Tháo điểm nghẽn phát triển năng lượng sạch

Việt Nam nhanh chóng thực hiện quá trình chuyển dịch năng lượng khi sản lượng tiêu thụ điện dự kiến tăng khoảng 10% hàng năm đến năm 2030.

Điện gió là thế mạnh phát triển năng lượng sạch của Việt Nam.

Điện gió là thế mạnh phát triển năng lượng sạch của Việt Nam.

Áp lực tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cùng gần 150 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này. Việt Nam đã ban hành Quyết định số 500, ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) hướng đến việc đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm mạnh nhiệt điện than, phát triển hợp lý nguồn điện khí sử dụng LNG và sử dụng các nguồn điện sinh khối.

Quy hoạch điện VIII đã đưa ra con số rất cụ thể: mục tiêu từ 31-39% điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030 và 68-72% vào năm 2050. Quy hoạch điện VIII cũng xác nhận cho một bước tiến quan trọng thông qua kế hoạch thành lập 2 trung tâm công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại miền Bắc, Nam Trung Bộ và miền Nam của Việt Nam.

Ông Abhinav Goyal - Giám đốc Dịch vụ tư vấn dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam đánh giá những mục tiêu này mang lại cơ hội lớn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng bền vững, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng và nâng cấp mạng lưới truyền tải. Chưa kể Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hàng năm. Cụ thể 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy GDP tăng dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng cũng tăng cao, sản lượng này dự báo tăng trung bình khoảng 11% /năm. Tốc độ phát triển của nền kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Dưới góc độ doanh nghiệp (DN), ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho biết, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra yêu cầu bảo vệ môi trường và phát thải thấp như một cam kết ràng buộc. Các sản phẩm và nhãn hàng đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và trách nhiệm đối với người lao động.

“Đặc biệt, vấn đề xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh các yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng” - ông Mạnh khẳng định và cho rằng, phát triển bền vững, “xanh hóa” ngành dệt may là hướng đi mà các DN trong ngành đang hướng tới.

Lưu ý đến vấn đề tự chủ công nghệ

Ông Abhinav Goyal - Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam nhấn mạnh khi nhìn vào Quy hoạch điện VIII, có thể thấy sự tiến bộ đáng kể trong chính sách của Việt Nam, cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc nội địa hóa chuỗi cung ứng, thông qua việc thành lập các trung tâm dịch vụ và công nghiệp tái tạo liên vùng. Mặc dù vậy, tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn còn thấp. Do đó, ông Goyal kiến nghị cần phải áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sự tham gia của các DN Việt Nam trong chuỗi cung ứng.

Theo ông Goyal, chuỗi cung ứng của một số các quốc gia trong khu vực như Indonesia đã có những yêu cầu về nội địa hóa trong một số lĩnh vực như năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt, hoặc có các chính sách khuyến khích hợp tác địa phương trong các dự án năng lượng tái tạo.

Hoặc trong lĩnh vực xe điện, Indonesia cũng tận dụng trữ lượng niken dồi dào trong nước để sản xuất pin. Tương tự, Thái Lan có các ưu đãi của chính phủ đã góp phần thiết lập các nhà máy sản xuất linh kiện EV. Chính vì vậy, chuỗi cung ứng trong lĩnh vực EV của Thái Lan có tỷ lệ nội địa hóa cao trong khoảng 50-60%.

Ông Goyal lưu ý, để thúc đẩy hơn nữa chuỗi cung ứng dịch chuyển năng lượng ở Việt Nam, cần giải quyết các thách thức về tài chính như đa dạng hóa các sản phẩm tài chính để phù hợp với các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là vốn vay ưu đãi, tài chính hỗn hợp và các cơ chế tài chính khí hậu mới.

Bên cạnh đó, thu hẹp khoảng cách năng lực trong chuỗi cung ứng địa phương thông qua việc thúc đẩy liên doanh và chuyển giao công nghệ, kiến thức giữa các công ty trong nước và các công ty nước ngoài có kinh nghiệm trong sản xuất, linh kiện năng lượng tái tạo. Đồng thời cung cấp các ưu đãi cho các DN địa phương đầu tư, phát triển năng lực R&D...

Giới chuyên gia cũng đưa ra những lợi thế trong việc chuyển đổi năng lượng, điều này không chỉ bổ sung thêm nguồn năng lượng của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển, mà còn mở ra cơ hội cho DN Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, do đáp ứng được các yêu cầu phát triển bền vững của các thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để thành công trong việc chuyển đổi, Việt Nam cần định hướng một chiến lược phát triển hạn chế phát thải carbon trong dài hạn và trung hòa carbon vào năm 2050 phù hợp với xu thế chung trên thế giới. Cùng với đó, khắc phục những điểm nghẽn cho nhà đầu tư tham gia vào quá trình chuyển dịch năng lượng.

Phát biểu tại Diễn đàn Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu, ngày 17/10, ông Nguyễn Sỹ Đăng - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng là cơ hội tốt để Việt Nam đạt được sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch năng lượng cũng cần lưu ý đến vấn đề tự chủ và dựa vào những thế mạnh và ưu thế đang có. Đặc biệt, thủy điện là công nghệ Việt Nam đã làm chủ được, nên không nên từ bỏ ngay để chạy theo xu hướng khác.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thao-diem-nghen-phat-trien-nang-luong-sach-10292527.html