'Thanh xuân' trên công trường cao tốc
Để lại phía sau gia đình và hạnh phúc cá nhân, nhiều kỹ sư vẫn miệt mài gắn bó với nắng gió công trường, góp sức trẻ để sớm nối thông trục cao tốc xương sống đầu tiên của cả nước.
"Nợ" mẹ một nàng dâu để vào công trường tiếp sức
"Tôi nợ mẹ một nàng dâu", lời chia sẻ của kỹ sư Lê Văn Tú (sinh năm 1991, quê ở TP Hà Tĩnh), Phó giám đốc điều hành, Bí thư Chi đoàn thanh niên (thuộc Tập đoàn Cienco4) gói thầu XL01 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau khiến người đối diện không khỏi bùi ngùi về sự lận đận tình duyên của những người đi "khơi tuyến, mở đường".
Những ngày cuối tháng 3/2024, khó khăn về nguồn cát đắp nền đường vẫn chưa ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Song, hơn 10 mũi thi công của Tập đoàn Cienco4 vẫn rộn ràng tiếng máy, tăng tốc các hạng mục còn lại.
Công địa nhộn nhịp, tại trụ sở ban điều hành, Tú cùng 6 - 7 anh em khác cũng luôn chân, luôn tay trong đống giấy tờ chất chồng để triển khai việc "bếp núc", lượng hóa giá trị công việc trên giấy tờ, hoàn thiện thủ tục hồ sơ nghiệm thu, thanh toán để đưa dòng tiền về công trường nhanh nhất.
Tròn 10 năm gắn bó với nghề giao thông, Tú thừa nhận: Chưa bao giờ khối lượng công việc lớn như thời điểm hiện tại. Nếu ngày trước, giá trị một gói thầu chỉ khoảng 400 - 500 tỷ đồng trở xuống thì tại cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau, gói thầu Cienco4 đảm nhận có giá trị tới hơn 1.700 tỷ đồng.
"Nếu trước đây, mỗi ngày giá trị thực hiện tại dự án chỉ vài trăm triệu/ngày, tần suất một tháng nộp hồ sơ thanh toán một lần thì tại dự án cao tốc, con số này tăng lên 1,5 - 2 tỷ đồng/ngày, mỗi tháng hai lần nộp hồ sơ để chạy đua tiến độ giải ngân", Tú nói và cho biết, lượng việc tăng, thời gian làm của những người phụ trách công tác nội nghiệp cũng tăng gấp đôi.
"Căng thẳng nhất là thời điểm trước tết Nguyên đán 2024, thực hiện chỉ đạo của Bộ GTVT, công trường "chong đèn" thi đua không màng ngày đêm, sáng tối, tốp công nhân này ra, tốp khác lại luân phiên thay thế, nền đường khó thì dồn lực cho cầu.
Cao điểm, anh em làm hồ sơ lại căng mình làm việc từ 7h sáng hôm trước đến tờ mờ sáng hôm sau. Ngồi phòng làm việc chẳng ai nói một lời, chỉ có tiếng lật dở tài liệu.
Bữa ăn cũng bao trùm trong sự im lặng, ai vào bàn cũng chỉ tập trung ăn cho nhanh, cho "có đạm" để vào làm cho gọn", anh Tú nhớ lại và cho biết, áp lực là rất lớn, song, sự cố gắng của anh cũng có được thành quả. Kết thúc năm 2023, nhà thầu hoàn tất giải ngân 100% kế hoạch đăng ký với chủ đầu tư.
"Việc giãn, anh em lại ngồi nhâm nhi, chia sẻ với nhau về tình yêu, gia đình. Chỉ một vài ly nhưng ai cũng thấy nhẹ nhõm.
Bản thân là bí thư chi đoàn, mình cũng cố gắng tổ chức cho anh em giao lưu bóng đá mỗi tháng hai lần kết hợp chương trình tặng quà động viên các đội thi công. Phần quà không lớn nhưng ai cũng phấn khởi vì được quan tâm", anh Tú chia sẻ thêm.
