Tháo áp lực cho ngành giáo dục

Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho năm học 2022-2023 theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Quyết định bổ sung thêm chỉ tiêu giáo viên thực sự là tin vui rất lớn với hơn 42.200 cơ sở giáo dục với gần 23 triệu trẻ mầm non, học sinh phổ thông trong năm học mới. Bởi cả nước đang thiếu hơn 90 nghìn giáo viên, chủ yếu là giáo viên cho các môn học mới cấp tiểu học, THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới và giáo viên mầm non các tỉnh vùng dân tộc-miền núi.

Bộ GD&ĐT thừa nhận, những bất cập và thiếu chủ động trong việc tuyển dụng giáo viên đã dẫn đến tình trạng trên, nhất là việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, học sinh; bố trí, điều động, phân công giáo viên chưa phù hợp. Cùng với đó, đời sống của cán bộ, giáo viên còn nhiều khó khăn, điều kiện làm việc còn hạn chế, nên một bộ phận chưa thực sự yên tâm công tác đã xin thôi việc chuyển sang trường tư thục.

Theo lãnh đạo ngành giáo dục nhiều địa phương, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên hiện nay là nguồn tuyển không đáp ứng đủ nhu cầu. Luật Giáo dục 2019 quy định trình độ đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học có thay đổi so với trước đây. Cụ thể, giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng sư phạm và giáo viên tiểu học phải có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, dẫn đến hụt hẫng trong công tác tuyển dụng.

Nhiều chuyên gia quan ngại, việc tuyển không đủ giáo viên so với chỉ tiêu được giao sẽ là câu chuyện dài vì không lấy đâu ra nguồn. Những giáo sinh sư phạm không đủ chuẩn đào tạo ít nhất cũng phải có một khoảng thời gian học nâng chuẩn thì mới đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng. Trong khi đó, các trường đại học sư phạm đang cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo lộ trình Bộ GD&ĐT đưa ra, cùng với việc học sinh phổ thông ít chọn theo học ngành sư phạm mầm non và tiểu học nên nguồn tuyển giáo viên sẽ rất hạn hẹp. Tình trạng “cung” không đáp ứng được “cầu” xảy ra ngay cả với khu vực đồng bằng, đô thị chứ chưa nói đến miền núi.

Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, ngoài giải pháp bố trí dạy tăng tiết, phân công giáo viên dạy liên trường, liên môn, điều động giáo viên THCS xuống dạy tiểu học, nhiều địa phương đã chấp nhận giải pháp “hạ chuẩn” trình độ đào tạo theo quy định để ký hợp đồng.

Mặt khác, quy trình tuyển dụng giáo viên phức tạp, phải tuân thủ nhiều luật và quyết định quản lý hành chính liên quan đến ngành Giáo dục, Nội vụ, UBND các cấp và nhà trường. Cho dù một số địa phương, ngành Giáo dục và Nội vụ đã rất chủ động vào cuộc và linh hoạt giải quyết các khúc mắc nảy sinh nhưng với những quy định như hiện nay, ngành Giáo dục đang ít nhiều bị động trong việc tuyển người đảm bảo theo yêu cầu.

Các chuyên gia chỉ ra, vấn đề bất hợp lý là sở GD&ĐT và phòng GD&ĐT chịu trách nhiệm trước HĐND, UBND về chất lượng giáo dục nhưng không được giao quyền tự chủ về công tác tuyển dụng, quản lý nhân lực. Vì thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng lại thuộc UBND tỉnh và ngành Nội vụ.

Thế nên, việc thực hiện quyết định của Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn 2022-2026 và 27.850 biên chế trong năm học này là điều không thể thực hiện ngày một ngày hai.

Thiết nghĩ, để đảm bảo đủ giáo viên, cần có cơ chế trao quyền chủ động, tự chủ, chịu trách nhiệm cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng giáo viên để đảm bảo đủ số lượng, đồng bộ về cơ cấu các môn học, tránh tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ. Các địa phương cần đẩy mạnh đặt hàng với trường sư phạm để đào tạo theo địa chỉ, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông mới, góp phần giải quyết thiếu hụt nguồn tuyển dụng.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/thao-ap-luc-cho-nganh-giao-duc-post454201.html