Thành tựu ấn tượng phát triển nông nghiệp hữu cơ

Phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) gặp nhiều khó khăn, thách thức do những yêu cầu khắt khe và sự phức tạp về quá trình sản xuất, giám sát; khó khăn về thị trường đầu ra…, nhưng phát triển NNHC là một trong 4 nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Mô hình trồng ớt hữu cơ tại một HTX ở H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Mô hình trồng ớt hữu cơ tại một HTX ở H.Long Thành. Ảnh: B.Nguyên

Đến nay, kết quả đạt được trong phát triển NNHC là một trong những điểm sáng của ngành Nông nghiệp Đồng Nai khi diện tích đạt chứng nhận hữu cơ tăng nhanh qua từng năm và dự kiến đạt kế hoạch đề ra.

* Nhiều khó khăn, thách thức

NNHC được thế giới biết đến từ hơn 100 năm trước, nhưng đến năm 2021, toàn thế giới mới có hơn 71 triệu ha canh tác hữu cơ, chiếm 1,5% tổng diện tích đất canh tác. Riêng tại châu Á mới phát triển được 2,9 triệu ha.

Sản xuất NNHC tại Việt Nam còn khá non trẻ so với thế giới với nhiều khó khăn, thách thức lớn như: ý thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng về mô hình này còn hạn chế; chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh; hệ thống cấp chứng nhận chưa hoàn chỉnh; quỹ đất để sản xuất hữu cơ không nhiều và cần phải có thời gian dài để cải tạo, chi phí đầu tư cao và thị trường không ổn định.

ThS Nguyễn Vinh Hùng, chuyên gia của Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) nêu lên những khó khăn trong phát triển NNHC tại Việt Nam gồm: đất đai bị ô nhiễm do sử dụng phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật, đô thị hóa; diện tích đủ điều kiện sản xuất hữu cơ nằm ở những vùng sâu, vùng xa; quy trình sản xuất hữu cơ rất khắt khe, chi phí sản xuất hữu cơ cao hơn sản xuất thông thường từ 1,3-2 lần; quy trình và định mức kinh tế kỹ thuật cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi chưa được ban hành; việc bố trí vùng đệm (không gian, vật lý) làm giảm diện tích sản xuất và phát sinh chi phí; thị trường vật tư đầu vào phục vụ sản xuất hữu cơ vật tư (hạt giống, con giống hữu cơ; phân bón, thức ăn chăn nuôi, thủy sản hữu cơ, chế phẩm phòng trị bệnh) chưa phát triển; thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ còn nhỏ hẹp.

Riêng với Đồng Nai, phát triển NNHC còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do là tỉnh công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao; các mô hình sản xuất hữu cơ còn có quy mô nhỏ nên chưa có cơ sở để đánh giá về thị trường tiêu thụ. Đối với sản phẩm hướng hữu cơ, mặc dù đã có các mô hình liên kết nhưng quy mô liên kết nhỏ, các điều kiện liên kết chưa chặt chẽ, nên việc tiêu thụ sản phẩm còn rất khó khăn; đa số người sản xuất phải tự tìm thị trường tiêu thụ với giá không cao hơn nhiều so với sản phẩm thông thường.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT NGUYỄN VĂN THẮNG nhấn mạnh, thời gian tới, ngành Nông nghiêp Đồng Nai tiếp tục tập trung các giải pháp phát triển vùng sản xuất hữu cơ theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng sản xuất hữu cơ tập trung; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu đối với sản phẩm NNHC của tỉnh; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, truy xuất sản phẩm và thương mại điện tử…

* Thành tựu ấn tượng

Từ những khó khăn trên, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển NNHC. Trong đó, tại Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23-6-2020, Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND các tỉnh, thành phố xác định sản phẩm lợi thế, lĩnh vực chủ lực, vùng có lợi thế về sản xuất hữu cơ, phối hợp với Bộ NN-PTNT xây dựng đề án phát triển NNHC đáp ứng yêu cầu và phù hợp với tiêu chuẩn ngành Nông nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển NNHC với nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng các mô hình. Theo đó, thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ với đa dạng sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Theo đó, diện tích đạt chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh tăng nhanh qua từng năm. Cụ thể, năm 2021, toàn tỉnh có 3,5ha cây trồng đạt chứng nhận hữu cơ; năm 2022, diện tích này tăng lên 7ha và hiện toàn tỉnh có 27,2ha diện tích cây trồng được cấp chứng nhận hữu cơ với nhiều sản phẩm như: tiêu, sầu riêng, rau…

Về kết quả, tiến độ thực hiện các mục tiêu đột phá, toàn tỉnh đã xây dựng được 7/8 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ với quy mô 27,2ha, đạt 87,5% chỉ tiêu kế hoạch. Dự kiến thời gian tới, tỉnh có thêm mô hình trồng tiêu với diện tích 2,2ha trên địa bàn H.Cẩm Mỹ được công nhận, như vậy hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2025.

Căn cứ định hướng phát triển công - nông nghiệp và khảo sát chất lượng môi trường đất, nước, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch được 8 vùng sản xuất hữu cơ tập trung với tổng diện tích gần 19 ngàn ha. Ngoài vùng tập trung, toàn tỉnh xác định thêm 23 điểm đáp ứng được điều kiện sản xuất hữu cơ tại các địa phương.

Đánh giá về lợi thế phát triển NNHC của Đồng Nai, ThS Nguyễn Vinh Hùng chỉ ra, các vùng NNHC tại H.Tân Phú có thuận lợi về điều kiện tự nhiên vì có rừng làm vùng đệm cách ly vùng sản xuất hữu cơ với các vùng canh tác truyền thống; vùng sản xuất hữu cơ tại H.Cẩm Mỹ có lợi thế đã là vùng chuyên canh cây hồ tiêu và đa số nông dân đã chuyển đổi canh tác theo hướng hữu cơ… Đây là những thuận lợi để Đồng Nai xây dựng các vùng sản xuất NNHC quy mô lớn, theo chuỗi liên kết.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202312/thanh-tuu-an-tuong-phat-trien-nong-nghiep-huu-co-84b4e26/