Anh em Ban điều hành thường nói vui "Tú vì trách nhiệm công việc làm quên cả chuyện yêu đương". Không chỉ cùng anh em nội nghiệp thường xuyên làm việc đến 1 - 2h sáng, đáp ứng điều kiện thanh toán khối lượng thi công trong ngày, Lê Văn Tú còn là người đóng góp tích cực trong công tác phối hợp với Chi bộ địa phương vận động người dân bàn giao mặt bằng sớm cho dự án tăng tốc.
Ông Phạm Xuân Nam, Giám đốc điều hành gói thầu XL1 dự án cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau
Là điểm tựa tinh thần của hàng trăm người lao động tại dự án, nói đến mình, Tú lại đôi phần kiệm lời.
Đằng đẵng với công việc "khai hoang", mở đường, cho đến nay, vị chỉ huy điều hành dự án vẫn chưa tìm được cho mình người bạn đời phù hợp.
"Một vài" là cụm từ được anh lặp lại nhiều lần khi nói về chuyện tình cảm. Là một vài mối tình và mối tình lâu nhất cũng chỉ một vài tháng.
Nhà có hai anh em trai thì đến nay cả hai đều chưa có vợ. Giờ cứ về là bố mẹ giục. Cái Tết vừa rồi về được nửa tháng cũng không dám ở nhà nhiều vì sợ mắng.
Đã có lúc nào anh nghĩ đến chuyện bỏ việc? "Có chứ", Tú nói và tiếp lời: Tháng 4/2023, mình đã xin nghỉ để về quê.
Nhưng cũng chỉ nửa tháng sau, "lửa nghề" lại hừng hực, cuồng tay, cuồng chân mình xin trở lại công trường tiếp sức anh em. Mong ước dựng xây tổ ấm với một cô gái từng gặp 4 lần đành lỡ dở.
"Chỉ nuối tiếc một điều, có lần mẹ ốm cả tháng trời, mình không thể về chăm. Cảm giác lúc đó mình như người con bất hiếu. Mình nợ mẹ một nàng dâu!", lắng giọng, Tú chìm vào nỗi buồn sâu thẳm.
Cận kề thời điểm về đích vào dịp 30/4, guồng quay tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo càng thêm nhanh, dù rất cố gắng, song, việc kết nối của phóng viên với một kỹ sư, công nhân gần như "bất khả thi".
"Ròng rã nhiều tháng qua, tất cả anh em dồn hết tâm trí cho công trường. Kỹ sư chuyên môn ngày đi hiện trường, tối về là hồ sơ nghiệm thu, thanh toán. Một người đảm nhận hai vai, vùi đầu vào công việc, dần già ngại tiếp xúc bên ngoài.
Đó cũng là lý do ở ban điều hành của đơn vị có hơn 100 kỹ sư thì khoảng 30% trong số đó ở độ tuổi 30 - 35 chưa vợ. Thanh xuân của họ dường như đã gửi gắm hết cho công trường", ông Nguyễn Thanh Phong, Phó ban điều hành dự án thuộc Tổng công ty đầu tư xây dựng 194 chia sẻ.
Gác việc riêng, xung kích đi đầu đưa dự án về đích sớm
Từ dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, kỹ sư Doãn Thái Đại tiếp tục về gói thầu XL02 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Bùng - Vạn Ninh cùng gần 200 kỹ sư, công nhân thuộc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính chinh phục cây cầu Long Đại có địa hình thi công phức tạp nhất trong 12 năm "bén duyên" với ngành giao thông.
Đảm nhận vai trò giám đốc điều hành công trình, anh Đại cũng là người được lãnh đạo đơn vị đánh giá là một thanh niên "say" việc đến nỗi bỏ quên cả tuổi trẻ.
"Cầu Long Đại có tổng chiều dài gần 1,2km. Đặc thù của công trình là khi đến địa phận huyện Quảng Ninh bị vướng đường dây 500kV và di tích lịch sử Quốc gia Đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn bến phà Long Đại.
Quá trình thiết kế, phương án đảo tuyến được đưa ra. Công trình lấn tuyến từ phía Tây sang phía Đông đường Hồ Chí Minh, vượt qua đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 15, qua khu dân cư và sông Long Đại", anh Đại nói.
