Tháo 'điểm nghẽn' trong khai quật khảo cổ di sản Thành Nhà Hồ

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, góp phần khẳng định và quảng bá giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa thế giới này. Song, để đạt được mục tiêu ấy, công tác khai quật khảo cổ phải đi trước một bước, nhằm cung cấp các tư liệu lịch sử cho công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục...

Dấu tích sân và con đường Hoàng Gia trước cổng Nam.

Nắm bắt được yêu cầu đó, năm 2008 Ban Quản lý Di tích Thành Nhà Hồ (nay là Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ) đã phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam, tiến hành khai quật khảo cổ tại cổng thành phía Nam. Trên diện tích 350m2 đã phát lộ một phần con đường rộng 4,5m, được lát bằng những phiến đá dày 20 - 30cm (đường Hòe Nhai). Qua đó chứng minh sự tồn tại của con đường lát đá, chạy từ cổng Nam đến Đàn tế Nam Giao, có chiều dài khoảng 3,5km và được xây dựng năm 1402. Đặc biệt, khi thẩm tra và đánh giá hồ sơ đề cử Thành Nhà Hồ, Ủy ban Di sản thế giới đã đánh giá đây là di tích độc đáo và duy nhất, không gặp ở bất kỳ kinh thành phong kiến nào cùng thời đại. Đồng thời, đề nghị được gọi đây là đường Hoàng Gia và khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục quan tâm nghiên cứu bộ phận di tích này, nhằm khoanh vùng bảo vệ và lập hồ sơ bổ sung vào diện tích đề cử.

Đến năm 2010, đơn vị tiếp tục phối hợp với Viện khảo cổ Việt Nam, tiến hành khai quật khu vực La Thành. Với lần khảo cổ này, lần đầu tiên giới chuyên môn có cái nhìn toàn diện và chân xác về kết cấu kiến trúc của di tích. Bằng 7 lớp đất sét được tinh luyện công phu, hậu thế đã phần nào có được câu trả lời cho băn khoăn rằng, vì sao một công trình bằng đất được xây dựng cách đây hơn 600 năm, vẫn trường tồn trước mọi sự bào mòn, tàn phá của thời tiết khắc nghiệt. Đây cũng là căn cứ để sang năm 2012, cuộc khai quật lần thứ 3 tại cổng Nam được tiến hành, trên diện tích 1.500m2. Kết quả khai quật không chỉ làm rõ hơn dấu tích con đường Hoàng Gia; mà còn phát lộ một lũy phòng tuyến hình móng ngựa có niên đại từ thế kỷ 16. Đây cũng là loại hình kiến trúc quân sự độc đáo, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam.

Với kho tàng di sản vô giá còn ẩn sâu dưới lòng đất và trước yêu cầu nghiên cứu khoa học, nhằm làm sáng tỏ những bí ẩn và tiếp tục khẳng định giá trị độc đáo của di sản, ngày 29-11-2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định 4220/QĐ-UBND phê duyệt Dự án nghiên cứu, khai quật khảo cổ tổng thể Khu Di tích Thành Nhà Hồ. Dự án có tổng diện tích khai quật 56.000m2, với tổng mức đầu tư 87,486 tỷ đồng và được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2013-2020. Trên cơ sở này, mùa khô năm 2015, Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, thực hiện khai quật tại khu vực Hào thành, trên diện tích 2.040m2. Qua đó, đã phát lộ và làm sáng rõ cấu trúc, chức năng của chân thành và lòng Hào thành, với dấu vết đá kè bờ hào và lòng hào rộng khoảng 52m, sâu - 4,6m đến - 6,3m. Đây là các dấu tích hộ thành ngoài, nơi tập kết và tu chỉnh đá trước khi xây tường thành, cũng như bổ trợ công năng phòng thủ của thành. Kết quả khai quật cũng đã minh chứng cho các cứ liệu khoa học về sự tồn tại của hệ thủy cổ Thành Nhà Hồ.

Có thể nói, khai quật khảo cổ là nhiệm vụ phức tạp và chịu tác động của nhiều yếu tố chủ quan, khách quan. Song, với sự nỗ lực của tỉnh Thanh Hóa và các đơn vị liên quan, đến nay, công tác này đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, với 12.000m2 đã hoàn thành việc khai quật. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, so với mục tiêu đề ra là 56.000m2, con số kể trên vẫn còn khá khiêm tốn. Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Bá Linh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: Khó khăn lớn nhất trong công tác khai quật khảo cổ di sản là việc bố trí vốn còn chậm so với yêu cầu. Thế nhưng, đây là điều có thể lý giải được do điều kiện kinh tế tỉnh ta còn nhiều khó khăn. Trong khi, dự án có yêu cầu vốn khá lớn và nguồn vốn này được lấy chủ yếu từ ngân sách tỉnh.

Trong giai đoạn 2014-2020, kinh phí đã bố trí cho nhiệm vụ khai quật khảo cổ di sản Thành Nhà Hồ chỉ có 6,9 tỷ đồng - con số quá khiêm tốn so với dự án (87,486 tỷ đồng). Trước thực trạng trên, ngày 15-11-2019 UBND tỉnh đã có Văn bản 15666/UBND-VX về chủ trương rà soát nội dung, định mức chi phí và điều chỉnh nguồn vốn thực hiện dự án. Trong đó, giao cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lập hồ sơ hoàn chỉnh dự án. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 7-7-2020 Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đã có Tờ trình số 187/TTr-DSTNH về việc điều chỉnh nguồn vốn, thời gian và định mức chi phí thực hiện Dự án nghiên cứu, khai quật khảo cổ tổng thể Khu Di tích Thành Nhà Hồ trình UBND tỉnh. Trong đó, tổng mức đầu tư đơn vị đề nghị là 87,486 tỷ đồng; mục tiêu đến năm 2022 sẽ hoàn thành khai quật 56.000m2 các địa điểm di tích đã được phê duyệt trong dự án.

Có thể nói, “điểm nghẽn” vốn là nguyên nhân cơ bản khiến dự án không thể hoàn thành đúng tiến độ. Tuy vậy, để có thể khai quật khảo cổ phần diện tích còn lại trong hơn 2 năm tới, cũng là nhiệm vụ không dễ. Song, việc nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này, sẽ cho thấy trách nhiệm và sự cam kết của tỉnh Thanh Hóa với Ủy ban Di sản thế giới. Đồng thời, cũng là thực hiện nghiêm khuyến cáo của UNESCO về việc bảo tồn di sản chung cho nhân loại.

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/thao-diem-nghen-trong-khai-quat-khao-co-di-san-thanh-nha-ho/124317.htm