặt bằng chung.
Trong khi đó, một ngân hàng khác cho biết do từ tính chất đặc thù của phân khúc khách hàng của ngân hàng là tập trung mảng tín chấp, cho vay tiêu dùng có rủi ro cao hơn nên lãi suất cũng cao hơn.
Một nhà băng khác thì cho biết đang trong quá trình giảm lãi suất huy động, dù chậm hơn nhưng đến cuối năm sẽ kéo về mặt bằng chung của ngành.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, các ngân hàng có thẩm quyền quyết định lãi suất, cơ quan quản lý không thể can thiệp trừ khi vượt quy định. “Tuy vậy, không có nghĩa một mình một chợ. Buôn có bạn bán có phường, nhất là khi ngân hàng là ngành hoạt động kinh doanh có điều kiện, không phải muốn cho vay, huy động tùy ý” – ông nói.
Được biết, tại cuộc họp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cùng ngày, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước với thị phần tín dụng chiếm tới 50% thị phần tín dụng đã đồng thuận với chủ trương Chính phủ trong giảm lãi suất cho vay.