Thanh Tú - nàng thơ trong điện ảnh sớm từ bỏ hào quang
Một trong những sự giải nghệ đáng tiếc của điện ảnh Việt Nam xưa nay là Thanh Tú. Nữ diễn viên sở hữu vẻ đẹp đậm chất xi nê và khả năng diễn xuất hiếm có. Đáng tiếc, giữa lúc sự nghiệp thăng hoa ở tuổi 22, cô âm thầm giải nghệ không một lời tuyên bố, để lại bao tiếc nuối.
Từng là gương mặt đắt show của điện ảnh
Thanh Tú (tên thật Nguyễn Thị Cẩm Tú) là con gái đầu của nghệ sĩ Kiều Trinh. Thừa hưởng năng khiếu diễn xuất từ mẹ, 16 tuổi, Tú đã chạm ngõ điện ảnh với vai chính trong phim Dịu dàng của đạo diễn Lê Văn Kiệt. Bộ phim độc lập nhỏ, đẹp này tuy không gây xôn xao phòng vé nhưng được đánh giá tích cực từ dân trong nghề và những người yêu điện ảnh.
Thủ vai một cô gái trẻ bất hạnh ôm những nỗi cô độc riêng mình, Tú ngay lập tức gây ấn tượng với nét diễn ám ảnh. Đây xứng đáng là một trong những màn diễn xuất chào sân ấn tượng nhất của điện ảnh Việt thế kỷ 21, bên cạnh mẹ cô - Kiều Trinh và Lê Thế Lữ trong phim Mùa len trâu (2004), Thạch Kim Long trong Rừng đen (2007), bé Phạm Gia Hân trong Cú và chim se sẻ (2007), Ninh Dương Lan Ngọc trong Cánh đồng bất tận (2010), Hà Việt Dũng trong Mùa hè lạnh (2012), Thùy Anh và Hoàng Hà trong Đập cánh giữa không trung (2014), Lê Công Hoàng trong Cha và con và... (2015), Hoàng Yến Chibi trong Tháng năm rực rỡ (2018), Liên Bỉnh Phát trong Song Lang (2018), Phương Anh Đào trong Nhắm mắt thấy mùa hè (2018), Lãnh Thanh và Võ Điền Gia Huy trong Thưa mẹ, con đi (2019), Avin Lu trong Sài Gòn trong cơn mưa (2020), Bùi Lan Hương trong Em và Trịnh (2022), Lê Phong Vũ trong Bên trong vỏ kén vàng (2023), Quốc Toàn trong Thành phố ngủ gật" (2023), Hà Phương và Xuân An, Lê Cao Sang trong Culi không bao giờ khóc (2024), Nam Linh và Bùi Thạc Phong trong Mưa trên cánh bướm (2024).
Sau vai diễn đầu tay gây chú ý ấy, Tú nhanh chóng được chào đón bởi cả các nhà sản xuất phim truyền hình lẫn điện ảnh, cả đạo diễn phim nghệ thuật lẫn phim thương mại.
Năm 2015, cô có vai diễn phụ nhưng đáng nhớ - một cô gái theo anh trai bán rong trên phố trong Cha và con và... (đạo diễn Phan Đăng Di), bộ phim Việt đầu tiên tranh giải Gấu vàng tại LHP Berlin, Đức.
Năm 2018 đúng là một năm của Thanh Tú, khi cô liên tiếp xuất hiện trên màn ảnh rộng. Tháng 3 là vai phản diện cực kỳ ấn tượng - cô nữ sinh cá biệt đối lập với nhóm Ngựa hoang trong bộ phim thanh xuân gây sốt Tháng năm rực rỡ (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng). Tháng 5 là vai nữ phụ - bạn gái nhân vật của Nhan Phúc Vinh trong bộ phim về đề tài bóng đá chất lượng chưa cao 11 niềm hy vọng (đạo diễn Robbie Trường).