Nằm ngay bến phà Long Đại, một di tích lịch sử nổi tiếng là "tọa độ lửa", bị địch trút xuống hàng vạn tấn bom đạn nhằm ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam của quân ta trong kháng chiến chống Mỹ, theo anh Đại, giai đoạn căng thẳng và cảm xúc nhất chính là thi công những cọc khoan nhồi với chiều sâu 40m ở nhịp giữa sông.
"Nỗi lo lớn nhất địa chất con tồn đọng tàn tích của chiến tranh. Công tác thi công cọc được tiến hành 24/7 trong mùa mưa rét. Để người lao động tự tin làm việc, thời gian ấy, đặt lưng xuống là trằn trọc, thế rồi lại ra công trường túc trực, khích lệ anh em làm việc.
May thay đơn vị được các anh hùng liệt sĩ phù hộ, quá trình thi công diễn ra thuận lợi.
Trong tổng số 262 cọc khoan nhồi, Công ty Trung Chính đã thi công được 212 cọc, chỉ còn 5 trụ vướng GPMB. Riêng số lượng cọc thi công qua bến phà Long Đại gần 50 cọc đã được hoàn thành trong 4 tháng.
Thời gian thi công chỉ cần chậm một nhịp, công trình sẽ không thể vượt lũ để thi công trong mùa mưa, tiến độ chắc chắn bị ảnh hưởng và không thể rút ngắn thời gian về đích từ tháng 10/2025 xuống tháng 6/2025 theo chỉ đạo của Bộ GTVT", anh Đại giãi bày.
Là người luôn mang đến hoạt động mang lại niềm vui cho anh em giải tỏa căng thẳng, áp lực trên công trường, cũng giống như nhiều kỹ sư, công nhân giao thông khác, ẩn sâu trong người thanh niên nhiệt huyết Doãn Thái Đại vẫn thấp thoáng nỗi buồn và sự áy náy với người vợ ở quê nhà Đô Lương (Nghệ An).
Ký ức của vị chỉ huy ùa về thời điểm tết Nguyên đán 2023, là khi dự án bước vào cao điểm huy động máy móc, thiết bị thi công, ba tháng liên tục, anh Đại biền biệt ở công trường.
Thời tiết thay đổi, đứa con trai lên 5 bị ốm, chỉ một mình vợ chăm, căng thẳng giữa hai vợ chồng là điều không thể tránh.
"Đặc thù nghề nghiệp không thể làm khác, em cưới anh rồi thì bằng lòng cho anh", tôi đã nói với vợ như vậy. May mắn là dần già cô ấy hiểu và cảm thông.
Điều áy náy nhất là giờ hai vợ chồng thường xuyên xa nhau, dù rất muốn nhưng kế hoạch sinh bé thứ hai chưa thể thực hiện.
Rồi anh định đến khi nào? "Có thể sẽ là tới đây, cũng có thể là đợi đến lúc xong tuyến cao tốc này. Ở thời điểm tiến độ tính từng ngày, tôi chưa cho phép mình nghĩ nhiều về việc riêng mà xao nhãng việc chung của đơn vị, lớn lao hơn là mục tiêu sớm nối thông công trình trọng điểm của đất nước", anh Đại thổ lộ.
Trao đổi với Báo Giao thông, anh Nguyễn Giao Linh, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ GTVT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", phát huy nhiệt huyết, sức trẻ, thời gian qua, lực lượng đoàn viên thanh niên ngành GTVT đã xung kích, nỗ lực góp sức dựng xây, sớm đưa tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam vào khai thác đồng bộ, góp phần phát triển KT-XH.
"Khích lệ tinh thần của đoàn viên thanh niên trong bối cảnh các dự án thi công với áp lực rất lớn, Đoàn Thanh niên Bộ GTVT đã đẩy mạnh tuyên truyền đến các cơ sở đoàn, vận động đoàn viên tích cực đi đầu trong triển khai các dự án, nhất là khối các Ban QLDA và lực lượng trực tiếp thi công trên công trường.
Công tác đề xuất tuyên dương những điển hình xuất sắc trong triển khai các dự án thông qua các phong trào thi đua do Đoàn Bộ phát động; Chia sẻ khó khăn với đoàn viên thanh niên cũng được thực hiện kịp thời để khích lệ tinh thần cống hiến tuổi trẻ vì sự phát triển của ngành GTVT và của đất nước", anh Nguyễn Giao Linh nói.