Tháo điểm nghẽn để thương mại điện tử phát triển
Thương mại điện tử (TMĐT) đang là lĩnh vực tiên phong vì tỷ trọng trong tổng giá trị kinh tế số cao và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Tuy nhiên, để TMĐT phát triển, cơ quan chức năng cần tháo điểm nghẽn như: xây dựng, ban hành cơ chế xử lý các tranh chấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình…
Tại tọa đàm “Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 14/8, PGS.TS Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông- TT&TT) cho biết, tính đến hết năm 2023, lĩnh vực TMĐT đã đóng góp khoảng 15%-17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia. Từ tốc độ tăng trưởng của hoạt động TMĐT, mục tiêu doanh thu TMĐT chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 có thể đạt được.
Bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) cũng cho hay, năm 2023, TMĐT Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Theo bà Lại Việt Anh, hiện nay có khoảng hơn 80% người dùng Internet đã mua sắm trực tuyến và hoạt động TMĐT. TMĐT cũng có sức hút rất mạnh đối với doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh cá thể phát triển nhanh, mạnh và khá bình đẳng với các DN có quy mô lớn trong môi trường TMĐT. Rào cản gia nhập trong môi trường điện tử lại thấp hơn so với thị trường truyền thống, nhất là khi DN muốn vươn ra thị trường toàn quốc, thậm chí là hướng ra thị trường nước ngoài, TMĐT xuyên biên giới.
Đồng quan điểm này, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, quy mô kinh tế số Việt Nam đạt khoảng 13-14% GDP, trong khi mục tiêu của chúng ta chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Điều đó cho thấy tốc độ của đóng góp của nền kinh tế số xét về giá trị gia tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng trung bình của GDP của Việt Nam.
Theo ông Võ Trí Thành, sự phát triển của TMĐT không chỉ tác động đến tăng trưởng GDP mà còn có tác động tích cực đến thị trường lao động. Đối với việc làm trực tiếp, chưa nói đến đội ngũ shipper, chỉ riêng TP Hồ Chí Minh có hơn 90 nghìn người kinh doanh online, tức khoảng 0,8% dân số của TP Hồ Chí Minh. Cả nước sẽ có hàng trăm nghìn người kinh doanh online, làm TMĐT.
Bà Nguyễn Thị Thảo, chủ DN nhỏ thành công nhờ chuyển đổi kinh tế số (Nam Định) cho hay, trước khi dịch COVID-19, DN bán hàng theo hình thức truyền thống, cụ thể là bán buôn cho thương lái ở các chợ đầu mối. Nhưng sau dịch COVID -19, khi thấy mô hình này không còn phù hợp nữa, tôi bắt đầu tìm hiểu về sàn TMĐT. Cùng thời điểm đó, Shopee có gửi lời mời tham gia chương trình chuyển đổi số cho DN Việt qua TMĐT, nhận thấy đây là một cơ hội tốt nên DN đã tham gia hợp tác.
“Mô hình này thực sự rất lý tưởng đối với những hộ kinh doanh nhỏ. Chúng tôi có thể tập trung sản xuất, nâng cao chất lượng tay nghề sản phẩm. Thành quả là đến nay DN đã mở được 3 cơ sở gồm 300 công nhân, với năng lực sản xuất từ khoảng 250.000 sản phẩm một tháng”, bà Thảo cho biết.
Để phát triển TMĐT bền vững, TS Võ Trí Thành cho rằng, cần hóa giải các thách thức, điểm nghẽn nhằm khơi thông dòng chảy cho hoạt động TMĐT cũng như hàng hóa. Một trong những giải pháp chính là phải có các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho lĩnh vực này hoạt động. Trong đó, cần thiết phải tập trung xây dựng, ban hành các cơ chế xử lý các tranh chấp, cũng như khuyến khích sáng tạo, mô hình kinh doanh mới...
PGS. TS Trần Minh Tuấn cũng cho biết thêm, Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương (trực tiếp là Cục TMĐT &KTS) cùng thúc đẩy một chương trình chung để thúc đẩy các DN, hộ gia đình, hộ kinh doanh, các cửa hàng bán buôn và bán lẻ là được chuyển đổi số đưa lên không gian mạng. Hiện nay, trên các sàn TMĐT nông sản có khoảng 5,2 triệu hộ nông dân mở cửa hàng. Hàng năm có hơn 1,1 triệu các hộ kinh doanh có doanh thu từ bán nông sản qua hình thức giao dịch TMĐT. Cùng với chính sách phát triển TMĐT, các Bộ, ngành cũng đang phối hợp để đưa ra hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ cho hoạt động này phát triển lành mạnh.
Bà Lại Việt Anh cũng cho rằng, để tạo đột phá cho TMĐT, một trong những vấn đề quan trọng đó là cần gắn những định hướng phát triển chuỗi cung ứng trong TMĐT với những quy hoạch phát triển vùng, hệ thống phân phối, dịch vụ logictics. Bên cạnh đó, định hướng kế hoạch phát triển TMĐT trong 5 năm tới mà Bộ Công Thương đang tham mưu trình Chính phủ đó là hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế; trong đó xây dựng những giải pháp thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới và xuất khẩu nói chung. Ngoài ra, thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ DN vượt qua những rào cản kỹ thuật của thị trường.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/thao-diem-nghen-de-thuong-mai-dien-tu-phat-trien-i740503/