Tháo bỏ rào cản điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
Dự thảo Nghị định mới về đăng ký doanh nghiệp (thay thế Nghị định 01/2021/NĐ-CP) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo lấy ý kiến dư luận, hoàn thiện, trình Chính phủ trong tháng 9/2024. Góp ý cho dự thảo nghị định này, các chuyên gia và luật sư cho rằng, cần có những quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh trong quá trình thực hiện.
Chuẩn hóa thủ tục để thích ứng với các bộ luật hiện hành
Tại Hội thảo “Góp ý dự thảo nghị định về đăng ký doanh nghiệp (DN)” do VCCI tổ chức ngày 15/7, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI đánh giá, dự thảo nghị định mới về đăng ký DN sẽ thay thế Nghị định 01/2021/NĐ-CP (Nghị định 01) có một số điểm mới theo hướng điều chỉnh một số quy định để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, các quy định tại dự thảo nghị định sẽ tác động đến DN trong nhiều lĩnh vực khi thực hiện các thủ tục liên quan đăng ký DN…
Tiếp tục tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
"Nghị định mới về đăng ký doanh nghiệp cần cụ thể, tường minh hơn, phát huy được tinh thần cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp…, đồng thời cũng giúp nâng cao công tác quản lý Nhà nước, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng, triển khai trong thực tiễn" - ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI.
Ông Nguyễn Khắc Huy - Phó cục trưởng Cục quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, dự thảo có 9 chương và 83 điều, gồm 8 nội dung chính. So với quy định hiện hành, dự thảo nghị định có một số điểm mới theo hướng đơn giản hóa hơn thủ tục hành chính giấy tờ trên cơ sở kết nối với cơ sở quốc gia về dân cư; chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý Nhà nước và chú trọng nâng cao công tác hậu kiểm, tạo thuận lợi tối đa cho DN khi gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, nghị định lần này cũng hướng đến kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn triển khai Nghị định 01.
Ở góc độ đại diện cộng đồng DN, ông Đậu Anh Tuấn cũng thẳng thắn nêu ý kiến, lĩnh vực đăng ký DN, đăng ký kinh doanh có nhiều thay đổi tích cực nhất trong thời gian vừa qua. Nếu nhìn theo chuỗi 25 năm thực hiện Luật DN thì lĩnh vực đăng ký kinh doanh được đánh giá có sự đột phá, thành công nhất, bởi đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc đến lĩnh vực khác…
Mặc dù đã có những thay đổi tích cực, nhưng lĩnh vực đăng ký DN cũng đứng trước những yêu cầu, thách thức mới. Một số vướng mắc phát sinh trong thực tiễn nhận được nhiều phản ánh của địa phương, DN là: quy định đối với người đại diện theo pháp luật của DN thực hiện thủ tục đăng ký DN còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng để thực hiện các hành vi vi phạm nhằm mục đích trục lợi hoặc trốn tránh trách nhiệm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, của Nhà nước, làm méo mó môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó, nền kinh tế xuất hiện hình thức kinh doanh mới (cá nhân kinh doanh thực hiện livestream bán hàng với doanh thu nhiều tỷ đồng/phiên) nên phương thức đăng ký DN cũng cần có sự thay đổi, thích ứng với bối cảnh mới nhằm hoàn thiện quản lý nhà nước cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Một số quy định còn gây khó cho doanh nghiệp
Theo đánh giá của các chuyên gia và luật sư, pháp luật về đầu tư kinh doanh đã tiến một bước tiến rất dài, chuyển từ “tiền kiểm sang hậu kiểm”, rút ngắn nhiều thời gian cho DN trong quá trình đăng ký DN. Tuy nhiên qua thực tiễn triển khai vẫn còn một số tồn tại cần sửa đổi...
Góp ý tham luận tại Hội thảo, Luật sư Nguyễn Đức Mạnh - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Bizlink cho rằng, nội dung quy định về “bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân” trong dự thảo nghị định mới thay thế chưa có sự thống nhất. Cùng với đó, quy định về việc ủy quyền cho tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký DN cũng nhiều điểm không phù hợp với thực tế, gây khó khăn và tăng thêm thủ tục cho DN khi đăng ký thành lập mới.
Đồng thời, quy định về việc xử lý hồ sơ tiếp nhận trước ngày dự thảo có hiệu lực thi hành cũng chưa hợp lý và có thể tạo ra bất lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện đăng ký DN, đặc biệt là trong trường hợp hồ sơ hợp lệ đã được tiếp nhận và có thời hạn giải quyết thủ tục hành chính theo quy định pháp luật.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Thị Thanh Huyền - thành viên Văn phòng Luật sư NH Quang & Cộng sự cũng nêu ý kiến, thực tế, DN gặp khó khăn khi đăng ký ngành, nghề kinh doanh không được quy định tại Hệ thống ngành nghề kinh tế Việt Nam hoặc pháp luật chuyên ngành (việc được chấp thuận hay không phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan đăng ký kinh doanh từng địa phương). Đây là vấn đề nhức nhối của DN trong bối cảnh Luật DN quy định DN được tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
Cụ thể, hiện nay, DN vẫn gặp khó khăn khi đăng ký ngành, nghề có các thủ tục chưa quy định rõ về trình tự, hồ sơ thực hiện dẫn tới cơ quan đăng ký kinh doanh từng địa phương có quan điểm áp dụng khác nhau, gây lúng túng cho DN và cơ quan đăng ký kinh doanh khi thực hiện. Trong khi đó, một số quy định bị chồng chéo, gây lãng phí thời gian và nguồn lực của DN.
Cùng với các ý kiến đã nêu, tại hội thảo, đa số ý kiến góp ý đều chung nhận định, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc nêu trên, dự thảo nghị định mới về đăng ký DN cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo thuận lợi cho DN và cơ quan đăng ký kinh doanh trong quá trình thực hiện. Đồng thời, cũng cần đồng bộ quy định hướng dẫn về đăng ký DN từ thủ tục, biểu mẫu thực hiện đến cơ chế liên thông giữa các cơ quan khi thực hiện thủ tục liên quan đăng ký DN để đảm bảo tính thống nhất, đơn giản hóa thủ tục hành chính./.