Tháng 8 lại một vai phụ khó quên - bạn gái nhân vật của Dũng Thiên Lôi trong Song Lang (đạo diễn Leon Quang Lê), bộ phim tình cảm mượn đề tài cải lương được khen nức nở. Tháng 10 là vai diễn xuất sắc - Duyên, cô gái miền biển cô đơn, chất chứa nhiều nỗi niềm trong Người bất tử (đạo diễn Victor Vũ). Tháng 11, cô khép lại một năm sôi động và thành công với một vai phản diện khác - cô nữ sinh ham nổi tiếng trong Lời kết bạn chết chóc (đạo diễn Roland Nguyễn).
Năm 2019, Tú có thêm ba vai diễn trong các dự án đáng xem. Đó là Ròm của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy, bộ phim Việt đầu tiên đạt giải cao nhất tại LHP Busan, Hàn Quốc. Đó là Thưa mẹ con đi của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, một bộ phim nghệ thuật tinh tế và tròn trịa. Đó còn là Thiên linh cái (sau đổi thành Thất sơn tâm linh), một phim gây xôn xao khi ra mắt và đạt doanh thu khá ấn tượng gần 50 tỉ đồng.
Thế nhưng, giữa lúc đang đắt sô với phim ảnh hàng đầu và thuộc diện gương mặt triển vọng nhất nhì thế hệ, từ năm 2020 không còn thấy Tú trên màn ảnh nữa. Cô cũng hoàn toàn kín tiếng trên truyền thông và mạng xã hội.
Theo chia sẻ của diễn viên Kiều Trinh - mẹ Tú, thì hiện tại cô đã tốt nghiệp Khoa Thiết kế đồ họa, Trường đại học Hoa Sen và đang làm đúng công việc chuyên môn yêu thích tại công ty của gia đình bạn trai.
Nàng thơ phim nghệ thuật
Trước khi giải nghệ một cách âm thầm, Tú là gương mặt sáng giá nhất trong lứa diễn viên cùng thời.
Trong tình hình điện ảnh nước nhà phát triển thiên về thương mại mà Tú vẫn có không ít cơ hội làm phim nghệ thuật. Kể từ Hồng Ánh cách đây 20 - 25 năm, đến lúc đó mới có một diễn viên trẻ liên tiếp là “nàng thơ” của các dự án điện ảnh nghệ thuật như thế.
Rất ít người biết, Tú đã được phát hiện trước cả Dịu dàng. Đó là khi cô được đạo diễn Phan Đăng Di chọn vào bộ phim thứ 2 của anh Cha và con và..., bộ phim Việt đầu tiên tranh giải Gấu vàng tại LHP Berlin năm 2015.
“Tôi còn nhớ buổi quay thử là vào mùa hè năm 2012, Tú vừa đi học về, mặc nguyên đồng phục trắng của học sinh đến thử vai, em chưa lớn hẳn nhưng khuôn mặt với những đường lượn tinh tế thật đẹp khi lên hình. Hai năm sau khi phim chính thức quay, Tú đang ở ngưỡng giữa bé gái và thiếu nữ, nét thơ trinh và dịu dàng của Tú lúc đó hợp một cách hoàn hảo cho nhân vật em thủ vai, cô bé bán vé số dạo nhưng đồng thời là “đại diện" cho phần dịu dàng nhất, đẹp nhất của gương mặt tình yêu trong phim” - đạo diễn Phan Dang Di kể lại.
Theo Phan Đăng Di, Cha và con và... nói về các diện mạo của tình yêu, khởi nguồn từ dịu dàng e ấp, chớm nở, thanh thuần đẹp đẽ, đến say sưa, kích động buông thả tự bôi bẩn, thương tật, nhại tiếng... mỗi nhân vật trong phim ngoài là nhân vật còn phải là một gương mặt nào đó của yêu. “Thật may cho tôi đã tìm được Tú để đại diện cho phần e lệ dịu dàng nhất của yêu, một kiểu "diện mạo" mà chắc tôi khó tìm được ai có thể chuyển tải tuyệt vời hơn Tú ở thời điểm đó”.
