Thành ủy Hà Nội quy định 8 bước thẩm định, thẩm tra văn bản
Quy trình mới nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu, phục vụ cấp ủy ở Văn phòng Thành ủy; góp phần chuẩn hóa, minh bạch hóa và đẩy nhanh quá trình xử lý hồ sơ, tờ trình, báo cáo trình Thành ủy.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 5031-QĐ/TU ban hành Quy trình thẩm định, thẩm tra văn bản trình Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Quy trình cũng nhằm bảo đảm việc xây dựng, ban hành văn bản; việc cho chủ trương của Thành ủy đối với các quy hoạch, dự án được chất lượng, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn của thành phố. Quy định quy trình này nhằm phục vụ các hội nghị Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
Đáng chú ý, quy trình thẩm định, thẩm tra văn bản được quy định chi tiết bao gồm 8 bước từ lúc Văn phòng Thành ủy tiếp nhận văn bản đến khi trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố theo quy chế làm việc). Mỗi bước đều được quy định rõ cách thức thực hiện và thời hạn hoàn thành.
Trong 8 bước nêu trên, quy trình thẩm định, thẩm tra văn bản trước khi trình Thường trực Thành ủy chỉ bao gồm 4 bước; riêng thời gian thuộc nhiệm vụ của Văn phòng Thành ủy để hoàn thành các bước này nhiều nhất là 5 ngày làm việc. Việc xin ý kiến các cơ quan liên quan không quá 5 ngày làm việc.
Cũng theo Quy trình nêu trên, căn cứ thẩm định bao gồm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, các văn bản quy định của Đảng; các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước; các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác... của Thành ủy Hà Nội.
Phương pháp thẩm định, thẩm tra là bảo đảm kết hợp kiến thức tổng hợp của chuyên viên Văn phòng Thành ủy, trường hợp cần thiết có thể tham khảo ý kiến tham gia tư vấn của các cơ quan chuyên môn liên quan, của các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, các chuyên gia có kinh nghiệm trong từng lĩnh vực.
Trong quá trình thẩm định, thẩm tra, khi cần thiết, Văn phòng Thành ủy trưng tập tổ chức, cá nhân có năng lực, kinh nghiệm liên quan đến nội dung văn bản cùng tham gia thẩm định. Tùy theo yêu cầu của văn bản, có thể trưng cầu ý kiến của Đảng đoàn HĐND thành phố, Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và các cơ quan liên quan. Văn phòng Thành ủy chủ động trao đổi cơ quan, tổ chức trình văn bản để cung cấp thông tin, tài liệu, giúp nắm rõ nội dung trình nhằm kịp thời giải quyết công việc nội bộ của thành phố.