Thanh tra nội bộ trong trường đại học: Minh bạch với người học và xã hội
Thanh tra nội bộ giúp hoạt động các cơ sở đào tạo trở nên minh bạch hơn.
Thanh tra nội bộ cũng tăng cường khả năng tự chịu trách nhiệm và giải trình của nhà trường trước xã hội.
Tăng trách nhiệm giải trình
Tại Hội thảo khoa học “Thanh tra nội bộ tại các cơ sở giáo dục đại học công lập trong bối cảnh tự chủ đại học”, do Trường Đại học Luật TPHCM phối hợp với Thanh tra Bộ GD&ĐT tổ chức sáng 30/11, ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT nhận định, tự chủ giáo dục đại học là xu hướng tất yếu, đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi các trường đại học công lập phải có bước chuyển mình toàn diện ở các khía cạnh tự chủ tổ chức, nhân sự, tài chính và học thuật.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật này có những quy định nhằm xác lập rõ ràng điều kiện để thực hiện quyền tự chủ tại các cơ sở giáo dục đại học cũng như các nội dung của quyền tự chủ.
Khi các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ, công tác thanh tra nội bộ càng quan trọng. Đây là khâu thiết yếu, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý của hiệu trưởng, góp phần bảo đảm trách nhiệm giải trình trước xã hội về hoạt động của nhà trường.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng, thanh tra nội bộ cũng có cơ sở pháp lý rõ ràng khi Luật Thanh tra 2022 có hiệu lực từ 1/7/2023 và Nghị định số 43/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã chính thức hóa hoạt động thanh tra nội bộ trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo ông Tùng, thực hiện thanh tra nội bộ là đáp ứng yêu cầu đổi mới, tự chủ giáo dục đại học. Bởi đi đôi với trao quyền tự chủ, phân cấp trách nhiệm cho cơ sở giáo dục đại học là việc tự thanh tra, kiểm tra của chính cơ sở và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp.
Còn ThS Võ Tấn Đào - giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM phân tích, thời gian qua, việc thực hiện quyền tự chủ đại học mang lại nhiều kết quả khả quan, đáng ghi nhận. Nhiều cơ hội để các cơ sở giáo dục đại học không ngừng đổi mới, nâng cao, cải tiến chất lượng được mở ra.
“Nhưng điều đó kéo theo những hệ lụy tiêu cực, nguy cơ sai phạm và sai phạm vẫn diễn ra tại cơ sở giáo dục đại học không chỉ trong các trụ cột về quyền tự quyết của tự chủ đại học, mà còn nhiều vấn đề khác về bộ máy, nhân sự, liêm chính học thuật cũng như việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn”, ThS Võ Tấn Đào nhìn nhận. Từ đó, nội tại cơ sở giáo dục đại học phải có thiết chế đủ mạnh để kiểm soát, giảm thiểu các nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra trong việc tự chủ cũng như thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn - đó chính là hoạt động thanh tra nội bộ.
Gỡ vướng mắc, nâng chất lượng nhân sự
Nhiều chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động thanh tra nội bộ tại các cơ sở đào tạo còn nhiều hạn chế, chưa mang lại hiệu quả thiết thực. ThS, nghiên cứu sinh Nguyễn Tú Anh - Phó Trưởng phòng Thanh tra, giảng viên Khoa Luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật TPHCM nhận định, trong thời gian dài, nhận thức vai trò, vị trí của tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ mờ nhạt. Mặc dù, trong một số lĩnh vực chuyên ngành, tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ đã tồn tại trước đó từ rất lâu như y tế, xây dựng, đặc biệt là giáo dục và đào tạo.
Báo cáo từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM là minh chứng cho nhận định này. Theo đó, nhận thức của cán bộ, giảng viên với hoạt động thanh tra nội bộ còn hạn chế. Nhiều người, đặc biệt lãnh đạo các đơn vị, khi tiếp nhận việc thanh tra định kỳ của đơn vị có thái độ thiếu thiện cảm và đề phòng. Họ cho rằng đoàn thanh tra đến để bới móc công việc và không cần thanh tra vẫn làm tốt theo kinh nghiệm đã có. Một số người cảm thấy như bị “soi mói”, “làm phiền”.
Ngoài ra, nhân sự cho hoạt động thanh tra nội bộ cũng hạn chế. ThS Võ Tấn Đào cũng cho rằng, khối lượng công việc đúng nghĩa của hoạt động thanh tra nội bộ rất lớn. Các đầu việc bao phủ nhiều lĩnh vực như công tác tuyển sinh, mở ngành, duy trì điều kiện mở ngành; tổ chức thi kết thúc học phần, quản lý, cấp phát văn bằng... Trong khi đó, số lượng nhân sự làm công tác thanh tra nội bộ tại cơ sở giáo dục đại học cơ bản khiêm tốn, bình quân chỉ từ 2 - 5 người.
Đại diện Trường Đại học Lao động – Xã hội (cơ sở 2) cũng nêu thực tế, với những trường chuyên sâu về pháp lý như Trường Đại học Luật TPHCM, nhân sự am hiểu luật pháp, thanh tra dồi dào. Nhưng với trường đa ngành khác, nhân sự làm thanh tra nội bộ không nhiều, thậm chí phải kiêm nhiệm. Lãnh đạo một số trường cho biết, công việc thanh tra tại các đơn vị trong nhà trường rất đa dạng và phức tạp, đặc biệt là lĩnh vực tài chính, tài sản, nhân sự. Do đó, không phải cán bộ nào cũng có khả năng bao quát nên khi thực thi nhiệm vụ dễ dẫn đến sai sót.
Để giải quyết những vướng mắc trên, ThS Võ Tấn Đào kiến nghị, Bộ GD&ĐT có thể hình thành các quy định theo hướng định hướng hoặc khuyến nghị cơ sở giáo dục đại học thành lập đơn vị thanh tra nội bộ với số lượng nhân sự tương ứng làm nguyên tắc để cơ sở giáo dục đại học bố trí số lượng người làm việc tại đơn vị thanh tra nội bộ. Việc định ra số lượng người làm việc trong tổ chức thanh tra nội bộ tại cơ sở giáo dục đại học là có cơ sở và phù hợp.
ThS, nghiên cứu sinh Nguyễn Tú Anh bổ sung, bên cạnh việc nâng cao nhận thức và tổ chức bộ máy thanh tra nội bộ, cần đảm bảo pháp lý cho tổ chức và hoạt động của thiết chế này tương xứng với vị trí của nó.
Trong 36 trường đại học, cao đẳng sư phạm trực thuộc Bộ GD&ĐT, 8 đơn vị đã thành lập Phòng thanh tra độc lập theo quy định; 16 đơn vị thành lập Phòng Thanh tra - Pháp chế, 10 đơn vị ghép chức năng thanh tra với các nhiệm vụ khác. Còn lại, một số trường cử cán bộ phụ trách thanh tra, biên chế tại các phòng chuyên môn liên quan của đơn vị.