Trong Song Lang (2018) gây sốt trong giới chuyên môn và những người yêu điện ảnh của đạo diễn Leon Quang Le, Tú thủ diễn một vai phụ không quá nổi bật nhưng khó quên - một cô gái yêu ở Sài Gòn thập niên 1980 mà tôi thấy thấp thoáng hình ảnh Trương Mạn Ngọc trong những bộ phim tình ở thập niên 80 - 90 của Hồng Kông.
Đạo diễn Leon rất tâm đắc với sự lựa chọn của mình - “Tú rất thông minh, chuyên nghiệp và dễ nắm bắt nên làm việc với em, tôi rất hài lòng”. Leon Lê cho hay, trước khi chọn Tú vào Song Lang, anh đã xem hai phim Dịu dàng và Cha và con và... rất thích lối diễn tự nhiên không điệu đà, lối thoại đời của cô: chân thật chứ không bị sân khấu hoặc giọng "đẹp" như đa số các diễn viên đã từng được đào tạo qua các trường lớp diễn xuất.
“Tú có nhiều lợi thế về ngoại hình. Cái đẹp của cô ấy rất điện ảnh, không đại chúng. Và quan trọng là cái đẹp ấy có chiều sâu về nội tâm, sự từng trải của một người phụ nữ mặc dù Tú chỉ còn rất trẻ. Cộng thêm lối diễn xuất chân phương, bản năng, và chưa bị dính thói hư tật xấu về diễn xuất của một diễn viên trẻ tham gia quá nhiều phim. Tôi tin rằng chính những điều này giúp Tú luôn nổi bật ra trong các vai diễn của mình, dù cho đó chỉ là một vai phụ. Tôi hy vọng rằng tương lai Tú sẽ có những vai diễn đắt giá hơn để cô có cơ hội khai thác hết những tiềm năng của mình. Riêng tôi chắc chắn sẽ là một trong những người tạo cho Tú cơ hội đó” - anh chia sẻ cách đây 5 năm.
Trong Ròm của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy - bộ phim nghệ thuật đạt doanh thu cao nhất xưa nay với 64 tỉ đồng, Tú thủ vai một cô vợ trẻ tuổi, thất nghiệp và nghiện chơi đề - một vai diễn rất đời.
Trần Dũng Thanh Huy cũng hết lời khen ngợi “nàng thơ” trong phim của mình. Dù trong Ròm (quay năm 2016, ra mắt năm 2019 tại LHP Busan và công chiếu ở Việt Nam năm 2020), Tú chỉ đóng vai phụ nhưng cho thấy sự sáng tạo rất cao. So sánh với các diễn viên nữ cùng thế hệ, Huy xếp Tú đứng riêng hoàn toàn. “Tú có một vẻ đẹp rất Việt Nam, rất điện ảnh. Lối diễn của em cũng rất tinh tế, rất đời, không thấy sự diễn” - Huy nhận xét.
Đạo diễn Phan Đăng Di thì còn tín nhiệm Tú đến mức nhắm ngay cô cho vai chính trong bộ phim điện ảnh thứ 3 của mình Tiệc trăng tròn. "Tú sẽ vào vai một thiếu nữ miền núi là đối tượng khao khát yêu đương của cặp cha và con. Một vai diễn thực sự bạo liệt sẽ khiến cho Tú ra khỏi thời thơ ngây” - anh bật mí cách đây 6 năm.
Tiếc rằng, vì lý do kinh phí - điều luôn làm đau đầu các nhà làm phim nghệ thuật, bộ phim Tiệc trăng tròn của Phan Đăng Di trì hoãn mãi từ đó tới nay và giờ lỡ hẹn với Tú vì cô đã rời xa ánh sáng trường quay.
Tú có quan niệm nhẹ nhàng về hào quang, về sự nổi tiếng. Không như mẹ yêu và nhiệt huyết với nghề diễn, Tú không quá bị hấp dẫn bởi thế giới phim ảnh, nơi mà cô có năng lực rõ ràng. Cô không sống chết với điện ảnh và an bình, hạnh phúc trong những lựa chọn cá nhân ngoài ánh đèn trường quay. Và những người yêu phim Việt đành tiếc nuối giữ lại những ký ức ít ỏi về một ngôi sao vụt sáng ngắn ngủi trên bầu trời nghệ thuật Việt.