Thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO: Vinh dự luôn đi cùng trách nhiệm!

Chia sẻ với TG&VN nhân dịp Việt Nam vừa trúng cử Hội đồng Chấp hành UNESCO, PGS. TS. Dương Văn Quảng - nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Trưởng phái đoàn đại diện Việt Nam bên cạnh UNESCO, cho rằng niềm vinh dự luôn đi cùng với trách nhiệm, đặc biệt trong tình hình mới.

Ông đánh giá gì về những cơ hội của Việt Nam khi lần thứ năm trở thành thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO?

PGS.TS. Dương Văn Quảng.

PGS.TS. Dương Văn Quảng.

Bản thân tôi đặc biệt vui mừng trước thành công của ngoại giao Việt Nam nói chung và việc Việt Nam vừa trúng cử vào Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025.

Có thể nói rằng việc một quốc gia được bầu vào Hội đồng Chấp hành UNESCO luôn có ý nghĩa to lớn về đối ngoại bởi vì Hội đồng Chấp hành là cơ quan đưa ra các quyết định nhằm triển khai những nghị quyết mà Đại hội đồng UNESCO thông qua. Đó cũng là nơi mà Việt Nam có thể thể hiện vai trò của một thành viên tích cực và có trách nhiệm về đối ngoại đa phương trong một tổ chức quốc tế quan trọng như UNESCO.

Với năm lĩnh vực chuyên môn của mình, UNESCO ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của các quốc gia nhất là về giáo dục, văn hóa, môi trường cũng như trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Nói như vậy để thấy rằng sau bốn lần trúng cử thì lần trúng cử thứ năm này chứng tỏ rằng trước đây Việt Nam đã có những đóng góp rất tích cực vào hoạt động của Hội đồng Chấp hành nói riêng và ở UNESCO nói chung.

Thành công này cũng cho thấy ngành ngoại giao đã cụ thể hóa được Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Theoông, Việt Nam gặp những thách thức gì trong việc đảm đương vai trò của mình tại Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ này?

Đương nhiên, vinh dự luôn đi liền với trách nhiệm. Theo tôi, những thách thức của lần thứ năm này sẽ khác với các thách thức của các lần trước bởi vì quan hệ quốc tế luôn luôn vận động không ngừng. UNESCO không phải là ngoại lệ.

Đầu tiên, đó là thách thức về con người. Chúng ta đã có những nhà ngoại giao rất chuyên nghiệp, thông thạo về ngoại ngữ, ngoại giao văn hóa và công việc ở UNESCO, song tôi nghĩ rằng vẫn cần phải tăng cường sự chuyên nghiệp hơn nữa để đáp ứng và ngang tầm với nền ngoại giao hiện đại của các nước khác.

Thứ hai, dù các quốc gia đều chia sẻ mục tiêu chung tại UNESCO nhưng vẫn luôn có sự cạnh tranh rất lớn giữa các nước để thể hiện tầm ảnh hưởng và tiếng nói của mình. Nếu như chúng ta muốn có vai trò dẫn dắt thì bản thân phải được trang bị nhiều kỹ năng đa ngành về đối ngoại, tiêu chí cần thiết để thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại đa phương, cũng như có thể đảm đương được các chức vụ cao hơn.

Tuy nhiên, bản thân tôi rất tin tưởng vào thế hệ cán bộ ngoại giao hiện nay vì họ được đào tạo bài bản, nắm vững đường lối đối ngoại, nhu cầu của đất nước, luôn trau dồi kinh nghiệm cũng như được thử thách rất sớm trong hoạt động ngoại giao.

Vậy theo ông, đâu là yếu tố cần cho cán bộ ngoại giao tại UNESCO trong tình hình mới?

Theo tôi, trong tình hình mới, công tác ngoại giao tại UNESCO đòi hỏi tính chuyên nghiệp và tính chuyên biệt của cán bộ ngoại giao; những kỹ năng này cần được làm sâu sắc hơn nữa.

Bgoại giao ở UNESCO mang một đặc thù riêng bởi đây là nơi chúng ta có thể nâng cao uy tín, vị thế của mình, cũng như có thể vận động được các danh hiệu di sản thế giới. Nơi đây cũng có thể giúp kết hợp hài hòa giữa ngoại giao Nhà nước và đối ngoại địa phương trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, nhất là về văn hóa, giáo dục, xã hội, môi trường, khoa học.

Các kỹ năng chuyên biệt cần được rèn rũa hơn nữa là những kỹ năng ngoại giao liên quan đến các lĩnh vực văn hóa, khoa học công nghệ, khoa học xã hội, truyền thông. Nói cách khác, mỗi cán bộ vừa phải là một nhà ngoại giao có kinh nghiệm, đồng thời lại là một nhà chuyên môn giỏi trong đối ngoại đa phương tại UNESCO.

Xin cảm ơn ông!

Kết quả bầu Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Việt Nam đứng ở bảng 4. (Nguồn: TTXVN)

Kết quả bầu Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Việt Nam đứng ở bảng 4. (Nguồn: TTXVN)

Hội đồng Chấp hành gồm 58 thành viên, là cơ quan điều hành quan trọng của UNESCO, chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình, kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và ngân sách của tổ chức, bỏ phiếu chọn ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO để Đại hội đồng UNESCO thông qua.

Ngày 17/11, trong khuôn khổ khóa họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris (Pháp), Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thanh-vien-hoi-dong-chap-hanh-unesco-vinh-du-luon-di-cung-trach-nhiem-165370.html