Thành tựu 30 năm phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế tại Hải Phòng
Ngày 12/9, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tổ chức Hội thảo 30 năm phát triển khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) Hải Phòng và định hướng thành lập KKT ven biển Nam Hải Phòng.
Nhiều thành tựu trên chặng đường dài
Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 358 thành lập Ban Quản lý Khu chế xuất Hải Phòng. Chỉ sau một năm, 1994, KCN Nomura – Hải Phòng, một trong những KCN đầu tiên của Hải Phòng được thành lập. Tiếp theo đó là KCN Đình Vũ, KCN Đồ Sơn, rồi lần lượt hình thành các KCN Tràng Duệ, KCN An Dương, KCN Nam Cầu Kiền, KCN VSIP… Nổi bật, năm 2008, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hải Phòng thành lập KKT Đình Vũ - Cát Hải, một trong những động lực phát triển cho TP Hải Phòng.
Tính đến nay, Hải Phòng đã có 14 KCN được thành lập với tổng diện tích 6.100 ha; 1 KKT với tổng diện tích 22.540 ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện nay đạt 63,8%; trong đó phần lớn diện tích chưa thu hút đầu tư đang trong giai đoạn thực hiện giải phóng mặt bằng, san lấp, lấn biển.
Sau 30 năm hoạt động, các KCN, KKT trên địa bàn TP đã thu hút 688 dự án đầu tư với tổng vốn lên tới 36,32 tỷ USD; trong đó bao gồm 473 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 22,39 tỷ USD và 216 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 13,93 tỷ USD. Trong số đó phải kể đến các dự án tiêu biểu như: Tổ hợp dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đăng ký đạt 9,24 tỷ USD; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư 175.000 tỷ đồng (tương đương 7,6 tỷ USD); Tập đoàn Bridgestone với tổng vốn 1,224 tỷ USD; Công ty Pegatron với tổng vốn 900 triệu USD...
Các dự án đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp trong KCN, KKT năm 2022 đạt 683.715 tỷ đồng, chiếm 82% tỷ trọng TP, luôn trong top đầu của cả nước về tốc độ tăng trưởng. Giá trị xuất khẩu đạt 2.287.886 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2008-2023 là 2.275.843 tỷ đồng, bằng 189 lần giai đoạn trước đó; giá trị năm 2022 là 581.700 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 95,2% toàn TP. Đóng góp ngân sách giai đoạn 1993-2007 đạt 1.640,3 tỷ đồng, chiếm 7,7% toàn TP; giai đoạn 2008-2023 đạt 80.084 tỷ đồng, chiếm 11,6% toàn TP, bằng 49 lần giai đoạn trước.
Số lao động hiện nay trong các KCN, KKT là 191.277 lao động, thu nhập trung bình 10,2% triệu đồng/tháng, bằng 1,46% lần bình quân cả nước, tăng 2,83 lần so với năm 2013; 94,2% lao động đã tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng Lê Trung Kiên, việc phát triển KKT, KCN đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế TP theo đúng hướng, trở thành đầu tàu kéo nền kinh tế TP. Sản xuất công nghiệp trong KKT, KCN đã đóng góp phần lớn giá trị sản xuất công nghiệp của TP; giá trị xuất khẩu, nộp ngân sách TP tăng cao; giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường... Những kết quả đạt được là minh chứng khẳng định việc cụ thể hóa và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ, định hướng của TP về phát triển công nghiệp nói chung, công nghiệp trong KKT nói riêng là thành công.
Thành lập khu kinh tế ven biển
Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Quản lý KKT Hải Phòng Lê Trung Kiên cũng cho biết ,sau khi KKT Đình Vũ - Cát Hải được lấp đầy, cũng như theo định hướng phát triển của Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đặt ra, TP Hải Phòng cần phải thêm 1 động lực mới đó là xây dựng KKT phía Nam TP Hải Phòng. KKT mới này có tổng diện tích dự kiến khoảng 20.000 ha.
Theo Ban Quản lý KKT, việc đề xuất nghiên cứu phát triển thêm một KKT tại TP Hải Phòng là cần thiết, hiện nay, tuyến đường cao tốc ven biển Ninh Bình – Hải Phòng đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm khởi công. Sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới kết nối đường bộ cao tốc giữa các tỉnh ven biển Bắc Bộ với cảng biển tại Hải Phòng; rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực hệ thống cảng biển Hải Phòng đi các tỉnh phía Bắc, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực ven biển.
Ngoài ra, cùng với định hướng phát triển khu vực ven theo đường cao tốc ven biển, khu vực cảng Nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng, việc thành lập KKT thứ 2 của TP Hải Phòng sẽ là một giải pháp quan trọng nhằm tận dụng tối đa lợi thế từ các khu vực trên, đồng thời tranh thủ dư địa phát triển từ các KCN, KKT hiện tại của TP nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các định hướng phát triển đã được Bộ Chính trị giao cho TP Hải Phòng.
Về phương án KKT phía Nam Hải Phòng, căn cứ các những quy định về việc thành lập KKT, Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 323/QĐ-TTg ngày 30/3/2023, Ban Quản lý đã rà soát, đề xuất khu vực phát triển KKT mới tại TP Hải Phòng tại khu vực phía Nam cửa sông Văn Úc, khu vực cảng và logistics Nam Đồ Sơn, khu vực dịch vụ logistics, công nghiệp, sân bay Tiên Lãng nhằm kết nối với đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và sân bay Tiên Lãng dự kiến sẽ hình thành trong tương lai.
Việc thành lập KKT mới nhằm tận dụng những dư địa phát triển của các khu công nghiệp và KKT Đình Vũ – Cát Hải hiện tại; khai thác hiệu quả định hướng phát triển tuyến đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn và khu vực sân bay Tiên Lãng sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới; kết nối hiệu quả với các KKT lân cận (Thái Bình, Quảng Yên, Vân Đồn) để tạo thành chuỗi KKT ven biển, trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đồng bằng sông Hồng.
Mục tiêu phát triển KCN, KKT tại Hải Phòng thời gian tới
Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu tỷ lệ lấp đầy 14 KCN đã được thành lập trên 70% và thành lập thêm 04 – 06 KCN mới. Thực hiện chuyển đổi từ 02 đến 03 KCN thành khu công nghiệp sinh thái; 01 KCN công nghệ cao. Đảm bảo 100% các KCN đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Thu hút FDI vào KKT, KCN đạt 12,5 - 15 tỷ USD; thu hút DDI vào KKT, KCN đạt 10 - 15 tỷ USD. Bình quân thu nhập người lao động tại KKT, KCN đạt 20 triệu đồng/người/tháng. Hoàn thành 2-3 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong KKT Đình Vũ – Cát Hải. Thành lập Khu kinh Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000ha.
Giai đoạn đến năm 2030:
Thành lập thêm các KCN với diện tích khoảng 1.433 ha. KKT, KCN đóng góp trên 90% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP. Thu hút FDI vào KKT, KCN đạt 15 tỷ USD; thu hút DDI vào KKT, KCN đạt 12 - 16 tỷ USD. Cơ bản đảm bảo nhà ở và các thiết chế cho công nhân, người lao động.